Chia sẻ với:
Nuôi bào ngư ở xã đảo
Lần đầu tiên, bào ngư vành tai được nuôi thương phẩm tại xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An). Những chuẩn bị kỹ càng cộng với triển vọng của loại hình này kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Lần đầu tiên con bào ngư vành tai được nuôi ở Quảng Nam. Ảnh: N.Q.V
Nuôi trong lồng bè
Khu vực nuôi bào ngư tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) là vùng biển kín gió, sóng nhẹ, độ sâu chừng 5 - 6m. Theo các hộ nuôi bào ngư, độ mặn đo được tại đây là 30 - 35‰, dòng chảy lưu thông với tốc độ 3 - 5m/giây. Người dân bố trí nuôi bào ngư trong lồng hình chữ nhật có kích thước 50 - 40 - 30cm, được bọc lưới xung quanh, mắt lưới 3 - 4mm để tránh thất thoát bào ngư giống ra ngoài. Ông Nguyễn Rân ở thôn Bãi Làng cho biết, quá quen thuộc với bào ngư trong tự nhiên nhưng vì lần đầu tiên thả nuôi nên phải kỹ càng. Lồng nuôi bào ngư được treo trên bè nổi, cách nhau 0,5cm, ở độ sâu 2 - 5m. Bè nuôi được thiết kế di động để có thể di chuyển đến nhiều nơi khi có mưa bão hoặc sóng lớn; bào ngư giống có kích cỡ 5mm với mật độ 100 con/lồng nuôi. Khi bào ngư đạt kích cỡ 20mm sẽ chuyển chúng sang lồng nuôi khác có kích cỡ lưới thưa hơn, bố trí 30 - 50 con/lồng. “Tôi làm nghề lặn mấy chục năm nay, chuyên bắt bào ngư và nhiều loại hải sản khác rất có giá trị. Do lặn sâu đến 50m, áp lực quá lớn của nước tác động khiến sức tôi chịu không thấu, tai biến. Nay chuyển qua nuôi bào ngư, tôi đặt niềm tin vào mô hình, kỳ vọng sẽ là sinh kế mới, ổn định cho gia đình” - ông Rân chia sẻ.
Một ngư dân khác cũng chuyển sang nuôi bào ngư vành tai từ nghề thợ lặn lâu năm là ông Trần Láng ở thôn Bãi Ông. Ông Láng cho biết, trước khi thả nuôi bào ngư, các hộ nuôi đã được ngành chức năng tập huấn kỹ càng. Trên lồng nuôi bào ngư kín, ông Láng đã thiết kế nắp, buộc chắc bằng dây, có thể linh hoạt đóng mở khi cần. Ông Láng cho bào ngư ăn rong biển mỗi ngày 3 lần và thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, vớt thức ăn thừa ra bên ngoài. Trong lồng nuôi bào ngư, hộ nuôi đã thiết kế các ống nhựa PPC được xẻ đôi, có màu tối, đường kính 200mm, giúp bào ngư tiện bám, thuận lợi cho sinh trưởng. “Gia đình tôi không có điều kiện làm du lịch, dịch vụ như nhiều hộ khác. Nghề lặn biển thì rất nguy hiểm, có thể bị đánh đổi tính mạng bất cứ lúc nào nên từ khi được hướng dẫn, chuyển giao giống, kỹ thuật nuôi bào ngư, chúng tôi nhận thấy rất phù hợp. Nếu thành công, mô hình sẽ tạo sinh kế ổn định, bởi bào ngư thương phẩm được bán ở đây với giá 500 nghìn đồng/kg” - ông Láng nói.
Triển vọng
Nuôi bào ngư vành tai lần đầu tiên tại xã đảo Tân Hiệp được triển khai từ chương trình thí điểm nuôi bào ngư thương phẩm do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT, TP.Hội An tổ chức. Sau nhiều khảo sát, vùng biển Cù Lao Chàm được chọn vì nơi đây là địa bàn có nhiều bào ngư tự nhiên hiện hữu trước đây cũng như các ưu điểm về nguồn nước, dòng chảy, điều kiện sóng, gió. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã hỗ trợ 5 hộ dân tham gia mô hình 30 nghìn con giống bào ngư, 50% chi phí thức ăn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cùng các vật liệu phụ trợ. “Sau quá trình nghiên cứu lâu năm từ tạo con giống nhân tạo cho đến thử nghiệm nuôi trên biển, chúng tôi quyết định triển khai mô hình, mục đích tạo sinh kế mới cho người dân. Nếu thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng biển Trường Sa. Bào ngư có giá trị kinh tế rất cao nhưng đã cạn kiệt trong tự nhiên nên cần nuôi, tạo hướng phát triển thủy sản bền vững” - ThS. Nguyễn Văn Giang, cán bộ phụ trách mô hình của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nói.
Theo ngành chức năng, mặc dù là mô hình kinh tế mới mẻ nhưng nuôi bào ngư có nhiều triển vọng. Kỹ thuật nuôi loài thủy sản này không quá phức tạp, tỷ lệ sống khi nuôi thương phẩm đạt cao. Ở vùng biển ít có biến động như Cù Lao Chàm, bào ngư có thể được nuôi ở mật độ rất cao mà không sợ nhiễm bệnh. Thức ăn cho loài này rất phong phú với nhiều loại rong trong tự nhiên. Khi nhân rộng, bào ngư có thể được nuôi bằng nhiều cách như nuôi trong lồng bè, nuôi trong bể xi măng, nuôi thả đáy dọc theo bờ biển. “Qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm thành công kết hợp với các phân tích về môi trường nước, điều kiện sóng, gió ở xã đảo Tân Hiệp thì mô hình rất hứa hẹn. Chúng tôi kỳ vọng về hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng biển Quảng Nam nếu mô hình thành công, được nhân rộng trong thời gian tới” - ông Hứa Viết Thịnh, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam tham gia mô hình cho biết. Ông Thịnh khuyến cáo các hộ dân thường xuyên theo dõi các yếu tố độ mặn, nhiệt độ, màu nước biển, nếu thấy bất thường thì áp dụng các biện pháp ổn định môi trường nước như đã tập huấn. Vào mùa mưa lũ, nếu nước đục, sóng lớn thì người nuôi nhanh chóng đưa lồng bè nuôi bào ngư đến nơi đảm bảo. Người nuôi nên thường xuyên vệ sinh lưới, vật bám vào lồng bè, diệt trừ địch hại xung quanh lồng bè nuôi bào ngư. Được biết, quá trình nuôi một năm thì bào ngư được thu hoạch, bán thương phẩm.