Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
No đủ nhờ cá sơn

No đủ nhờ cá sơn

Trang chủ Tin Tức No đủ nhờ cá sơn
No đủ nhờ cá sơn
26/10/2020
35 Lượt xem

Chia sẻ với:

No đủ nhờ cá sơn

Mỗi lần đối mặt với sông nước mênh mông, từng cơn gió mát mẻ cuốn quanh người, con người nhẹ tênh, cảm giác bình yên chưa nơi nào có. Đến biển, đến sông nước bao la, được quen thêm những ngư dân miền sông nước hiền hậu, được biết thêm nhiều chuyện đời, tôi càng yêu thêm sông nước, con người Cà Mau.

Khách phương xa thường bảo: “Nói đến Sông Đốc là gắn liền với thị trấn sầm uất, với hình ảnh hàng ngàn ghe biển hoành tráng”. Riêng với tôi không đơn thuần là thế. Ừ, thì phải khẳng định đây là miền biển nhộn nhịp nhất Cà Mau nhưng có lẽ trong tôi bức tranh sôi động ấy còn là từ sức sống, là hình ảnh lao động cần mẫn bên những dòng sông của những ngư dân chỉ quanh bờ mà sống. Như hình ảnh bà con bủa lưới, đập cá sơn vào một buổi sáng mưa lắc rắc cuối tháng 8 âm lịch hiện lên trước mắt tôi thật đẹp, thật sôi động.

Tìm hiểu sâu và may mắn gặp được anh Đấu (Nguyễn Hoàng Đấu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khóm 5, thị trấn Sông Đốc) để được biết thêm về câu chuyện con cá sơn giúp thoát nghèo.

Lượm từng con cá sơn lớn cỡ ngón tay út, anh Trần Thanh Huấn chân tình: “Hôm nay trời mưa lác đác hà, không có dông, nên cũng có cá. Cân được khoảng 150 kg. Nhiêu đó là bình bình thôi. Có lúc trúng ngay luồng cá đi, 1 cữ thôi là 300-400 kg cá. Thấy ham lắm”.

Bởi thế, con cá sơn nhỏ bé này mới đủ sức hấp dẫn để anh Huân bỏ hẳn nghề câu cá ngát, rồi bỏ chạy đò trên sông. Sống ở miền biển nhưng anh Huấn chẳng có chiếc ghe nào, cũng chẳng đánh bắt tôm, mực, chỉ đơn thuần là dựa vào sông nước mà sống với cần câu cá hay chiếc vỏ composite kiếm miếng cơm đắp đổi qua ngày.

Bao năm gắn liền với con nước ròng, nước lớn, anh Huấn chưa một lần nghĩ sẽ làm nghề đánh lưới trên sông. Chài lưới đối với anh thật xa lạ. Vậy mà, 4 năm qua, nhờ những giàn lưới ấy mà cuộc sống gia đình phất thấy rõ, thoát hẳn danh sách hộ nghèo, mỗi tháng cầm trong tay 8-9 triệu đồng là chuyện bình thường, nói ra nhiều người không tin nhưng lại có thật. Cơ hội do mình tạo ra, như câu nói của ai đó. Nhiều lần đặt đó dọc theo con kênh nhỏ quanh nhà, thấy loài cá nhỏ bằng ngón tay út mắc lưới nhiều mà nhà máy xay bột cá bao nhiêu cũng mua, anh Huấn nảy ra ý định đánh bắt cá sơn để kiếm sống.

Có xuồng máy sẵn, gom góp vài triệu đồng sắm 2 tay lưới. Ngày mưa như ngày nắng, một mình anh Huấn vòng vòng gần mé kênh, sông lớn để bủa lưới, kiếm cá. Mới bước vào nghề nên chuyện lụp chụp không tránh khỏi. Rồi sau mỗi chuyến đánh bắt, sau năm, tháng đi qua, nghề dạy nghề, giờ thì khó có ai qua được anh Huấn.

Cá sơn, loại cá nhỏ bé mà có bầy, có đàn. Hễ dính là kín lưới, bởi vậy tuy giá không cao, trên dưới 4.000 đồng/kg, nhưng nhờ sản lượng nhiều nên thu nhập kha khá. Chị Nguyễn Thị Đẹp, tổ viên Tổ hợp tác đánh lưới cá sơn cười vui, dù mệt mỏi đã thấm vào người sau mấy tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước: “Cữ sáng này đánh được 250 kg. Cũng gọi là trúng”.

Theo lời chị Đẹp, ngày ít, ngày nhiều, vậy nên nghề đánh lưới cá sơn bền bỉ và thu nhập ổn nhất trong các nghề mưu sinh gần bờ trên sông nước. Từ khi có cơ duyên biết đến nghề đánh lưới cá sơn, rồi được hỗ trợ vay vốn để mở rộng ngư lưới cụ, vợ chồng chị an tâm kiếm miếng cơm manh áo nhờ 4, 5 tay lưới cá này. Không đất canh tác, chỉ có căn nhà nhỏ nhưng cả chục triệu đồng từ đánh lưới cá sơn, cuộc sống tạm gọi là ổn. Như hôm nay, buổi sáng cả triệu đồng, nhưng với chị, dù đồng tiền có nhiều thì nghỉ chút rồi lại bủa lưới, đập cá tiếp. Và ngày hôm sau vẫn sẽ miệt mài trên những dòng sông.

Cũng tranh thủ bươi quào đủ thứ để lo cho cuộc sống, lúc nào cá ít, thời gian trống, anh Đoàn Minh Quang, chồng chị Đẹp, kiêm thêm nghề chạy đò. Lúc nào cá nhiều, như những tháng này trở đi cho đến tháng Giêng, tháng Hai năm sau thì một ngày đi 2-3 cữ, có lúc bắt trúng luồng cá là đi cả ban đêm.

Ít vốn, thu nhập khá cao và ổn định, từ một vài hộ làm nghề ban đầu, nay đã thành lập hẳn Tổ hợp tác đánh lưới cá sơn Khóm 5, thị trấn Sông Đốc và còn được biểu dương trong công tác giảm nghèo (giai đoạn 2016-2020).

Anh Huấn chia sẻ: “Thấy nghề ổn nên con trai của tôi cũng theo nghề, còn mấy đứa khác thì đi biển cho người ta kiếm sống”.

Anh Đấu hồ hởi: “Năm 2018, tổ hợp tác được thành lập và 12 tổ viên được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, 10 triệu đồng/hộ. Từ đó, bà con có điều kiện sắm thêm phương tiện, lưới để làm nghề. Nay cuộc sống ngày càng phát triển, đã hoàn lại vốn đúng hạn”.

Ăn vội miếng cơm đạm bạc, anh Huấn và vợ chồng chị Đẹp tiếp tục với những tay lưới cho chuyến đánh bắt chiều. Với họ, trúng hay thất, việc miệt mài bên dòng sông là điều không thể quên. Chỉ tiếc là chưa tìm được hướng để nâng cao giá trị cá sơn nhỏ bé này.

Tìm kiếm