Chia sẻ với:
Sản lượng thủy sản toàn cầu năm 2017 ước tính tăng 2,3%
Theo dự báo mới nhất, sản lượng cá và thủy sản toàn cầu dự kiến tăng 2,3% trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với năm 2016.
Mức tăng này chủ yếu là nhờ sản lượng cá cơm ở Nam Mỹ phục hồi sau khi hiện tượng El Niño kết thúc, trong khi sản lượng nuôi trồng thuỷ sản thế giới tiếp tục tăng khoảng 4-5%/năm. Mặc dù sản lượng tăng, nhu cầu tăng nhờ việc cải thiện điều kiện kinh tế trên toàn cầu đã đẩy giá nhiều mặt hàng thủy sản chủ chốt tăng. Đặc biệt, thu nhập ở các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh và châu Á tăng tiếp tục đẩy mạnh nhu cầu các sản phẩm thủy hải sản, do vậy dù sản lượng nội địa tăng, tổng khối lượng NK có xu hướng tăng.
Với nguồn cung tăng và mức giá cao trên toàn thế giới, tổng giá trị XK thủy sản thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 8% trong năm nay tính theo đồng USD, tăng tương tự như năm 2016. Nhìn chung, chỉ số giá cá của FAO tăng 10 điểm vào tháng 8/2017, với tất cả các nhóm hàng hóa đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Giá cá hồi salmon, tôm, cá ngừ, cá tuyết cod, mực, bạch tuộc và một số loài cá đáy tăng góp phần làm tăng kim ngạch XK của nhiều nhà sản xuất lớn. Đặc biệt, giá trị XK thủy sản của Ấn Độ tăng đáng kể vì đây là nhà sản xuất tôm lớn, trong khi giá tôm và cá ngừ được cải thiện cũng đem lại lợi ích cho một số nước Trung và Nam Mỹ. Trong khi đó, nguồn cung cá hồi salmon của Na Uy, Chile và Anh tiếp tục tăng trưởng tích cực. Các thị trường chính đóng góp quan trọng trong tăng trưởng giá trị thương mại là Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản. Sự phục hồi kinh tế của Brazil và Liên bang Nga, hai thị trường lớn mới nổi, dự kiến cũng góp phần đẩy mạnh nhu cầu thủy sản toàn cầu trong năm 2018 và sau đó. Nhu cầu thủy sản tại Brazil và Nga hay Argentina trong vài năm gần đây có xu hướng giảm do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên đến năm 2017, kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực đã góp phần quan trọng trong đẩy mạnh giá trị thương mại.
Các dự báo được công bố trong cuốn Triển vọng ngành nông nghiệp của OECD-FAO 2017-2026 nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2017 và 2018 sau nhiều năm hoạt động kinh tế trì trệ ở nhiều khu vực trên thế giới, đây là những dự báo tích cực cho ngành thủy sản. Sự tăng trưởng này không đồng đều về mặt địa lý, tuy nhiên với sự mở rộng kinh tế ổn định nhưng chậm ở EU và Nhật Bản ngược với Mỹ - nền kinh tế lớn hơn và tăng trưởng nhanh ở khu vực các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á. Nhu cầu thủy hải sản bị ảnh hưởng từ việc thu nhập tăng, do đó xu hướng kinh tế kết hợp với tốc độ tăng dân số sẽ là những yếu tố quyết định chính cho dòng chảy thương mại trong tương lai và mô hình tiêu dùng. Trong khi Mỹ Latinh và Châu Phi đang tăng thị phần trên thị trường thế giới so với Mỹ, EU và Nhật Bản thì mức đô thị hóa và tầng lớp trung lưu tăng ở Châu Á sẽ là yếu tố quan trọng nhất và duy nhất trong việc hình thành thị trường thủy sản toàn cầu trong thời gian tới. Dự báo trong năm 2018, mặc dù nguồn cung đối với một số nhóm hàng hoá lớn như các loài cá nổi và cá hồi salmon dự kiến tăng lên, nhu cầu và nguồn cung toàn cầu đối với các chủng loại khác như cá đáy tăng lên nhanh chóng sẽ làm giảm giá thủy sản chung.
Hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường biển vẫn là sự ưu tiên hàng đầu. Tại Hội nghị cấp bộ trưởng WTO lần thứ 11 dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13/12/2017, các cuộc thảo luận về việc cần hạn chế trợ cấp nghề cá sẽ tiếp tục được đưa ra giữa các đại biểu. Ngoài ra, chương trình cũng bao gồm thỏa thuận giữa các thành viên về vấn đề lạm thác, đây được coi là mục quan trọng trong Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 14, liên quan đến vấn đề quản lý bảo vệ các đại dương trên thế giới. Một khía cạnh quan trọng khác của SDG 14 là vấn đề thay đổi khí hậu và làm thế nào để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến các loài thủy sản và các nguồn tài nguyên biển khác, đây cũng là chủ đề tập trung trong ấn bản VI của Đại hội Thế giới CONXEMAR - FAO được tổ chức tại Vigo, Tây Ban Nha vào ngày 2/10/2017.
Giá mực và bạch tuộc cao do sản lượng thấp
Sản lượng khai thác mực và bạch tuộc toàn cầu đang ở mức thấp dẫn đến giá mặt hàng này tăng cao. Ở Trung Quốc, nhu cầu mực và bạch tuộc rất lớn trong khi người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao, điều này làm ảnh hưởng đến thị trường châu Âu và Mỹ. Mỹ đang có xu hướng tăng NK, tuy nhiên chủ yếu là các sản phẩm chất lượng thấp.
Bạch tuộc
Vụ khai thác bạch tuộc Morocco thứ hai tại khu vực Đại Tây Dương được hoãn lại đến ngày 15/6/2017, trong khi hoạt động đánh bắt ở Địa Trung Hải bắt đầu vào ngày 1/6/2017. Sản lượng bạch tuộc đánh bắt của Morocco sụt giảm khiến giá tăng lên đáng kể do nhu cầu hiện nay cao. Sản lượng vào mùa đông thấp trong khi nguồn hàng sẵn có thấp đã đẩy giá lên. Giá bạch tuộc Morocco đã tăng hơn 1 EUR/kg trong những tháng gần đây. Giá hiện tại giá đạt mức cao kỷ lục. Giá bạch tuộc Mauritanian cũng ở mức tương tự như Morocco. Nhu cầu bạch tuộc gần đây ở các thị trường, đặc biệt là Mỹ, tăng mạnh mẽ, đây cũng là nguyên nhân góp phần đẩy giá tăng. Giá cao khiến nhiều nhà sản xuất quan tâm đến thương mại mặt hàng này hơn.
Ủy ban Nuôi trồng và Thuỷ sản quốc gia của Mexico (CONAPESCA) cho biết, Mexico hiện là nhà sản xuất bạch tuộc lớn thứ 3 trên thế giới. Sản lượng bạch tuộc của nước này tăng 14.000 tấn trong giai đoạn 2013-2016, trong khi giá trị mặt hàng này tăng từ 34,6 triệu USD lên 66 triệu USD. Vào năm 2016, XK bạch tuộc của Mexico, chủ yếu sang Tây Ban Nha, Italy và Mỹ, đạt 10.800 tấn trị giá 57 triệu USD. Nghề khai thác bạch tuộc Mexico tập trung chủ yếu vào hai loài: bạch tuộc bốn mắt Mexico (octopus maya) và bạch tuộc thông thường (octopus vulgaris).
Trong quý 1/2017, NK bạch tuộc vào Nhật Bản sụt giảm mạnh với tổng khối lượng NK giảm 33,6% xuống chỉ còn 8.900 tấn. NK giảm từ tất cả các nhà cung cấp chính. Morocco vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này, chiếm 38% tổng NK, tiếp theo là Trung Quốc với 32,6%, và Việt Nam với 14,6%.
Sự phát triển này khẳng định xu hướng trong ba năm qua. Vào năm 2015, bạch tuộc NK vào Nhật Bản trong quý 1 đạt 15.000 tấn. Năm 2016, con số này giảm xuống còn 13.400 tấn (-10,7%) và trong năm 2017, con số này đã giảm xuống còn 8.900 tấn (-33,6%).
