Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa, đóng tại xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (nay sáp nhập vào Trung tâm Nghiên cứu, khảo nghiệm và Dịch vụ vật nuôi Thanh Hóa) đã thực hiện thành công đề tài “Sản xuất nhân tạo giống ngao trắng trong ao”.
Trước đây, người nuôi ngao muốn nuôi ngao trắng, phải vào tận các tỉnh miền Tây Nam bộ mua giống, hoặc qua các thương lái. Thời gian đi xa vừa mất nhiều chi phí vận chuyển, lại bị thay đổi khí hậu nên sức khỏe ngao giống giảm nhiều khi thả, thậm chí bị chết gây thiệt hại kinh tế. Nhận thấy sản xuất giống ngao trắng ở Thanh Hóa nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung là cần thiết và rất tiềm năng nên các kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa đã nghiên cứu để nuôi ngao sinh sản ngay trong các ao nuôi ven biển ở xã Hoằng Thanh.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, các cán bộ, kỹ sư ở đây đã cho triển khai đề tài khoa học này. Ban đầu, trung tâm đã cho xây dựng mới hệ thống ao sinh sản gồm 10 ao nuôi với diện tích 200m2/ao và 2 ao chứa với diện tích 500m2. Các ao đều có hệ thống cấp khí, hệ thống mái che, trải bạt gần giống như nuôi tôm công nghiệp. Đồng thời, với các ao nuôi, trung tâm cũng xây dựng các nhà nuôi tảo để chủ động nguồn thức ăn cho ngao. Ngao bố mẹ đến thời kỳ sinh trưởng hợp lý, được thả vào ao nuôi có mật độ 50 kg/10m2 ao, được kích thích cho sinh sản.
Với nguồn nước biển được lắng lọc đủ điều kiện nuôi ngao, hạn chế tối đa mầm bệnh, ngao con đến nửa tháng tuổi được cho ăn tảo lấy từ nhà ương nuôi tảo Nanochloropsis occulata. Ngao giống giai đoạn từ nửa tháng đến giống cấp 1, sử dụng thêm nguồn thức ăn tự nhiên từ nước biển bằng chế độ thay nước 40% lượng nước trong ao, thay 2 ngày/1 lần.
Sau nhiều năm, trung tâm đã chiếm lĩnh được công nghệ cho ngao sinh sản trong ao nuôi và là nơi đầu tiên ở miền Bắc sản xuất đại trà giống ngao trắng này trong ao ngay trên đất Bắc. Sinh sản nhân tạo giống ngao trắng trong ao được coi là giải pháp công nghệ mới có chi phí đầu tư hạ tầng thấp, giá thành sản phẩm giảm, có khả năng sản xuất số lượng ngao giống lớn nên có thể áp dụng sản xuất thương mại. Từ đó, người nuôi ngao ở Thanh Hóa và các tỉnh lân cận hầu như không phải lặn lội vào các tỉnh phía Nam để nhập ngao giống mỗi năm. Đa phần ngao nuôi tại các vùng biển trong tỉnh hiện nay đều được sản xuất giống hoặc chuyển giao kỹ thuật sản xuất từ trung tâm giống thủy sản lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ này.
Với năng lực về cơ sở hạ tầng và trình độ chiếm lĩnh công nghệ hiện nay, mỗi năm, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa có thể sản xuất được từ 600 triệu đến 1 tỷ con giống ngao trắng. Theo tính toán từ trung tâm, chỉ cần thả 500 triệu con giống, có thể đáp ứng nhu cầu giống cho khoảng 600 ha nuôi ngao. Công suất sản xuất giống tối đa của trung tâm hiện nay có thể phục vụ cung ứng giống cho hơn 1.200 ha nuôi ngao.
Đến nay, ngao trắng đã trở thành đối tượng nuôi chủ lực ở vùng triều Thanh Hóa, góp phần cải thiện thu nhập, làm giàu cho bộ phận cư dân ven biển. Đây cũng chính là đối tượng nuôi được ngành nông nghiệp tỉnh nhà xác định là con nuôi chính trong phát triển thủy sản. Từ đó, người nuôi ngao xứ Thanh có thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ bán ngao thương phẩm.
Đề tài thành công đã góp phần đa dạng hóa loài nuôi, chủ động cung cấp nguồn giống cho người nuôi ngao tại Thanh Hóa. Nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất ngao giống trong ao, ngoài việc cung cấp được nguồn giống chủ động cho người nuôi, cũng giảm áp lực quá trình thu gom con giống từ tự nhiên, giảm ảnh hưởng sinh thái dọc theo bờ biển Thanh Hóa.
Hiện nay, trên khắp các chợ vùng quê đến đô thị, từ đồng bằng đến vùng cao, ngao trắng thương phẩm đã có mặt. Ngao đã được đưa vào thực đơn của nhiều gia đình một cách thường xuyên. Đa phần là ngao trắng, được nuôi ở các mô hình trong và ngoài tỉnh. Điều đó phải kể đến thành công trong sản xuất giống ngao này của Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa, đã giúp ngành thủy sản tỉnh nhà, giúp các chủ nuôi ngao chủ động được nguồn giống. Một đề tài đã thành công và đi vào thực tiễn, tạo nên bước ngoặt cho nghề nuôi trồng thủy sản, mà cụ thể là nuôi ngao ở xứ Thanh.