Hiện nay, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đang phát triển với tiềm năng vô cùng lớn. Một số tỉnh vùng cao có sản lượng nuôi cá lồng bè trên hồ lớn và đang xây dựng thương hiệu của mình. Các hộ nuôi đang bắt đầu hình thành các chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn để quảng bá cho sản phẩm của mình. Một vài tỉnh có sản lượng hồ chứa lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện tại có 6.695 hồ chứa nước với tổng dung tích 796.143 triệu m3, phân bố ở 45 tỉnh thành nhưng hiện tại các địa phương chỉ mới khai thác được một phần nhỏ tổng diện tích hồ tại Việt Nam cho công cuộc nuôi trồng thủy sản.
Đánh giá môi trường nước tại các hồ chứa vô cùng sạch, chưa có quá nhiều tác động của con người như nước thải , chất thải, hóa chất nông nghiệp, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên nguồn nước tại đây vẫn giữ đươc sự trong xanh, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản theo xu hướng tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Thủy sản được nuôi ở các hồ chứa rất được người tiêu dùng ưa thích và có giá bán cao trên thị trường, cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 - 1,5 lần.
Theo Viện kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, hiện tại có 13 hồ chứa có diện tích trên 5000ha tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Na Hang, Trị An là nhóm hồ chứa tiềm năng cao để nuôi trồng thủy sản. Những hồ này có khả năng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nuôi, có thể đảm bảo lợi ích lâu dài.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số hồ chứa được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên khắp Việt Nam không nhiều, đa phần là mô hình tự phát. Ví dụ ở Đắk Lắk, chỉ có 61/597 hồ chứa thủy lợi được cấp phép để nuôi thủy sản. Việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản chưa kết hợp hài hòa lợi ích giữa thủy lợi, thủy điện với thủy sản tại nhiều địa phương nên chưa tận dụng hết tiềm năng của nguồn nước và môi trường nơi đây
Để phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa bền vững, Tổng cục Thủy sản cho rằng cần phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Đồng thời, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng, loài bản địa, cá nước lạnh… ở vùng có điều kiện sinh thái phù hợp và khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới.