Chia sẻ với:
'Nâng chất' chọn tạo tôm giống
Việt Nam vẫn đang phải nhập tôm giống chiếm phần lớn. Bộ NN-PTNT đã lên một số chương trình, cung cấp tôm giống bố mẹ cho các viện nghiên cứu, chọn tạo, bắt đầu hút các doanh nghiệp, địa phương, người dân tìm đến đặt hàng.
Tôm giống nhập dễ dãi
PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản 3 (Viện thủy sản 3, Bộ NN-PTNT), cho rằng, đối với việc nhập tôm giống ngoại thì điều kiện cơ sở vật chất, nhiệt độ, môi trường của chúng ta chưa đáp ứng tốt dẫn đến khả năng chịu đựng của tôm là rất thấp. Vì thế, sau chọn tạo, tôm hay bị bệnh và chết nhiều. Đấy là yếu điểm chọn tôm thẻ chân trắng có nguồn giống từ nước ngoài.
Theo ông Ninh, việc quản lý chất lượng giống tôm (bố mẹ) tại Thông tư 26 chúng ta đang làm như cân, đo kích cỡ và kiểm soát 56 loại bệnh vi rút thường gặp mà không đánh giá được thực chất chất lượng từ nguồn gốc. Hầu như doanh nghiệp trong nước được nhập giống một cách dễ dàng và thông qua hồ sơ của nước ngoài gửi về, thế rồi cơ quan chức năng Việt Nam cấp phép.
“Nhìn nhận hiện trạng và cách làm hiện nay cho thấy việc nhập giống tôm như thế là không ổn, mặc dù có hẳn Thông tư 26 nhưng còn rất hời hợt trong quản lý”, ông Ninh thẳng thắn.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, muốn đánh giá được chất lượng tôm giống, phải tiến hành khảo nghiệm, kiểm nghiệm con giống bố mẹ một cách bài bản, khoa học, chứ không thực hiện kiểu mua bán trên giấy tờ, gửi qua hồ sơ không rõ nguồn gốc xuất xứ con tôm đó từ đâu.
Tại sao chúng ta không đến trực tiếp nơi có nguồn giống tôm để kiểm tra rồi mới cấp phép, ông Ninh nêu vấn đề và trả lời, điều đó không thể, ngoài vấn đề tài chính ra thì căn cốt nhất chính là mỗi năm tôm ra đời một thế hệ khác nhau, thay thế nối tiếp nhau. Cụ thể một năm nó phải thay thế một lần. Vấn đề này Viện đã nhiều lần có ý kiến đề nghị sửa đổi Thông tư 26 của Bộ NN-PTNT nhưng chưa được điều chỉnh.
Năm 2017, thủy sản tiếp tục là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao nhất của toàn ngành nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị SX đạt khoảng 5,89%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (5%). Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7,22 triệu tấn, tăng 5,2%; trong đó khai thác đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5,1%; nuôi trồng đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,3%. Sản lượng tôm các loại đạt khoảng 723,8 nghìn tấn (tăng 10,3%), cá tra đạt khoảng 1.251,3 nghìn tấn (tăng 5,0% so với năm 2016), các đối tượng nuôi khác vẫn tiếp tục tăng mạnh. |
Trong khi đó, giải pháp phía Viện thủy sản 3 triển khai thời gian gần đây là nhập các vật liệu đàn tôm ở 6 quốc gia (Mehico, Colombia, Ecuador, Mỹ, Thái Lan, Indonesia). Khi nhập về, Viện đánh giá đàn tôm, chọn tạo từng thế hệ tôm. Một nửa trong số tôm sau chọn tạo sẽ đưa ra hồ nuôi, nửa còn lại được lưu giữ tại bể nuôi. Làm như thế là để đánh giá sự thích nghi môi trường, chống chịu bệnh của tôm.
Tín hiệu tốt
Theo Viện thủy sản 3 thì năm 2017, Viện đã cung ứng khoảng 40.000 con tôm bố mẹ cho các cơ sở sản xuất tôm phía Nam. Ở Trà Vinh họ đặt hàng mỗi tháng 300 cặp tôm giống bố mẹ tại Viện. Đã có nhiều doanh nghiệp lúc đầu nghi ngờ nhưng qua một vài lần thử nghiệm đã quay lại mua rất nhiều và có xu thế nghiêng về tôm giống nội địa. Đây là tín hiệu rất tốt cho ngành tôm phát triển. Hiện các tỉnh Bình Thuận, Bến Tre đã thu mua lượng lớn tôm giống bố mẹ tại Viện.
Để đáp ứng nhu cầu hiện nay của các cơ sở kinh doanh, phía Viện luôn duy trì trong cơ sở sản xuất từ 40.000 – 50.000 con tôm bố mẹ dự bị để cung ứng cho khách hàng khi có yêu cầu.
Về bài toán kinh tế, theo tính toán của Viện thủy sản 3 cũng như một số doanh nghiệp sản xuất tôm thương phẩm, tôm bố mẹ ở nước ngoài thì mua 120 USD/cặp, trong khi tại Viện đang bán với giá 300.000 đồng/cặp.
Lãnh đạo Viện thủy sản 3 cho hay, tới đây một số hạng mục được đầu tư nâng cấp thêm và các chương trình hỗ trợ bị cắt giảm thì mức giá cũng chỉ có thể tăng lên đến dưới 600.000đ/cặp tôm giống bố mẹ mà thôi, không thể cao hơn. Hiện tôm giống trong nước mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Trong khi 80% lượng tôm giống vẫn phải nhập khẩu, đáng chú ý có những Cty nước ngoài cung ứng tôm giống còn đưa ra điều kiện là phải mua luôn thức ăn của họ. Điều ràng buộc này khiến người nuôi trong nước bị động, phần nào cảm thấy khó chịu.
Đầu năm 2017, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì một hội nghị chỉ bàn duy nhất một vật nuôi của ngành nông nghiệp đấy là tìm lời giải tăng kim ngạch xuất khẩu tôm với quyết tâm Việt Nam phải có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới. Thực tế điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu ở các vùng biển nước ta, đặc biệt là vùng ĐBSCL rất phù hợp để nuôi tôm. Dự kiến xâm nhập mặn và nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, từ đó chúng ta có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm. |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới về tôm là rất lớn. Thực tế chưa có đối tượng nuôi nào mang lại giá trị cao như con tôm, trong khi thời gian nuôi ngắn. Ví như tôm thẻ chân trắng, nếu nuôi tốt chỉ mất 60 - 65 ngày/lứa. “Nền tảng chuẩn bị cho phát triển công nghiệp tôm đã có sẵn. Tiềm năng phát triển con tôm rất lớn, không chỉ dừng lại 3 tỷ USD xuất khẩu và diện tích nuôi 700.000ha, mà có thể tăng lên nhiều, nhưng cần có sự quyết tâm từ Chính phủ đến người nuôi”, ông Cường nói. |