Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), những năm qua, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, đáp ứng yêu cầu nuôi trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh...
Hiệu quả kinh tế mang lại từ các mô hình NTTS đã góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Tận dụng những lợi thế về tự nhiên, địa hình, người dân xã Hoằng Phong đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu khi mới triển khai, nhiều hộ đã mở rộng diện tích nuôi trồng ồ ạt, chưa chú trọng đến kỹ thuật nuôi, lựa chọn con giống và vấn đề xử lý môi trường nước.
Trước thực trạng đó, xã Hoằng Phong đã định hướng cho người dân phát triển NTTS theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập. Theo đó, xã đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối, nạo vét kênh mương, nâng cấp trạm bơm, xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ cho vùng NTTS tập trung. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ NTTS tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư cải tạo, kiên cố ao nuôi, mua sắm thiết bị.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn vệ sinh môi trường ao nuôi, khuyến cáo các hộ nuôi thả đúng lịch thời vụ, thông báo cụ thể thời điểm lấy nước, tiêu nước để người nuôi chủ động kế hoạch đưa nước vào ao nuôi. Cùng với nuôi thả các loại thủy sản truyền thống theo phương thức quảng canh, các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, xen ghép được khuyến khích mở rộng.
Cơ cấu giống nuôi thủy sản thay đổi theo hướng tăng giống nuôi chất lượng cao. Song song với đó, xã đã chú trọng nâng cao năng lực của HTX dịch vụ NTTS với vai trò là cầu nối để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về nguồn giống, thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; cung cấp một số chế phẩm sinh học cơ bản phục vụ xã viên trong mùa cải tạo ao đồng, diệt tạp...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn xã có hơn 300 ha NTTS, với 160 hộ dân tham gia; trong đó, có 177 ha diện tích nội đê và 125 ha diện tích nuôi trồng ngoại đê. Được sự hỗ trợ của xã, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư NTTS theo hướng công nghệ cao. Theo đó, với 1 ha nuôi tôm công nghiệp được đầu tư với số vốn trung bình từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha, bao gồm: cát lót nền, bạt, hệ thống ống cấp thoát nước, hệ thống điện, máy quạt nước...
Ngoài ra, người dân còn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống ao lắng cung cấp nước cho ao nuôi và ao lắng để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Với sự đầu tư bài bản, năng suất nuôi công nghiệp thâm canh tương đối cao, trung bình đạt từ 17 đến 22 tấn/ha/vụ, có những ao nuôi đạt 30 tấn/ha/vụ, doanh thu bình quân từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/ha/vụ.
Để nghề NTTS phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, xã Hoằng Phong sẽ chú trọng việc huy động kinh phí để đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi, cấp thoát nước, đáp ứng nhu cầu phát triển NTTS. Tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho con nuôi; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.
Đồng thời, phân công cán bộ nắm bắt tình hình sản xuất tại địa phương để tư vấn, hướng dẫn người nuôi chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh theo từng mùa, từng thời điểm. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào và sử dụng kháng sinh, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản. Tùy vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên của vùng để kết hợp đối tượng nuôi trồng phù hợp nhằm đa dạng hóa các đối tượng con nuôi thông qua hình thức thả nuôi xen ghép nhiều đối tượng nuôi trong ao, đầm.