Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm

Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm

Trang chủ Tin Tức Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm
Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm
19/09/2020
35 Lượt xem

Chia sẻ với:

Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm

So với các địa phương khác, Bạc Liêu tập trung đông các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 910 cơ sở sản xuất - kinh doanh các mặt hàng này. Trong đó, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV 240 cơ sở; kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản 297 cơ sở và 374 cơ sở sản xuất - kinh doanh giống thủy sản và nuôi trồng thủy sản…

Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm

Điều đáng quan tâm là gần như ngành quản lý tiến hành kiểm tra đến đâu là phát hiện vi phạm đến đó; mỗi năm số vụ vi phạm không giảm mà còn tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể năm 2019, Thanh tra Sở NN&PTNT và các chi cục có chức năng đã tổ chức thực hiện 74 đoàn thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất - kinh doanh và chủ yếu tập trung nhiều ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Qua đó, ban hành 252 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt trên 2,8 tỷ đồng.

Có một thực trạng đáng cảnh cáo là qua kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và thủy sản, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm với các hình thức, thủ đoạn khác nhau. Cụ thể về chất lượng, qua kiểm tra 48 mẫu phân bón có đến 10 mẫu không đạt chất lượng, đặc biệt đối với vật tư phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, qua kiểm tra 51 mẫu thức ăn chăn nuôi có đến 24 mẫu không đạt chất lượng và thanh tra ngành Nông nghiệp đã xử phạt hơn 502 triệu đồng…

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp còn phát hiện hàng loạt sai phạm về chất lượng, cùng các thủ đoạn lừa gạt người nông dân. Đó là buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; tự ý sang chia mỗi loại thuốc thú y mà không được phép của cơ quan quản lý; mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y thủy sản, BVTV hết hạn sử dụng và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hay kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó và chủ yếu là “nổ” về chất lượng, nhất là các mặt hàng thú y thủy sản với cái mác là sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường núp dưới cái tên “vi sinh”, nhưng khi kiểm tra chất lượng thì có đến 50% vi phạm…

Ngoài ra, còn có các trường hợp vi phạm về buôn bán thuốc BVTV nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc và bán thuốc BVTV với các sản phẩm khác không được phép kinh doanh…

 

Biến đồng đất thành phòng thí nghiệm?!

Tồn tại những bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do thiếu tiền và cả ý thức tự cảnh giác của người nông dân. Trên thực tế, người nông dân đã trở thành nạn nhân và buộc phải sử dụng vật tư nông nghiệp, thủy sản kém chất lượng, bởi họ không có vốn đầu tư nên bị lệ thuộc hoàn toàn vào các đại lý kinh doanh các mặt hàng này. Đó là việc các đại lý này bán hàng cho nông dân theo kiểu triệt buộc “đưa gì thì phải sử dụng đó”, vì nông dân phải mua trước trả sau nên không có lựa chọn nào khác?!

Còn một nguyên nhân khác là ý thức cảnh giác của nông dân chưa cao. Đó là trường hợp các công ty tổ chức bán “lưu động” và cho nông dân sử dụng thử sản phẩm nhưng bản thân người nông dân lại không biết sản phẩm đó đã qua kiểm tra chất lượng, hoặc đã được ngành quản lý cho phép lưu hành trên thị trường hay chưa. Thực tế cho thấy, thời gian qua Thanh tra ngành Nông nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều trường hợp sản phẩm chưa cho phép hay nằm trong danh mục được lưu hành nhưng lại được giới thiệu, bày bán trên thị trường và kết quả là chỉ có nông dân lãnh đủ. Hệ lụy kéo theo là biến đồng đất của nông dân trở thành “phòng thí nghiệm”, nếu làm trúng mùa thì các doanh nghiệp này tổ chức đăng bài, quay video tải lên mạng xã hội, còn thất bại thì họ trốn mất và nông dân cũng không biết phải kiện ai?!

Thêm vào đó, một số nông dân khi sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng bị thiệt hại nhưng lại rất dễ thỏa hiệp với các doanh nghiệp vi phạm và chưa thể hiện được tính cộng đồng. Nghĩa là sau khi thông tin cho ngành quản lý, các phương tiện thông tin đại chúng về sản phẩm của công ty nào đó kém chất lượng gây thiệt hại, nhưng sau đó chính bản thân nông dân lại là người xin rút đơn và không chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình đã cung cấp (do công ty bán hàng kém chất lượng ấy đã bồi thường rất cao). Vậy là ngành quản lý lại gặp khó trong việc xử lý, vì không có người chịu tố giác!

 

Một bất cập khác dẫn đến việc chưa giải quyết đứt điểm được bài toán vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản chính là nông dân chưa xây dựng được các liên kết bền chặt theo mô hình “chuỗi khép kín”. Tham gia mô hình này, doanh nghiệp sẽ cung ứng tất cả vật tư đầu vào cho nông dân và bao tiêu sản phẩm đầu ra, cùng với nông dân chia sẻ lợi nhuận và cả rủi ro (vì lúc này lợi ích của doanh nghiệp và nông dân là một). Theo đó,  doanh nghiệp sẽ cung cấp cho nông dân vật tư chất lượng nhất, nhằm tạo ra sản phẩm cạnh tranh và chất lượng cao cung cấp cho thị trường tiêu tụ. Điển hình như Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu đã kết hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư cho nhiều nông dân ở xã phát triển mô hình lúa - tôm của TX. Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi theo hình thức công ty cung cấp tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mô hình sản xuất tôm sạch này bước đầu đã phát huy hiệu quả, hình thành nên những liên kết giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và hơn cả là được cung cấp vật tư chất lượng phục vụ cho phát triển sản xuất. Không chỉ thế, công ty này còn kết hợp với Trường đại học Bạc Liêu hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho các sinh viên tham gia học chuyên ngành BVTV và nhận vào làm sau khi tốt nghiệp, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với nông dân.

Để giải quyết những khó khăn như hiện nay, cùng với việc tăng cường công tác thanh - kiểm tra, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh các mô hình liên kết hợp tác doanh nghiệp với nông dân và xem đây là giải pháp quan trọng trong việc chủ động ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng, hướng đến sản xuất bền vững.

Tìm kiếm