Các nhà sinh vật học phát hiện hai loài trai xâm lấn giải phóng hóa chất độc hại tại nhóm hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới.
Các nhà bảo vệ môi trường đã chiến đấu chống lại hiện tượng tảo nở hoa ở Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) trong nhiều thập kỷ, bằng cách làm sạch bờ hồ và ngăn chặn ô nhiễm từ các nguồn cấp nước. Tuy nhiên, một phát hiện gần đây cho thấy họ có thể đã xác định sai nguyên nhân của vấn đề.
Hiện tượng tảo nở hoa hay sự bùng nổ số lượng tảo trong thời gian ngắn thường liên quan đến hàm lượng phốt pho tăng cao trong nước, bởi loại dưỡng chất này kích thích tảo sinh sôi nảy nở. Sự dư thừa phốt pho trong hệ thống Ngũ Đại Hồ lâu nay được cho là bắt nguồn từ các dòng nước thải và nước tưới nông nghiệp chứa phân bón chảy vào từ khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã chỉ ra phốt pho đến một nguồn khác, đó là hai loài trai vằn xâm lấn thuộc họ Dreissenidae - Dreissena bugensis và Dreissena polymorpha - có nguồn gốc từ Nga.
Dreissenidae sống dưới đáy hồ và thải một lượng lớn phốt pho qua phân. Chúng cũng tích tụ phốt pho trong cơ thể và cuối cùng giải phóng trở lại hệ sinh thái sau khi chết.
Những sinh vật hai mảnh vỏ này lần đầu tiên được quan sát thấy tại Ngũ Đại Hồ vào cuối những năm 1980 và nhanh chóng xâm chiếm các vùng nước nông, đe dọa sinh vật bản địa và gây hư hại cho tàu thuyền. Ấu trùng của chúng còn có thể bơi vào các nhà máy xử lý nước và gây tắc nghẽn đường ống.
Hiện chưa có công nghệ hay phương pháp nào phù hợp để tiêu diệt quần thể trai vằn ở Ngũ Đại Hồ mà không ảnh hưởng đến môi trường. Mỗi năm, chúng gây thiệt hại lên tới 500 triệu USD, theo USGS.
"Thật sốc khi biết rằng quần thể trai vằn dưới đáy hồ đã phát triển mạnh đến mức có thể kiểm soát chu trình dinh dưỡng tại hệ thống hồ nước ngọt lớn nhất trên hành tinh. Hiện nay, chúng là dạng sống phong phú và chiếm ưu thế ở hầu hết các hồ trong Ngũ Đại Hồ", đồng tác giả của nghiên cứu Sergei Katsev từ USGS nhấn mạnh.