Sau khi nắm thông tin, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã khảo sát, lấy mẫu gửi kiểm nghiệm để tìm ra nguyên nhân của việc nghêu chết.
Nghêu chết hàng loạt
Có mặt tại vùng nuôi nghêu 2.200ha của hơn 240 hộ ở vùng biển Gò Công thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), chúng tôi cảm nhận được không khí buồn bã bao trùm lên khu vực này.
Dọc theo tuyến đường dẫn vào bãi biển Tân Thành, ngày nào, rất nhiều tiểu thương ngồi dọc hai bên đường bán nghêu cho thượng khách, nhưng giờ đây chỉ lác đác vài hộ chào mời. Càng lại gần các sân nuôi, mùi hôi từ nghêu chết bốc lên. Các chòi giữ nghêu không một bóng người. Một số chủ nuôi nghêu đứng thẫn thờ nhìn về phía biển.
Ông Đào Văn Quân, ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông nuôi 20ha cho biết, nghêu của ông nuôi được gần 2 năm tuổi, theo tính toán ban đầu vào mùa mưa tới, trọng lượng con nghêu đạt 60-65 con/kg thì xuất bán. Với năng suất 20-30 tấn/ha/mùa, giá nghêu thịt thương phẩm 19.000 đồng/kg thì gia đình thu được từ 7,6-11,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 đến nay, nghêu bắt đầu chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Với kinh nghiệm nuôi trên 20 năm, ông xác định nghêu của mình chết trên 80%, thiệt hại trên 5 tỷ đồng.
Ông Quân cho biết: “Nghề nuôi nghêu ngoài biển cũng khó lắm. Năm nào, thiên nhiên ưu đãi thì người nuôi có lãi. Gặp thời tiết bất lợi, nghêu chết nhiều thì lỗ, thậm chí trắng tay. Hơn 10 năm qua, người nuôi nơi đây đã gặp 6 lần nghêu chết. Có năm, nghêu chết 20-30%, có năm 70-80%, thậm chí có năm chết hết”.
Ban Quản lý cồn bãi thuộc Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông là một trong những đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm và diện tích nuôi nghêu cũng khá lớn. Tuy nhiên, trong các lần nghêu chết nơi đây thì vùng nuôi của Ban Quản lý cồn bãi cũng không tránh khỏi.
Trưởng Ban Quản lý cồn bãi Tạ Khắc Khuyên cho biết: “Ban Quản lý cồn bãi được nhà nước cho thuê 331ha. Năm nay, chúng tôi thả nuôi 20ha. Đến nay, con nghêu có trọng lượng khoảng 70 con/kg và chuẩn bị xuất bán. Tuy vậy, đầu tháng 2, gió chướng thổi mạnh vào đất liền và kéo dài 3-4 ngày. Con nghêu chết từ thời gian đó đến nay. Chỗ nuôi thưa, nghêu chết khoảng 5%, chỗ nuôi dày chết trên 10%. Ước thiệt hại hàng tỷ đồng”.
Mùa vụ này, nghêu giống có giá thấp nên người nuôi đã thả rất dày. Theo kinh nghiệm của những người nuôi nghêu, có thể đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghêu chết hàng loạt.
Chưa tìm được nguyên nhân
Sau mỗi đợt nghêu chết, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đều xuống khảo sát, lấy mẫu gửi các trung tâm kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân gây chết nghêu.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tiến Diệt, sau khi nắm thông tin, ngành chuyên môn của tỉnh Tiền Giang phối hợp địa phương khảo sát thực tế tại khu vực có nghêu chết trên các sân nuôi thuộc xã Tân Thành nhằm kiểm tra, tiến hành thu mẫu tìm nguyên nhân.
Tại thời điểm kiểm tra, nhiệt độ 29-30oC, độ mặn 25 phần nghìn; thu 4 mẫu nghêu ở 4 vị trí và 2 mẫu bùn trên 2 sân nghêu có diện tích khoảng 12ha để gửi xét nghiệm.