Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Nha Trang Seafoods: Tự tin hơn từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Nha Trang Seafoods: Tự tin hơn từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Trang chủ Tin Tức Nha Trang Seafoods: Tự tin hơn từ các vụ kiện phòng vệ thương mại
Nha Trang Seafoods: Tự tin hơn từ các vụ kiện phòng vệ thương mại
06/02/2014
38 Lượt xem

Chia sẻ với:

Nha Trang Seafoods: Tự tin hơn từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Tròn 10 năm theo đuổi vụ kiện ở thị trường Mỹ

Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 là một DN có bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực XK thủy sản, trong đó, các sản phẩm tôm hiện là mặt hàng chủ lực chiếm trên 90% tổng khối lượng và giá trị XK hàng năm của công ty. Năm 2009, với sản lượng XK hơn 8.000 tấn, Nha Trang Seafoods là DN số 1 của Việt Nam XK sản phẩm tôm chân trắng vào thị trường Mỹ. Năm 2011, công ty đạt mức tăng trưởng cao nhất với tổng doanh số trên 100 triệu USD. Hiện nay, Nha Trang Seafoods F17 nằm trong số 05 DN lớn nhất Việt Nam chế biến và XK mặt hàng này, với thị trường XK chính là Mỹ (chiếm tỷ trọng trên 60%), Hàn Quốc (20%), EU và các thị trường khác (20%).

Cách đây đúng 10 năm, ngày 31/12/2003, Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) đã chính thức nộp đơn khởi kiện chống bán phá giá (CBPG) tôm lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US-ITC) đối với các DN XK tôm vào thị trường Mỹ của 6 nước (Braxin, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ). Đây cũng chính là lần đầu tiên con tôm XK của Việt Nam phải đối mặt với vụ kiện CBPG.

Cùng chung hoàn cảnh với 32 DN tôm Việt Nam tham gia vụ kiện lần đầu tiên ấy, Nha Trang Seafood cũng rất hoang mang và lo lắng, bởi chưa biết vụ kiện sẽ tiến hành ra sao, điều tra như thế nào và kết cục sẽ đi đến đâu…Tuy nhiên, trải qua 10 năm theo đuổi, các DN tôm Việt Nam nói chung và Nha Trang Seafood nói riêng đều đã khá am hiểu và tự tin trong điều tra từ phía Mỹ, nhất là từ kỳ xem xét hành chính lần thứ 4 (POR4) đến nay, khi Nha Trang Seafood luôn là bị đơn bắt buộc.

Thật đặc biệt, cũng đúng 10 năm sau lần đầu tiên đối mặt với vụ kiện CBPG, các DN tôm Việt Nam lại phải đối mặt với thử thách mới khi vào ngày 17/01/2013, DOC lại chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm tôm NK từ Việt Nam, Trung Quốc, Ecuado, Ấn Độ, Inđônesia, Malaysia và Thái Lan.

Lần này, Nha Trang Seafoods cùng với Công ty Minh Quý (Tập đoàn thủy sản Minh Phú) tiếp tục là 2 bị đơn bắt buộc của Việt Nam.

Thắng lợi lớn và đẩy mạnh xuất khẩu

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do bị khởi kiện sau mặt hàng cá tra, nên các DN tôm Việt Nam đã có các bước chuẩn bị tốt hơn và có cách thức tiếp cận vụ kiện hợp lý hơn. Xét về mặt kết quả, việc chống kiện CBPG tôm tại Mỹ được xem là thành công hơn so với vụ kiện cá tra.

Thực tế đúng như vậy. Ngày 10/9/2013, DOC đã phải chính thức công bố tất cả lô hàng tôm Việt Nam XK vào Mỹ trong đợt xem xét hành chính lần 7 (POR7), giai đoạn 1/2/2011- 31/1/2012, của 2 bị đơn bắt buộc là Tập đoàn thủy hải sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp) và Nha Trang Seafoods đều có mức thuế CBPG bằng 0%. Theo đó, mức thuế CBPG của 30 bị đơn tự nguyện còn lại cũng là 0%. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế CBPG đối với mặt hàng tôm Việt Nam, DOC đã công nhận các DN Việt Nam không bán phá giá vào thị trường này.

Bên cạnh đó, quyết định cuối cùng của ITC về việc dỡ bỏ thuế chống trợ cấp do DOC cáo buộc trước đó đối với Việt Nam cũng đã được đưa ra vào ngày 20/9/2013. Với quyết định này, 33 DN Việt Nam tham gia vụ kiện cũng đều được hưởng mức thuế 0%. 

Với thành công lớn của 2 vụ kiện từ thị trường Mỹ, tôm Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ vào thị trường này, với tổng giá trị XK trong 11 tháng đầu năm 2013 đạt 748,571 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2012, góp phần đưa XK thủy sản Việt Nam chạm mốc 6,8 tỷ USD trong năm 2013.

Ông Huỳnh Long Quân, Phó TGĐ Nha Trang Seafood F17 cho biết, sau khi thông tin về 2 vụ kiện trên được công bố, giá nguyên liệu tôm trong nước đã gia tăng một cách nhanh chóng, mang lại niềm vui cho người nuôi, đồng thời Nha Trang Seafood cũng đã tận dụng được cơ hội, tạo động lực đẩy mạnh XK vào thị trường Mỹ, khiến cho đến nay thậm chí tồn kho cũng không còn.

Ông Huỳnh Long Quân - Phó TGĐ Nha Trang Seafoods

Nhiều bài học kinh nghiệm quý giá

Tại hội thảo về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản và các biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Tp Nha Trang ngày 27/11/2013 vừa qua, trao đổi với đông đảo DN, đại diện các cơ quan quản lý và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong ngành, ông Huỳnh Long Quân đã có những chia sẻ về các kinh nghiệm của Nha Trang Seafoods trong việc tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Điển hình trong vụ kiện CVD đối với tôm vừa qua. Theo ông Quân, giai đoạn điều tra là giai đoạn quan trọng và có yếu tố quyết định nhất đối với toàn bộ vụ kiện. Trong giai đoạn này hồ sơ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thời gian trả lời các câu hỏi phải nhanh chóng và phải lập một nhóm chuyên trách xuyên suốt từ đầu đến cuối vụ kiện.

Về mặt hồ sơ nguyên liệu, phía DN thìtương đối ổn, nhưng về phía người nuôi thì cực kỳ khó khăn và phức tạp. Các chuyên viên của Nha Trang Seafood đã phải đến từng hộ nuôi để vận động, thuyết phục, đôi khi phải ăn, ở cùng họ để tạo sự tin tưởng và chuẩn bị tâm lý cho họ. “Những người nuôi họ rất mơ hồ và e ngại đối với kiện cáo, thậm chí chỉ mới nghe Mỹ đến để điều tra là họ đã sợ hãi, bỏ chạy mất rồi”- ông Quân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vì thời gian đi điều tra của phía Mỹ rất khẩn trương, đòi hỏi phải chuẩn bị rất gấp gáp, trong khi chỉ thị từ cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương về đến địa phương thì việc triển khai không mấy nhanh chóng. Chính Nha Trang Seafoods đã phải tự thân liên hệ trước với chính quyền các cấp xã, phường để phối hợp và cung cấp thông tin về vụ kiện, bởi nếu không, khi phái đoàn Mỹ đến, ngay cả chính quyền địa phương cũng bối rối và lúng túng chứ không chỉ riêng người nuôi tôm.

Tôm thẻ chân trắng là mặt hàng chủ lực của Nha Trang Seafoods

Không chỉ có vậy, Nha Trang Seafoods còn phải phân công nhiệm vụ, giao quyền hạn cụ thể cho một nhóm chuyên trách đi theo vụ kiện từ đầu tới cuối. Có như vậy, mọi thông tin và chiến lược hành động mới xuyên suốt và nhất quán. Nếu không, mỗi một lần nảy sinh vấn đề lại phải điều động bộ phận này, bộ phận kia, rất mất thời gian và dễ rối, phức tạp. Đặc biệt, bộ phận kế toán được xem là rất quan trọng trong kiện CVD, và vai trò của kế toán trưởng trong nhóm chuyên trách là cực kỳ cần thiết.

Tóm lại, khi quyết định tham gia vào các vụ kiện thì không chỉ Nha Trang Seafood mà cả các công ty XK thủy sản khác ở Việt Nam cũng đều hết sức lo lắng và lúng túng. Tuy nhiên, cũng chính nhờ các vụ kiện này mà các DN Việt Nam đã trưởng thành hơn và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm rất quý giá trên thương trường.

“Có thể nói, nhờ thắng kiện lần này mà các DN như chúng tôi có thêm tự tin, không còn e ngại hay sợ hãi nếu Mỹ tiếp tục kiện, dù cho họ nắm đằng chuôi và đã quá sành sỏi trong các vụ kiện phòng vệ thương mại”- ông Huỳnh Long Quân khẳng định.

Trần Du

Tìm kiếm