Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Ương ấu trùng tôm thẻ bằng tảo cô đặc

Ương ấu trùng tôm thẻ bằng tảo cô đặc

Trang chủ Tin Tức Ương ấu trùng tôm thẻ bằng tảo cô đặc
Ương ấu trùng tôm thẻ bằng tảo cô đặc
13/08/2020
54 Lượt xem

Chia sẻ với:

Ương ấu trùng tôm thẻ bằng tảo cô đặc

Tảo Thalassiosira sp. cô đặc nâng cao hiệu quả về tăng trưởng chiều dài, tỷ lệ sống cũng như rút ngắn thời gian biến thái trong ương ấu trùng tôm thẻ.

Trong ương nuôi ấu trùng tôm thẻ, thức ăn tự nhiên đặc biệt là tảo đóng vai trò rất quan trọng. Ương nuôi ấu trùng giai đoạn Zoae dùng tảo tươi kết hợp với thức ăn tổng hợp cho tỷ lệ sống (52%) cao hơn so với chỉ dùng hoàn toàn thức ăn tổng hợp (28,6%). Theo Kiatmetha & ctv. (2010), tỷ lệ sống của tôm cao hơn khi cho ăn tảo Thalassiosira sp. (95,8%) so với đối chứng (79,2%). Kích thước tảo Thalassiosira sp. dao động từ 4 – 32 µm, chứa nhiều acid béo (PUFAs) đặc biệt là EPA và DHA, hàm lượng carbohydrates, chlorophyll, protein, lipid được chiết xuất cao. Đây được xem là loài tiềm năng có thể sử dụng để ương nuôi ấu trùng tôm.

Tuy nhiên, thức ăn tươi sống trong đó có tảo là một trong những nguồn lây lan mầm bệnh nếu không được nuôi cấy và bảo quản tốt. Việc sử dụng các sản phẩm tảo cô đặc đang được nhiều trại giống áp dụng vì sự an toàn và tiết kiệm chi phí cũng như tính chủ động trong quá trình sản xuất. Do đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, thực nghiệm ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng bằng sản phẩm tảo Thalassiosira sp. cô đặc được thực hiện.

Nghiên cứu ứng dụng tảo (Thalassiosira sp.) trong ương nuôi tôm thẻ

Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 5 nghiệm thức (NT)

  • NT 1: Tảo khô Spirulina sp.
  • NT 2: Tảo tươi Chaetoceros sp.
  • NT 3: Tảo tươi Thalassiosira sp.
  • NT4: Tảo Thalassiosira sp. dạng lỏng.
  • NT5: Tảo Thalassiosira sp. dạng nhão.

Bể ương có thể tích 0,5 m3, ấu trùng được bố trí ở giai đoạn Nauplius VI, mật độ 200 con/L. Chế độ chăm sóc được áp dụng theo quy trình phổ biến tại Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản Nam Bộ.

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của ấu trùng mà thức ăn sử dụng khác nhau. Lượng ăn bằng nhau giữa các nghiệm thức.

  • Tảo được cho ăn xen kẽ thức ăn tổng hợp (20% AP No.0 + 60% Frippak 1 + 20% Lansy ZM) trong giai đoạn Zoae. Theo đó mật độ tảo cho ăn là 70 - 100 ngàn tb/mL và thức ăn tổng hợp 1 – 2 g/m3/ngày.
  • Thức ăn tổng hợp (20% AP No.0 + 60% Frippak 2 + 20% Lansy ZM) và Art bung dù được cho ăn xen kẽ từ Mysis 1 – Postlarvae 1 với lượng tương ứng 2 - 3 g/m3/ngày và 1,5 g/m3/lần. Ấu trùng được cho ăn 8 lần/ngày bắt đầu từ 6, 9, 12, 15, 18, 21, 24 và 3 giờ ngày hôm sau. 

