Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Tìm lại thẻ xanh cho thủy sản Việt Nam

Tìm lại thẻ xanh cho thủy sản Việt Nam

Trang chủ Tin Tức Tìm lại thẻ xanh cho thủy sản Việt Nam
Tìm lại thẻ xanh cho thủy sản Việt Nam
01/11/2017
40 Lượt xem

Chia sẻ với:

Tìm lại thẻ xanh cho thủy sản Việt Nam

IUU là chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Chắc chắn, doanh nghiệp thủy sản đã biết rất rõ hệ lụy nhãn tiền của thẻ vàng khi 100% container hàng xuất khẩu bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian có thể kéo dài cả tháng, chi phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 15 triệu đồng/container, nguy cơ mất khách hàng, nguy cơ hàng hóa bị trả về…

Trước mắt, ảnh hưởng của án phạt này với thủy sản Việt Nam xuất sang EU chưa thật lớn.

Lý do là thẻ vàng của EC chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển (hiện chiếm khoảng 5% tổng lượng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU, với tổng giá trị khoảng 100 triệu USD/năm). Mặc dù vậy, với hàng ngàn ngư dân sống bằng nghề khai thác hải sản, quy định trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do tâm lý của bạn hàng.

Nếu 6 tháng tới, Việt Nam không có các hành động nỗ lực để cải thiện, thì nguy cơ bị EC áp thẻ đỏ sẽ rất lớn. Khi đó, hải sản đánh bắt sẽ không còn cơ hội vào thị trường EU, dễ bị “cấm cửa” ở thị trường Mỹ, bởi nước này cũng bắt đầu áp dụng IUU. Quan trọng hơn, việc bị áp dụng thẻ vàng sẽ ảnh hưởng tới uy tín mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Chính vì vậy, việc tìm lại thẻ xanh cho thủy sản Việt Nam không chỉ mở đường cho hải sản đánh bắt tiếp tục vào được các thị trường lớn trên thế giới, mà còn để lấy lại uy tín cho thủy sản Việt Nam.

Trong số 25 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EC áp dụng biện pháp phạt thẻ trên thế giới, đã có 9 quốc gia, vùng lãnh thổ được dỡ thẻ vàng, 3 quốc gia được dỡ thẻ đỏ. Song việc dỡ thẻ không hề đơn giản. Minh chứng là Thái Lan và Đài Loan - hai nhà xuất khẩu thủy sản trong khu vực, dù nỗ lực suốt 3 năm nay, nhưng vẫn chưa được EC xóa thẻ vàng.

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện quy định về IUU. Các quy định kiểm soát nguồn gốc đánh bắt, chống đánh bắt bất hợp pháp… đã được đưa vào luật. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã cam kết chỉ thu mua hải sản đánh bắt có nguồn gốc… Song những  hành động này, với EC là chưa đủ. 

Gia nhập sân chơi thương mại quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ phải tuân thủ luật chơi chung, khó có thể viện lý do riêng và không còn con đường nào khác ngoài việc nghiêm túc thực thi các quy định về IUU. Do đó, bên cạnh các biện pháp ngoại giao, đàm phán ở cấp cao hơn, điều căn bản nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển biến thật sự.

Trước hết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025, toàn ngành nông nghiệp phải tổ chức triển khai triệt để kế hoạch này. 

Thứ hai, cần tăng cường mạnh hơn công tác kiểm tra, kiểm soát đánh bắt hải sản. Tất nhiên, muốn làm được điều này, cần thiết phải đầu tư trang thiết bị theo dõi, giám sát hoạt động khai thác.

Thứ ba, các địa phương phải tích cực vào cuộc quản lý hoạt động khai thác hải sản, bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời cảnh báo, phát hiện sai phạm.

Thứ tư, doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện cam kết chỉ thu mua hải sản đánh bắt có nguồn gốc.

Thứ năm, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân để họ tuân thủ đúng luật pháp trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, song song với công tác đấu tranh chống nạn khai thác bất hợp pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm tốt công tác quy hoạch tàu cá, phát hiện ngư trường, giúp ngư dân có thể quản lý hiệu quả hoạt động khai thác ngay tại các vùng biển hợp pháp.

Tìm kiếm