Số liệu trên vừa được Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cập nhật và cho rằng, nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm sâu là do tình hình ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu Trung Quốc để chờ lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Điều này làm hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này ngưng trệ, giảm sút mạnh.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã phục hồi trở lại từ tháng 8 năm nay. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc tăng siết kiểm tra từng container hàng đông lạnh nhập vào nước này tại một số cảng biển, cảng đường bộ, xuất khẩu thủy hải sản, trái cây của Việt Nam vào thị trường này tắc nghẽn. Tính hết tháng 11, Trung Quốc – Hồng Kông vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt 484,8 triệu USD, chiếm 35,7% tổng xuất khẩu cá tra, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 2 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường này bị ảnh hưởng lớn.
Tuy xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông, Asean, EU giảm, trong tháng 11, xuất khẩu cá tra sang Mỹ lại tăng 5,6%, sang Anh tăng gần 14%, sang Mexico tăng gần 29%, sang Brazil tăng 33%... so cùng kỳ năm trước. Tổng xuất khẩu cá tra trong tháng 11 đạt 144,7 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính lũy kế 11 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,35 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngoài Trung Quốc – Hồng Kông, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 218,3 triệu USD, tăng 4,8%; sang Anh đạt 60,15 triệu USD, tăng 48,1% và Singapore đạt 31,4 triệu USD, tăng 14,1%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến nay, Anh vẫn là thị trường xuất khẩu lớn và ổn định nhất cho mặt hàng xuất khẩu cá tra năm 2020. Dự báo, nếu tình hình ách tắc các lô hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại Trung Quốc, được tháo gỡ nhanh chóng, tổng trị giá xuất khẩu cá tra trong năm 2020 giảm ở mức thấp hơn, khoảng dưới 10% so với cùng kỳ năm ngoái.