Để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, cùng với việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hộ dân về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc các mô hình cây trồng, vật nuôi mới, huyện Cao Lãnh chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt công tác chuyển đổi ruộng đất, bố trí lại vùng sản xuất gắn với hạ tầng giao thông.
Được xem là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mới được triển khai, hộ nuôi cá chạch lấu, cá heo của gia đình ông Đinh Văn Trưng thuộc ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh đã tạo hiệu ứng tốt trong việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo ông Trưng, những năm gần đây, việc nuôi tôm càng xanh không mang lại hiệu quả như trước nên từ năm 2019, ông tự học hỏi nhiều mô hình, trong đó cá chạch lấu là loại thủy sản nước ngọt có thể mang đến giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường cung ứng loại đặc sản này rất khan hiếm. Sau thời gian tham khảo, nghiên cứu mô hình ở tỉnh Hậu Giang, ông Trưng về địa phương tận dụng diện tích mặt nước khoảng 12.000m2để cải tạo và thả nuôi cá chạch lấu thương phẩm. Ngoài ra, nguồn thức ăn dư thừa từ cá chạch lấu, bên ngoài lồng nuôi, ông còn thả nuôi thêm cá heo.
Thời gian đầu, việc nuôi cá chạch lấu gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhưng bằng ý chí và quyết tâm làm giàu, ông Đinh Văn Trưng vượt qua mọi trở ngại để đạt kết quả như mong đợi. Ông Trưng cho biết: “Cá chạch lấu thương phẩm thả nuôi khoảng hơn 8 tháng đạt trọng lượng từ 250gram - 500gram/con là thu hoạch.
Qua quá trình nuôi cho thấy, cá chạch lấu cũng là loại dễ nuôi, có khả năng sống trong môi trường nước ngọt và đem lại lợi nhuận cao hơn so với một số loại cá nước ngọt khác. Ngoài ra, người nuôi cũng phải chú trọng ao nuôi vì nguồn nước sạch là yếu tố quyết định rất lớn, theo đó phải theo dõi ao nuôi hàng ngày để đánh giá chất lượng nước, đảm bảo môi trường nuôi lý tưởng nhất cho cá sinh trưởng và phát triển. Người nuôi phải đảm bảo môi trường nuôi sạch, bổ sung định kỳ Vitamin C và men tiêu hóa. Màu nước đẹp nhất để nuôi cá chạch lấu phải đạt chỉ tiêu là pH từ 7,5 0 8,5 độ; độ trong lắng nhìn khoảng 30 - 40cm; DO lớn hơn 5mg/l. Do đó, đòi hỏi người nuôi phải kiểm tra ao nuôi thường xuyên để khi có dấu hiệu bất thường phải tiến hành xử lý”.
Theo ông Trưng, đến nay, ao nuôi cá chạch lấu của gia đình ông đã đến kỳ thu hoạch, dự kiến sẽ cung ứng khoảng 1 - 1,5 tấn cá chạch lấu và 500kg cá heo. Với giá bán hiện nay cá chạch lấu là 300 ngàn đồng/kg, cá heo 350 ngàn đồng/kg, ông lãi khá, gấp 3 lần so với nuôi tôm càng xanh như trước kia.
Cũng là mô hình được đánh giá có triển vọng, hộ nuôi Trần Văn Phương thuộc ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh đã bước đầu thành công với việc lai tạo và nhân giống nuôi con cá linh non.
Từ lâu, ông Trần Văn Phương có thâm niên gần 20 năm nuôi cá tra giống. Tuy nhiên, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 cùng với sự cạnh tranh của cá tra thương phẩm khiến cá tra giống bị ảnh hưởng nhiều. Có lúc, ông Phương phải nghĩ đến việc tìm những giống vật nuôi khác để thay thế cho cá tra giống. Trong một lần tình cờ, ông Phương thấy có nhiều con cá linh sống lẫn trong khu vực ao của mình. Sau khi bắt lên, những con cá linh này mập ú, bụng căng đầy trứng. Với kinh nghiệm ương cá giống của mình, ông Phương đã quyết định nhân giống cá linh nuôi thử. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, ông Phương quyết định sử dụng hơn 10.0002 mặt nước để nuôi cá linh non.