Để chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ thủy sản của nông dân, tỉnh Quảng Ninh đã xác định việc hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho người dân trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2021 là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản.
Hạn chế tối đa việc tồn đọng thủy sản trong tỉnh
Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, năng lực sản xuất sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 60.652 tấn các loại. Trong đó, cá các loại là 34.100 tấn, 5.650 tấn tôm, 11.652 tấn nhuyễn thể và hải sản khác khoảng trên 9.200 tấn.
Theo đó, khả năng tiêu thụ qua các kênh truyền thống từ nay đến cuối năm 2021 ước tính khoảng 32.160 tấn. Như vậy, sản lượng thủy sản dư cần hỗ trợ tiêu thụ khoảng 28.492 tấn, trong đó có khoảng hơn 15,5 nghìn tấn cá (cá song, cá vược, cá hồng mỹ, cá giò, cá sủ…), hơn 7,6 nghìn tấn nhuyễn thể (hàu sữa thái bình dương, hàu cửa sông), hơn 5,3 nghìn tấn hải sản khác (ngao hoa, ngao 2 cùi).
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ, tỉnh Quảng Ninh hiện đang tập trung kết nối tiêu thụ giữa các tổ chức sản xuất sản phẩm thủy sản với hệ thống quản lý các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh như GO!, MM Mega Market, Co.op mart, Vinmart, Masan… nhằm trao đổi cung cấp thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và hướng dẫn hồ sơ đưa các sản phẩm thủy sản vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Đồng thời, tỉnh đang dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản như: Lập 5 điểm bán hàng tại các chợ trung tâm, khu công nghiệp, những nơi tập trung đông dân cư để bán các sản phẩm thủy sản tươi sống, sản phẩm đã qua sơ chế của các hộ nuôi trồng trên địa bàn. Lập các khu gian hàng thủy sản tại Hội chợ OCOP cấp tỉnh trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt và các hội chợ OCOP kết hợp thương mại tại các địa phương trong tỉnh. Tổ chức 3 tuần bán hàng sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh tại các thành phố trong tỉnh (Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí) dự kiến diễn ra từ nay đến hết năm 2021.
Đặc biệt, tỉnh cũng đang đẩy mạnh việc triển khai các gian hàng bán thủy sản trên các sản thương mại điện tử, bán hàng qua các phương tiện điện tử như zalo, facebook, hội chợ trực tuyến... Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân địa phương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, vận động cán bộ công chức tham gia mua sắm sản phẩm thủy sản, sản phẩm OCOP tại các chương trình xúc tiến thương mại, tuần thủy sản được tổ chức trên địa bàn.
Mở rộng thị trường tiêu thụ là rất cần thiết
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Xây dựng nông thôn mới, UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tỉnh triển khai, hướng dẫn thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh tới các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh. Như làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Công ty Điện lực Quảng Ninh và các khu công nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp xi măng, điện trên địa bàn để thống nhất kế hoạch cụ thể về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đưa vào thực đơn tại các bếp ăn tập thể của đơn vị… vận động đội ngũ cán bộ, người lao động tại các cơ quan ủng hộ tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ tập trung nắm bắt thông tin thị trường, kịp thời xử lý đối với các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không được lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để ép giá trong hoạt động thu mua các mặt hàng thủy sản. Làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện, năng lực chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản để thống nhất phương án tổ chức thu mua, chế biến hoặc cấp đông góp phần tháo gỡ khó khăn về sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, Sở sẽ làm việc với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố lân cận, đặc biệt là Sở Công Thương TP. Hà Nội - nơi có thị trường tiêu thụ, sức mua lớn để kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh sẽ thực hiện việc giám sát điều kiện về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản và công tác phòng trừ dịch bệnh sản phẩm thủy sản để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định phục vụ cho xuất khẩu và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm thủy sản nâng cấp các điều kiện về an toàn thực phẩm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu.
Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước để tạo điều kiện vận chuyển lưu thông, phân phối sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh khi đưa đi tiêu thụ, tổ chức kế nối, vận động các Công ty thủy sản trong tỉnh thu mua, chế biến các sản phẩm thủy sản để xuất khẩu, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước ASEAN… tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp thu mua, vận chuyển, tiêu thụ và làm các thủ tục xuất khẩu sản phẩm thủy sản của tỉnh trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, để đảm bảo có thị trường ổn định, người dân, doanh nghiệp không nên chỉ dựa hoàn toàn vào các đơn hàng hỗ trợ tiêu thụ, mà cần phải tự tìm hướng đi cho mình, liên kết nhau để tìm cách tiêu thụ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay...