Đại dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến nhiều lãnh vực đời sống của tất cả các nền kinh tế. Một nghiên cứu về tác động tương lai của phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 đến ngành nuôi tôm của Ấn Độ đã được thực hiện bởi Kumaran và cộng sự (2021). Tepbac xin giới thiệu đến bạn đọc công trình nghiên cứu này.
Sự bùng nổ của dịch bệnh COVID-19, đầu tiên ghi nhận ở Vũ Hán - Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, đã được tuyên bố như Tình trạng khẩn cấp Sức khỏe Cộng đồng của Sự quan tâm Quốc tế (Public Health Emergency of International Concern, PHEIC) và vi-rút đã lây lan tới hầu như tất cả các quốc gia. Trên thế giới, đã có xấp xỉ 22,86 triệu người bị nhiễm và khoảng 0,78 triệu người bị chết tính đến ngày 20/8/2020.
Ở Ấn Độ, khoảng 2,77 triệu người được chẩn đoán dương tính với COVID-19 và 53.000 bị chết vào cuối tháng 8/2020. Ấn Độ đã ban hành một phong tỏa toàn quốc từ 25 đến 20/8/2020 với nhiều mức độ khác nhau, từ hạn chế người di chuyển đến đóng cửa các hệ thống giao thông và tất cả các hoạt động kinh tế, ngoại trừ một vài dịch vụ cần thiết và y tế.
Do bản chất dễ lây lan của vi-rút, nhiều quốc gia đã bắt buộc thực hiện các phong tỏa hay đóng cửa hoàn toàn lãnh thổ. Điều này ảnh hưởng đến các hệ thống thực phẩm quốc gia và toàn cầu, từ cung cấp ban đầu đến chế biến, xuất khẩu đến thương mại cũng như các hệ thống cung ứng. Hơn nữa, các hạn chế xuất khẩu xuyên quốc gia có thể hạn chế sự tiếp cận thị trường và thương mại nông trại-thực phẩm toàn cầu và làm giảm năng lực vận chuyển hàng hóa nông nghiệp trên các chuyến bay thương mại dẫn đến những trì trệ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi tôm là một lãnh vực thương mại-nông nghiệp tươi sáng ở Ấn Độ với sản lượng 0,7 triệu tấn mà phần lớn (90%) được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Đông nam Á, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản và thu về một giá trị ngoại tệ quan trọng xấp xỉ 5 tỉ USD. Chuỗi cung ứng tôm đã tạo công việc trực tiếp và gián tiếp cho 1,2 triệu lao động bao gồm trong sản xuất và cung cấp giống, nuôi thương phẩm, sản xuất và cung cấp thức ăn và các đầu vào khác, thu hoạch, bảo quản và tiếp thị sau thu hoạch. Nuôi tôm được tiến hành bởi phần lớn các trang trại nhỏ và vừa, với khoảng 0,15 triệu ha, trải dài qua 9 tiểu bang ven biển, với năng suất trung bình 6 tấn/ha
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của những hạn chế về phong tỏa đến chuỗi giá trị tôm dựa trên quan điểm của các bên liên quan cũng như đề xuất các giải pháp giảm nhẹ và các đáp ứng về chính sách nhằm hồi phục ngành nuôi tôm ở Ấn Độ.
Nghiên cứu được tiến hành thông qua một cuộc điều tra trực tuyến dựa trên bản câu hỏi soạn sẵn bằng tiếng Anh bao gồm các câu hỏi đóng và mở. Bản câu hỏi bao gồm hai phần:
- Phần thứ nhất là các câu hỏi về các chi tiết tiếp xúc và loại công việc của người trả lời
- Phần thứ hai là ba bộ câu hỏi khác nhau tương ứng với 3 nhóm; (i) nông dân và nhân lực khuyến nông (thương lái đầu vào, kỹ thuật viên, tư vấn), (ii) nhà sản xuất con giống và thức ăn, và (iii) nhà chế biến và xuất khẩu tôm. Một số câu hỏi là chung cho cả 3 nhóm để ghi nhận nhận định của người trả lời về tác động của đại dịch đến ngành nuôi tôm.
Trong vòng nửa tháng, có 504 người đại diện cho nông dân (46,08%), người buôn bán đầu vào, kỹ thuật viên và tư vấn (40,38%), nhà sản xuất giống và thức ăn (9,48%) và nhà chế biến (4,06%) trên khắp đất nước tham gia cuộc điều tra và trả lời các câu hỏi. Các dữ liệu được phân tích thống kê sử dụng sắp hạng Garrett để tìm ra những khó khăn quan trọng mà các trại giống và nhà chế biến tôm đã đối mặt. Các phân tích Chỉ số dựa trên phân hạng (Rank Based Quotient, RBQ) được dùng để tìm ra khó khăn mà người nuôi tôm gặp phải và tác động chủ yếu nói chung của phong tỏa do COVID-19 đến ngành nuôi tôm và giải thích mức độ nghiêm trọng của nó.
Nghiên cứu đã đánh giá được những tác động của sự phong tỏa ở 4 lãnh vực sau:
1. Sản xuất và cung cấp giống
Với 50 người trả lời và dựa trên điểm trung bình của phân tích sắp hạng Garrett (% người trả lời), phong tỏa do COVID-19 đã tác động đến sản xuất và cung cấp giống ở nhiều khía cạnh như: thiếu nhân lực (65,33%), thiếu kỹ thuật viên có kỹ năng (48,11%), cung cấp tôm bố mẹ không mang mầm bệnh chuyên biệt (SPF) không đầy đủ (46,78%), và thiếu phương tiện vận chuyển và hậu cần (39,78%).
Có hai trường hợp bị tác động. Trường hợp thứ nhất, các trại giống đã sản xuất ngay trước khi phong tỏa thì không thể bán con giống do sự dừng vận chuyển và thiếu nhân lực. Do không chắc có sự cải thiện về nhu cầu, vận chuyển và triển vọng tương lai, phần lớn trại giống phải xả bỏ đàn giống. Trường hợp thứ hai, nông dân đã thả giống trong thời gian phong tỏa, do lo sợ không bán được tôm và bị thua lỗ nên phải thu hoạch sớm và bán với giá thấp do tôm còn nhỏ.
Sự gián đoạn trong thu hoạch và tái thả giống không chắc chắn có thể dẫn đến bùng nổ nhu cầu giống ngay lập tức, sau khi nới lỏng phong tỏa. Tuy nhiên, do sự ngưng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, việc nhập khẩu tôm bố mẹ SPF bị hoãn tạm thời và các trại giống không có đủ tôm bố mẹ để thỏa mãn nhu cầu con giống đang gia tăng. Hơn nữa, sự di tản của lao động thời vụ được thuê mướn như kỹ thuật viên của các trại giống qui mô lớn, kết hợp với nguồn lao động mới do các hạn chế di chuyển, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của trại giống và hậu quả là giảm sản xuất giống.
2. Nuôi tôm
Nuôi tôm ở Ấn Độ có hai vụ chính, vụ hè (tháng 3-7) và vụ đông (tháng 7-12). Vụ hè, là vụ chính và đóng góp 60% sản lượng tôm, không may trùng với phong tỏa. Khoảng 27% nông dân đã chuẩn bị ao không thể thả giống do khó khăn trong việc có được con giống có chất lượng, sự không chắc chắn trong cung cấp liên tục các đầu vào khác và những điều kiện thị trường không thể dự đoán.
Trong Pha I của phong tỏa, khoảng 25% trang trại phải thu hoạch tôm dưới 30 ngày nuôi; trong Pha II có khoảng 34% trang trại phải thu hoạch tôm từ 30-80 ngày nuôi và trong Pha III, khoảng 14% trang trại có thu hoạch tôm trên 80 ngày nuôi. Điều này cho thấy có rất ít nông dân đạt hòa vốn hay lời ít do giá bán tôm thấp trong khi chi phí tăng.
Với 433 người trả lời và dựa trên điểm của phân tích RBQ (% người trả lời), phong tỏa do COVID-19 đã tác động đến trang trại/nông dân ở nhiều khía cạnh với mức độ khác nhau. Bảng dưới đây trình bày 10 tác động lớn nhất của phong tỏa đến hoạt động nuôi tôm.
Tác động đến trang trại/nông dân trong việc tiếp cận với
|
Giá trị RBQ (%)
|
Hạng
|
Chế biến/thị trường
|
86,31
|
1 |
Vận chuyển
|
82,86
|
2 |
Phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh
|
80,71
|
3 |
Vật liệu sau thu hoạch
|
78,45
|
4 |
Trang thiết bị nuôi và phụ tùng thay thế
|
77,26
|
5 |
Nguồn nhân lực có kỹ năng
|
76,31
|
6 |
Con giống
|
74,40
|
7 |
Trang thiết bị giám sát chất lượng nước
|
73,10
|
8 |
Thức ăn và sản phẩm chăm sóc sức khỏe tôm
|
69,64
|
9 |
Hướng dẫn kỹ thuật
|
66,79
|
10 |
3. Chế biến và thị trường
Với 21 người trả lời và dựa trên điểm trung bình của phân tích sắp hạng Garrett (% người trả lời), phong tỏa do COVID-19 đã tác động đến chế biến và thị trường tôm ở nhiều khía cạnh như: thiếu nhân lực (75,50%), nguyên liệu thô có chất lượng thấp (67,17%), không đủ nguyên liệu thô (65,00%), thiếu cung cấp tôm đạt yêu cầu về kích cỡ (56,17%), thiếu đơn đặt hàng xuất khẩu (54,67%), và năng lực kho lưu trữ không đầy đủ (31,50%).
Đa số công nhân lành nghề được thuê mướn trong các xưởng chế biến là lao động di cư đã trở về quê hương trong những ngày đầu phong tỏa và đã không quay trở lại làm việc. Giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển bởi cộng đồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lao động thời vụ và di cư vào những thời điểm then chốt với các hoạt động sản xuất chính.
4. Tác động chung và thiệt hại kinh tế
Những gãy vỡ do đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm ở Ấn Độ và gây thiệt hại về kinh tế từ 30-40% (so với niên vụ 2019-20).
Với 504 người trả lời và dựa trên điểm của phân tích RBQ (% người trả lời), phong tỏa do COVID-19 đã tác động đến ngành nuôi tôm ở nhiều khía cạnh với mức độ khác nhau. Bảng dưới đây trình bày 6 tác động lớn nhất của phong tỏa đến ngành nuôi tôm.
Nhận thức về tác động chung của phong tỏa (với thiệt hại > 30%)
|
Giá trị RBQ (%)
|
Hạng
|
Giảm hoạt động xuất khẩu tôm (khoảng 40%)
|
85,00
|
1 |
Giảm sản lượng tôm (khoảng 40%)
|
81,44
|
2 |
Giảm diện tích nuôi tôm
|
81,00
|
3 |
Giảm giá tôm trên thị trường (> 35%)
|
74,89
|
4 |
Mất công việc làm thuê (30-40%)
|
67,11
|
5 |
Gia tăng chi phí con giống và các đầu vào khác
|
60,67
|
6 |
Nghiên cứu cũng ước tính thiệt hại của ngành nuôi tôm Ấn Độ vào khoảng 1,5 tỉ USD trong niên vụ 2020-21; trong đó thiệt hại lớn nhất là sản lượng tôm (896 triệu USD) và thu nhập của người làm thuê trong các trại giống, trang trại nuôi, cơ sở sản xuất đầu vào, nhà máy chế biến,… (384 triệu USD).
Nghiên cứu cũng đã đề xuất các giải pháp trong ngắn và trung hạn trên các lãnh vực sản xuất giống, nuôi tôm, chế biến và thị trường, và lao động và hệ thống xã hội để giảm nhẹ thiệt hại của phong tỏa do COVID-19 đến ngành nuôi tôm của Ấn Độ.
Lược dịch từ bài báo ‘Prospective impact of Corona virus disease (COVID-19) related lockdown on shrimp aquaculture sector in India – a sectoral assessment’ của Kumaran và ctv. (2021). https://doi.org/10.1016/j.aquaculture.2020.735922.