Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Rồi con cá tra sẽ bơi về đâu?

Rồi con cá tra sẽ bơi về đâu?

Trang chủ Tin Tức Rồi con cá tra sẽ bơi về đâu?
Rồi con cá tra sẽ bơi về đâu?
24/08/2021
42 Lượt xem

Chia sẻ với:

Rồi con cá tra sẽ bơi về đâu?

Người nuôi cá lo ngại không dám thả cá cho vụ nuôi mới, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng vào năm 2022. Ngoài ra, với những bất ổn do dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp phải giảm một nửa công suất hoạt động hoặc thậm chí phải đóng cửa vì chi phí quá lớn.

Nguồn cung cá cỡ vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ thiếu hụt

Biến chủng Delta xuất hiện với diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng ngành cá tra tại Việt Nam khi chính quyền các địa phương phải áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản phải chung tay sát cánh cùng Chính phủ thực hiện nghiêm các quy định nhằm vừa chống dịch vừa duy trì được sản xuất.

Tuy nhiên, khối lượng thủy hải sản xuất khẩu trong tháng 7 giảm khoảng 10% so với tháng 6 vì nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc giảm công suất vì chi phí sản xuất tăng cao khi thực hiện “3 tại chỗ” và thiếu nhân lực. Do vậy, công suất sản xuất trung bình đã giảm còn 40 - 50% so với trước đây.

Giá cá tra nguyên liệu chỉ ở mức khoảng từ 19.000 - 22.000 đồng/kg do các nhà máy giảm công suất sản xuất. Thậm chí có nơi ghi nhận giá cá tra chỉ khoảng 20.500 đồng/kg. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) với mức giá như hiện nay người nuôi lỗ 900 - 1.400 đồng/kg.

Hiện tại, cá tra đang ở giai đoạn lý tưởng để thu hoạch (800gr-1kg/con). Nhiều hộ nông dân đang nuôi cầm chừng để chờ giá cá tra tăng lên. Và rất ít doanh nghiệp chế biến nào đẩy mạnh mua vào nên lựa chọn duy nhất của hộ nuôi là cầm chừng. Tuy nhiên, nếu đợi khi chuỗi cung ứng hoạt động bình thường trở lại, lứa cá này sẽ vượt mức 1 kg/con

 

Một chuyên gia trong ngành nhận định: “Có một vài thị trường nhỏ sẵn sàng tiêu thụ kích cỡ cá này nhưng đổi lại giá trị sẽ không được cao. Nhiều kịch bản có thể diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới, tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng thị trường sẽ gặp một vài rắc rối liên quan đến việc thừa cá cỡ lớn trong khi cỡ nhỏ lại thiếu. Điều này dẫn đến nhiều người nuôi cá tra quyết định cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí không có ý định thả trở lại bởi không có vốn. Vấn đề năm nay không còn nằm ở nhu cầu thấp như năm ngoái nữa”. 

Theo VASEP, tính tới hết tháng 7, diện tích thả nuôi cá tra của thành phố Cần Thơ đạt hơn 548ha, đạt 74% so với kế hoạch cả năm là 736ha. Hiện nay, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu đang dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoặc tạm ngưng mua nguyên liệu. Điều này dẫn tới giá cá giảm so với tháng trước đó.

Trả lời tờ Undercurrent News, bà Tâm Nguyễn - CEO Công Ty CP Vĩnh Hoàn cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn. Vĩnh Hoàn đang phải giảm 50% công suất nhà máy do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và rất nhiều khó khăn liên quan đến việc đặt tàu vận chuyển. 

Ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc, nguy cơ thiếu cá có cỡ nhỏ - vừa rất cao. Đại diện công ty Siam Canadian chi nhánh tại Việt Nam cho rằng nhiều doanh nghiệp thậm chí không dám chào bán bởi còn nhiều bất ổn liên quan đến việc phòng dịch, chi phí hoạt động cao, giá cước tàu liên tục leo thang, cỡ cá nguyên liệu quá khổ. 

 Ngoài ra, do giãn cách xã hội nên phải đến tháng 10 người dân mới có thể thả cá trở lại và sau 6 - 8 tháng mới được thu hoạch. Điều này đồng nghĩa nguồn cung sẽ bị thiếu đột ngột trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 2 năm sau. 

Giá cá tra xuất khẩu có thể tăng hay không?

Giá cá tra nhập từ Việt Nam sẽ tăng ngay khi nguồn cung bình thường trở lại, trong tháng 6, giá cá tra nhập khẩu tại Mỹ đạt khoảng 1.95 USD/pound và đang có chiều hướng đi lên, và hiện tại tồn kho tại các doanh nghiệp Mỹ đang rất thấp, điều này phản ánh ngay ở xu hướng giá, theo Ông Don Kelley, giám đốc công ty nhập khẩu thủy sản Western Edge Seafood tại Mỹ. 

Theo VASEP kể từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như: Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, UAE… bắt đầu tăng tích cực trở lại. Riêng ở thị trường EU, giá cá tra ổn định ở mức 2.2 USD/kg. 

 

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã lan rộng từ TPHCM xuống các tỉnh miền Tây trong thời gian ngắn và diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Mặc dù đã tính toán trước kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống này nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra không tránh khỏi bị động và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo VASEP: “Chỉ khi doanh nghiệp chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất, tăng công suất trở lại bình thường thì giá cá tra nguyên liệu mới có thể tăng” 

Một câu hỏi được đặt ra là: Bao giờ bệnh dịch được kiểm soát để các nhà máy hoạt động bình thường trở lại. Liệu rằng có “tia sáng nơi cuối đường hầm” nào cho ngành thủy sản nói chung cũng như cá tra hay không?

Tìm kiếm