Tuy nhiên, ở Tây Ban Nha, NK bạch tuộc trong quý 1/2017 tăng 11% với tổng khối lượng NK lên đến 18.000 tấn. Do đó, NK bạch tuộc vào Tây Ban Nha vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng, tuy chậm nhưng ổn định. Morocco vẫn là nhà cung cấp chính cho Tây Ban Nha sau Mauritania.
Mực ống
Hội đồng khai thác thủy sản liên bang Argentina trước đó thông báo nghề đánh bắt mực ống ở phía Bắc vĩ độ 44 ° S sẽ đóng cửa từ ngày 19/6/2017 cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là sản lượng khai thác gần đây chủ yếu là cá nhỏ, chưa trưởng thành. Hơn nữa, các dữ liệu cho thấy sản lượng đánh bắt mực Illex đã giảm trong vài tháng qua. Trong tháng 2/2017, sản lượng đạt 24.000 tấn; sản lượng trong tháng 3/2017 là 39.263 tấn; sản lượng trong tháng 4/2017 là 15.900 tấn; và sản lượng tháng 5/2017 chỉ có 6.500 tấn. Tình hình bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Argentina (EEZ) cũng tương tự. Đến ngày 5/6/2017, sản lượng ở mức 96.200 tấn mực, gia tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2016, NK mực Illex chế biến của Mỹ từ Trung Quốc tăng hơn 11%, đạt 38.000 tấn. Đồng thời, giá cũng tăng đáng kể (+ 28%). NK mực ống Loligo chế biến cũng tăng lên 14.000 tấn. Tuy nhiên, một số nhà NK cho biết chất lượng của mực NK không cao. Các nhà NK cho rằng mực chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc, trong khi mực ống chất lượng thấp xuất đi các thị trường phương Tây, vì không thu được giá cao ở Trung Quốc. Vào năm 2016, 68% mực ống Loligo NK vào Mỹ đến từ Trung Quốc, trong khi chỉ có 1,0% đến từ tỉnh Đài Loan, 13,5% từ Thái Lan và 15,3% từ Ấn Độ.
Nguyên nhân là do sản lượng mực ống từ tháng 4/2017 trở đi giảm khiến giá cả tăng cao, nhưng vào tháng 6/2017, mức giá đã ổn định trở lại. Giá tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc. Mặc dù hiện tại giá ổn định hơn một chút, các nhà NK vẫn quan ngại về nguồn cung. Nhu cầu cao trong khi nguồn cung khan hiếm. NK vào Trung Quốc tăng lên đáng kể nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
NK mực ống và mực nang của Nhật Bản đã tăng mạnh từ 6.200 tấn trong quý 1/2016 lên 34.300 tấn trong cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là do NK từ Trung Quốc tăng cao, từ 2.600 tấn trong quý 1/2016 lên 20.400 tấn trong quý 1/2017. Ngoài ra, NK từ một số nhà cung cấp khác cũng tăng trưởng vào Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Trong kỳ, NK mực ống và mực nang của Hàn Quốc tăng lên 24.800 tấn so với 16.300 tấn trong cùng kỳ năm 2016 (+52,1%). Các nhà cung cấp chính là Peru, Trung Quốc và Chile. NK từ Peru, Trung Quốc và Chile tăng lần lượt là 16,4%, 124% và 36,8%.
NK mực ống và mực nang của Tây Ban Nha cũng tăng đáng kể, từ 28.800 tấn năm 2016 lên 56.300 tấn năm 2017 (+95,5%). Peru là nhà cung lớn nhất với khối lượng NK 12.000 tấn, chiếm 21,3% tổng NK. Các nhà cung cấp chính khác là Trung Quốc (9.100 tấn), Ấn Độ (9.100 tấn) và Morocco (8.900 tấn).
Trong kỳ, NK mực ống và mực nang vào Mỹ đã ổn định ở mức 17.400 tấn so với 17.300 tấn trong cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc là nhà cung cấp chính với 10.000 tấn, chiếm thị phần 57,5% tổng NK.
Mỹ cũng là nước XK mực ống lớn trên thế giới với khối lượng XK trong ba tháng đầu năm 2017 đạt gần 10.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016.