Tôm thẻ là loài quan trọng trong hệ thống nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng thì tôm thẻ chân trắng đã được nuôi ở nhiều vùng với các điều kiện khác nhau. Mặc dù nuôi ở hệ thống nước lợ, nước ngọt (<1 đến 40 phần ngàn) là có thể, tuy nhiên tôm không tăng trưởng đến mức tối đa, khả năng sống sót và đáp ứng miễn dịch cũng thấp hơn so với nuôi tôm trong nước mặn. Ngoài ra việc sống trong môi trường lợ sẽ làm thành phần các vi sinh vật trong đường ruột tôm bị xáo trộn. Do đó, điều cần thiết hiện tại là tìm ra một biện pháp an toàn và hiệu quả để cải thiện những vấn đề trên.
Việc bổ sung các chất phụ gia vào thức ăn là một cách hiệu quả để giảm bớt các tác động tiêu cực do việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước lợ mang lại. Inulin là một loại prebiotic, chất không bị thủy phân trong ruột, là nguồn thức ăn cho các vi sinh vật có lợi. Các prebiotic thường thấy như Inulin, Beta glucan, … đã được nghiên cứu trên tôm trước đây và cho thấy những tác động tích cực đến hình thái ruột, hệ vi sinh vật đường ruột và tăng cường khả năng kháng bệnh. Tuy nhiên có một số báo cáo lại cho rằng Inulin không có tác dụng, thậm chí là tiêu cực với tôm. Mặc dù Inulin đang được sử dụng rộng rãi nhưng thông tin về các tác động đến tôm thẻ chân trắng còn khan hiếm, đặc biệt là đối với hệ vi sinh vật trong đường ruột. Trong nghiên cứu này, những công nghệ về mặt phân tử đã được áp dụng nhằm hiểu rõ được vai trò của Inulin với các chủng vi sinh vật trong đường ruột tôm. Kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp một giải pháp thiết thực thông qua việc bổ sung Inulin vào thức ăn, góp phần cải thiện hiệu suất tăng trưởng, giảm stress khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước có độ mặn thấp.
Inulin dạng bột 92% chiết xuất từ cây cải ô rô cùng với 4 nghiệm thức được cho tôm ăn mỗi ngày 3 lần bao gồm 0%, 0.1%, 0.2%, 0.4% Inulin. Tôm thí nghiệm ở giai đoạn PL10, thu từ một trại giống ở Trung Quốc, chia đều làm 12 bể, mỗi bể 35 con. Các điều kiện chất lượng nước và ánh sáng được điều chỉnh như nhau ở từng bể và phù hợp cho sự phát triển bình thường của tôm. Sau 8 tuần thí nghiệm, cân trọng lượng gan tụy, chiều dài tôm. Thu mẫu ruột để phân tích vi sinh, đồng thời xác định hoạt động của các enzyme tiêu hóa, phân tích thành phần hóa học của khẩu phần ăn và hiệu quả làm việc của hệ miễn dịch.
Ở nghiệm thức 0.2 và 0.4%, tôm có trọng lượng cao hơn đáng kể, hiệu suất tăng trưởng vượt trội, có thể do Inulin thúc đẩy hoạt động của enzyme Amylase, cả khi ở độ mặn thấp hơn 3 phần ngàn. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác lại cho thấy Inulin không có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng. Sự khác biệt này có thể là do khác nhau về giai đoạn phát triển, tính chất, liều lượng, thời gian áp dụng của Inulin.
Hàm lượng khoáng chất của tôm được đo cho thấy cao hơn rất nhiều khi cho ăn bổ sung 0.4% Inulin. Trước đây một nghiên cứu cũng bổ sung Inulin trên gà đã chỉ ra việc gia tăng đáng kể lượng khoáng chất nhất là Canxi, tăng sự chắc khỏe của xương. Bên cạnh đó, trong thử nghiệm với cá rô phi, hàm lượng magie, canxi và sắt cũng tăng cao khi có mặt inulin trong thành phần thức ăn. Prebiotic Inulin có thể được nhóm lợi khuẩn trong đường ruột lên men tạo môi trường acid làm giảm pH đường ruột. Và một lợi thế là pH thấp sẽ giúp tôm tăng cường hấp thu khoáng chất hơn sao với ở pH cao.
Độ mặn thấp có thể gây ra tình trạng oxy hóa và làm hỏng mô tế bào của tôm nuôi. Ở nghiên cứu hiện tại, nghiệm thức 0.2 và 0.4% cho thấy đã ức chế được sự oxy hóa của peroxid và tăng cường khả năng chống lại oxy hóa ở điều kiện độ mặn thấp. Hoạt động miễn dịch của tôm ở nghiệm thức 0.4% đã tăng đáng kể nhất là enzyme Phenoloxidase, tiền chất tham gia vào sự melanin hóa bao lấy và giết chết vi khuẩn. Chủng vi khuẩn Bacillus cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ ở nghiệm thức này. Từ đó vừa thúc đẩy sự tăng trưởng đồng thời cũng vừa cải thiện khả năng miễn dịch của tôm. Trước đây ở độ mặn thấp thì hệ miễn dịch hoạt động rất kém, nhưng Inulin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình kể cả trong môi trường không thuận lợi như vậy.
Chúng ta đều biết đến những lợi ích mà hệ vi khuẩn đường ruột mang lại, trong đó có khả năng thúc đẩy tiêu hóa, sản sinh enzyme, “kháng sinh tự nhiên” bảo vệ tôm. Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng ở đường ruột tôm xuất hiện sự phong phú về thành phần các nhóm khuẩn. Điều đó sẽ giúp tôm được bảo vệ một cách “chu đáo” hơn nữa. Thật tình cờ là các chuyên gia còn chứng minh được sự hình thành một mạng lưới tương tác rất cao giữa các chủng lợi khuẩn.
Ngoài ra nghiên cứu cũng kết luận Inulin còn giúp quá trình thẩm thấu diễn ra tốt hơn nhất là quá trình tái hấp thu Natri, từ đó tôm có khả năng phát triển bình thường ngay cả khi trong điều kiện độ mặn thấp.
Tóm lại Inulin là một chất phụ gia tiềm năng giúp tôm đối phó với điều kiện độ mặn môi trường nước thấp. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ cần bổ sung của Inulin là bao nhiêu để cho hiệu quả cao nhất.