Ông Dương Hữu Hoàng cho biết, trên thị trường hiện nay, các giải pháp IoT giám sát và quan trắc môi trường cho nuôi tôm đều sử dụng các cảm biến đặc thù với giá thành cao so với khả năng đầu tư của nhiều hộ dân, dẫn đến hiệu quả nuôi chưa cao do không được cảnh báo kịp thời khi xảy ra dịch bệnh hoặc môi trường nuôi thay đổi.
Nhằm giúp giảm chi phí cho người nuôi tôm, ông Hoàng và các cộng sự đã nghiên cứu và ứng dụng IoT trong giám sát và quan trắc môi trường, bằng cách nhúng thuật toán thông minh vào cảm biến để giám sát rung động và dòng điện của máy bơm oxy, quạt nước và các máy móc xung quanh ao tôm.
Cụ thể, hệ thống gồm phần cứng là các cảm biến và thiết bị (trạm) trung tâm; và phần mềm phân tích dữ liệu, hợp nhất các thông số được trả về từ các cảm biến như: âm thanh, pH, Oxy,… để cảnh báo sớm và dự đoán những bất thường trong ao tôm.
Trong đó, cảm biến âm thanh (tích hợp microphone) được đặt trong ao tôm sẽ theo dõi tần suất búng của tôm trong ao. Số lần búng trong một ao tôm được gửi liên tục 1 phút một lần tới trạm trung tâm. Theo ông Hoàng, khi tôm khỏe, tần suất bật cao, có thể lên 100 lần mỗi phút. Nếu tôm yếu, tần suất bật ít hơn, có khi không bật và nổi trên mặt nước rồi chết. Cảm biến âm thanh đo được dải tần số từ 2kHz - 200kHz và có khả năng phân biệt được tiếng tôm búng với tiếng ồn tạo ra bởi máy bơm và quạt nước.
Cảm biến rung được đặt tại máy bơm oxy và quạt nước để xác định rung động bất thường và dự báo trạng thái của máy bơm, quạt nước. Để giám sát nồng độ oxy trong nước ao nuôi, nhóm sử dụng cảm biến rung kết hợp thuật toán thông minh. Với cách này, chi phí giám sát, vận hành và bảo trì giảm hơn 60% so với cách sử dụng cảm biến oxy đang sử dụng trên thị trường.