Nhiều người câu cá cho rằng áp suất khí quyển có thể ảnh hưởng đến thành công của việc câu cá, và có một số bằng chứng cho thấy áp suất khí quyển cao hơn giúp câu cá tốt hơn.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết rằng cá hoặc tôm tiêu thụ thức ăn tốt hơn liên quan đến áp suất khí quyển lớn hơn. Áp suất khí quyển cao hơn làm tăng khả năng hòa tan oxy trong nước, nhưng sự gia tăng này chỉ ở mức nhẹ. Ví dụ, ở 30℃ trong nước ngọt, độ hòa tan oxy là 7,54 mg/L ở 760 mm Hg, nhưng ở 770 mm Hg chỉ là 7,64 mg/L và 7,44 mg/L ở 750 mm Hg.
Bão ở các khu vực ven biển có thể gây ra nước dâng do bão và lũ lụt làm tràn bờ kè ao, cho phép các động vật thủy sinh thoát ra ngoài. Tương tự, lồng hoặc bè nuôi cũng có thể bị hư hỏng do sóng lớn, do bão, dẫn đến hư hỏng lồng, bè và thất thoát thủy sản nuôi.
Hạn hán có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại các cơ sở phụ thuộc vào nguồn nước ngọt trên bề mặt. Các ao sử dụng nguồn nước ngọt tích trữ từ bão sẽ giảm thể tích rất nhiều khi xảy ra hạn hán. Điều này dẫn đến việc thủy sản nuôi ở mật độ cao nhưng thể tích nước quá ít, và các chất độc hại tập trung nhiều hơn trong ao.
Ngoài ra, quá nhiều chất dinh dưỡng trong điều kiện ao nuôi như thế có thể dẫn đến sự nở hoa quá mức của thực vật phù du và nồng độ chất hữu cơ hòa tan tăng lên, dẫn đến nhu cầu oxy lớn hơn do sự phân hủy chất hữu cơ của vi sinh vật. Ở các cửa sông bị hạn chế kết nối với biển , hạn hán làm giảm dòng nước ngọt vào ao nuôi và độ mặn tăng với tốc độ bất thường do nước bốc hơi nhanh. Độ mặn tăng cao có thể vượt quá phạm vi độ mặn tối ưu của tôm hoặc các loài nuôi khác gây stress hoặc chết hàng loạt.
Các sự kiện liên quan đến thời tiết và khí hậu được đề cập ở trên là những sự kiện phổ biến nhất ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên vẫn còn có những sự kiện khác. Những sự kiện này xảy ra ở một số tần suất thống kê, có thể có hoặc không được biết đối với một vị trí cụ thể. Chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn những sự kiện này xảy ra vì chúng là các hiện tượng tự nhiên được quy định bởi các quá trình tự nhiên mà chúng ta không thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, các cơ sở nuôi trồng thủy sản nên được tập huấn và quản lý với những sự kiện này. Chú ý đến khả năng xảy ra các yếu tố thời tiết và khí hậu bất lợi tại địa điểm cụ thể, xây dựng và vận hành các cơ sở để bảo vệ chống lại những sự kiện đó là những khuyến nghị cho những người quản lý và chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Tuy không đề cập nhiều đến vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng đây cũng là một quá trình quá phức tạp để dự đoán – nên cần nhìn vào phạm vi hiệu ứng được dự đoán bởi các mô hình. Chỉ số khí hậu cực đoan hàng năm đánh giá tần suất nhiệt độ khắc nghiệt, lượng mưa, hạn hán, bão, v.v. dao động từ năm 1920 đến giữa những năm 1970 ở Hoa Kỳ không có xu hướng thay đổi. Tuy nhiên, kể từ những năm 1970, chỉ số này cho thấy một xu hướng tăng rõ ràng. Đây là lý do cần quan tâm nhiều hơn đến khả năng xảy ra các yếu tố thời tiết, khí hậu bất lợi đối với nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: Claude E. Boyd (26/10/2020). Effects of weather and climate on aquaculture. Global Aquaculture Advocate, https://www.globalseafood.org/advocate/effects-of-weather-and-climate-on-aquaculture/, viewed from 4/1/2022