Kết quả sau 10 ngày ương, các thông số môi trường đều nằm trong khoảng cho phép sự phát triển tốt của ấu trùng. Theo khuyến cáo đối với trại sản xuất giống tôm của FAO, nhiệt độ môi trường ương cần được duy trì trong khoảng 28 – 32oC, độ mặn trên 30‰ và pH dao động ở mức 8,0. Hàm lượng DO trong thí nghiệm thấp do sục khí được mở nhẹ ở giai đoạn đầu và mạnh hơn ở các giai đoạn sau của thí nghiệm. Hàm lượng DO được khuyến cao ở mức 6,2 mg/L ở 30oC hoặc thấp nhất phải trên 5mg/L. 

Ấu trùng tôm của NT4 cho kết quả tốt nhất về chiều dài cơ thể, tỷ lệ sống, thời gian biến thái và khác biệt có ý nghĩa (P<0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Trong khi NT 5 khác biệt không có ý nghĩa (P>0,05) so với NT 2 về chiều dài và NT 3 về thời gian biến thái. NT 1 cho kết quả kém nhất về các chỉ tiêu trên so với các nghiệm thức khác. 

Tăng trưởng về chiều dài của ấu trùng

NT 4 có sự tăng trưởng về chiều dài tốt nhất và khác biệt so với các nghiệm thức còn lại như 1,55 mm (Zoae 2), 2,10 mm (Zoae 3), 2,84 mm (Mysis 1) và 5,20 mm (Postlarvae 1). Tương tự, NT 1 có chiều dài ấu trùng kém nhất ở các giai đoạn, chỉ với 1,31 mm, 1,81 mm, 2,59 mm và 4,54 mm. 

Tỷ lệ sống của ấu trùng

Theo đó, trong giai đoạn Zoae 1, tỷ lệ sống cao nhất ở NT 4 (93,22%) và khác biệt so với các nghiệm thức còn lại.

Trong khi tỷ lệ sống thấp nhất ở NT 1 (89,78%) và không có sự khác biệt so với NT 2 (90,33%), NT 3 (91,11%) và NT 5 (90,56%).

Từ giai đoạn Zoae 2 đến Postlarvae 1, tỷ lệ sống vẫn cao nhất ở NT4 (90,89% và 77,69%) và khác biệt lớn so với NT 1 (51,67% và 26,33%).

NT 2, NT 3 và NT 5 không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ sống ở giai đoạn Zoae 2 đến Mysis 1.

Tuy nhiên, ở giai đoạn Postlarvae 1, sự khác biệt khá lớn ở cả 3 nghiệm thức là 47,22% (NT 2), 59,44% (NT 3) và 54,67% (NT 5).

Thời gian biến thái của ấu trùng

Thời gian biến thái của ấu trùng giữa giai đoạn Zoae 1 là 8 giờ.

NT 4 có thời gian biến thái nhanh nhất và khác biệt so với các nghiệm thức còn lại với 30,37 giờ (Zoea 2), 29,83 giờ (Zoae 3), 37,00 giờ (Mysis 1) và 25,17 giờ (Postlarvae 1).

Ngược lại, NT 1 có thời gian kéo dài nhất là 32,20 giờ (Zoae 2), 31,53 giờ (Zoae 3) hay là 27,33 giờ (Postlarvae 1).

Sau 10 ngày thí nghiệm, tảo Thalassiosira sp. dạng lỏng cho kết quả tốt hơn dạng nhão, tảo tươi Chaetoceros sp., tảo tươi Thalassiosira sp. và khác biệt có ý nghĩa so với sử dụng tảo khô Spirulina sp. Kết quả trong thí nghiệm này gợi ý việc sử dụng sản phẩm tảo Thalassiosira sp. cô đặc trong ương ấu trùng tôm thẻ để có hiệu quả cao về tăng trưởng chiều dài, tỷ lệ sống cũng như rút ngắn thời gian biến thái.

Tìm kiếm