Chia sẻ với:
Tương lai của thịt, cá nhân tạo
Khi dân số bùng nổ cùng với thu nhập cao hơn và tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu về thịt và hải sản ngày càng tăng. Trong khi đó, các phương pháp chăn nuôi truyền thống không thể đáp ứng đủ số lượng và chất lượng thực phẩm cho nhu cầu khổng lồ này. Trước thực tế đó, các startup công nghệ thực phẩm đang phát triển các loại thịt làm từ thực vật hoặc nuôi cấy từ tế bào.
Karana là công ty đầu tiên tại châu Á ra mắt sản phẩm thịt lợn làm từ mít. Công ty Umami Meats thì tập trung vào việc tạo ra các loại hải sản nuôi cấy từ tế bào không chứa kim loại nặng, vi nhựa và kháng sinh. Trong khu vực Đông Nam Á, hầu hết các hoạt động kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật và nuôi cấy từ tế bào đều tập trung ở Singapore. Một nguồn protein thay thế khác là côn trùng. So với các vật nuôi thông thường, côn trùng ăn ít thức ăn hơn, phát triển và sinh sản nhanh. Quá trình nuôi côn trùng cũng tạo ra ít chất thải hơn và thải ra lượng khí nhà kính nhỏ hơn, dẫn đến lượng khí carbon phát thải ít hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc.
Thị trường thịt nhân tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 25% từ năm 2020 đến năm 2025, thậm chí tăng tới 200% ở Trung Quốc và Thái Lan. 2 tiêu chí lớn mà người tiêu dùng đặt ra đối với thịt nhân tạo là hương vị và kết cấu. Theo khảo sát, 75% người tiêu dùng nơi đây sẵn sàng trả tiền cho thịt nhân tạo, nếu giá cả tương đương với thịt thông thường và hợp khẩu vị.