Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Nuôi tôm khó khăn, bà con chuyển sang nuôi cá khấm khá

Nuôi tôm khó khăn, bà con chuyển sang nuôi cá khấm khá

Trang chủ Tin Tức Nuôi tôm khó khăn, bà con chuyển sang nuôi cá khấm khá
Nuôi tôm khó khăn, bà con chuyển sang nuôi cá khấm khá
20/08/2020
43 Lượt xem

Chia sẻ với:

Nuôi tôm khó khăn, bà con chuyển sang nuôi cá khấm khá

Mấy năm gần đây, độ rủi ro của nghề nuôi tôm ở mức cao, để hạn chế thiệt hại, nhiều người đã chuyển một số hồ tôm sang chuyên canh loài thủy sản khác, giúp tăng hiệu quả kinh tế, góp phần làm sạch ao nuôi, hướng tới phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản.

Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, năm 2017, anh Dương Văn Cường, ở thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) chuyển 3 ao nuôi tôm/3.300 m2 sang nuôi cá mú đen chấm cam giống. Mỗi đợt nuôi, anh mua 70.000 - 80.000 con cá mú giống kích cỡ 2 - 2,5 cm/con từ Khánh Hòa về thả nuôi. Sau khoảng 15 - 20 ngày nuôi, cá đạt cỡ 5 - 6 cm/con là xuất bán giống, rồi thả tiếp nuôi gối đầu. Anh Cường cho biết: “Tôi chia ao thành nhiều ô lồng, mỗi ô lồng thả khoảng 1.500 - 2.000 con cá giống. Bên ngoài các ô lồng tôi thả nuôi thêm cá dìa để chúng ăn tảo, chất thải trong ao. Coi như cá dìa là “công nhân vệ sinh”, góp phần giữ sạch môi trường ao nuôi. Mặc dù nuôi cá mú giống cần nhiều vốn hơn so với nuôi tôm, nhưng cái hơn là nuôi được quanh năm, ít bị dịch bệnh, nuôi túc tắc như tôi, mỗi năm lãi cũng vài trăm triệu đồng”.

Cũng với lý do tương tự - nghề nuôi tôm dễ mắc vào thua lỗ do dịch bệnh - năm ngoái, anh Nguyễn Thanh Kế, ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), đã chuyển sang nuôi cá mú giống Tân Châu. Trong 2 ao nuôi/8.000 m2, anh Kế cắm cọc tre, giăng lưới ngăn thành 100 ô lồng. Tùy theo kích cỡ cá giống, anh thả nuôi với mật độ từ 1.000 - 3.000 con/ô lồng. Để cá sinh trưởng tốt, trên các ô lồng anh lắp lưới che làm mát, trong ao có quạt sục khí đảo nước tạo ô xy. Anh Kế chia sẻ: “Tôi mua cá bột từ Khánh Hòa về nuôi ương lên cá giống, nuôi chừng 1 tháng là xuất bán. Cá mú giống rất dễ nuôi, việc tiêu thụ cũng ổn định đã nhiều năm, giá dao động trong khoảng 18.000 đồng - 35.000 đồng/con. Nuôi cá mú giống cực hơn nuôi tôm một chút thôi, nhưng thu nhập cao gấp 4 - 5 lần, đặc biệt là gần như không còn lo sợ dịch bệnh”.

Tận dụng mặt nước trên đầm Đề Gi, năm 2016, anh Đào Thanh Phương, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chuyển từ nghề nuôi tôm trong ao hồ sang nuôi hàu Thái Bình Dương bằng lồng bè trên đầm Đề Gi. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch từ 6 - 7 tấn hàu, thu nhập hơn 150 triệu đồng. Anh Phương thổ lộ: “Nuôi hàu không khó, không cần cho ăn, nhưng phải thường kiểm tra để loại bỏ các loại địch hại bám trên thân hàu, giúp chúng có điều kiện sinh trưởng tốt. Hàu giống tôi mua từ Khánh Hòa, Quảng Ninh theo kiểu cấy sẵn từ 5 - 100 con hàu/dây, khi nuôi từ 1 - 2 tháng sẽ chuyển sang két nhựa và treo nuôi trên bè. Tôi nuôi 3 đợt/năm theo hình thức thu tỉa thả bù, nuôi chừng 4 - 4,5 tháng là xuất bán với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg. Ngoài xuất bán tại địa phương, tôi còn bỏ mối cho bạn hàng ở TP Hồ Chí Minh. Sang năm, tôi sẽ tăng thêm số lượng nuôi. Nghe bà con nói nuôi cá dìa khá lắm nên tôi cũng muốn đầu tư để nuôi thêm”.

 
Việc chuyển đổi vật nuôi như trên không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế, mà còn thân thiện với môi trường, được ngành Thủy sản khuyến khích. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Đến nay, Chi cục đã cấp 156 giấy chứng nhận, xác nhận cơ sở, hộ dân sản xuất, ương nuôi giống thủy sản đủ điều kiện theo quy định của Luật Thủy sản. Hiện Chi cục đang phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, hỗ trợ các cơ sở, hộ dân còn lại tổ chức việc nuôi để tiếp tục cấp chứng nhận, xác nhận theo luật định. Chúng tôi khuyến khích người dân chuyển đổi các mô hình nuôi thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, hỗ trợ kỹ thuật chọn giống, phòng ngừa dịch bệnh để giúp bà con đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản trong tỉnh theo hướng bền vững.
Tìm kiếm