Công nghệ nâng tầm nông sản Việt
Ông Nguyễn Liên Phương - Chủ tịch nhóm công ty LPVN tại Việt Nam và UAE, nhấn mạnh: Mặc dù gần đây đã chú trọng đến vấn đề bảo quản, chế biến, nhưng trái cây, rau quả cũng như các loại nông sản của Việt Nam chưa được chế biến sâu, chủ yếu là xuất khẩu thô. Việc thiếu công nghệ trong chế biến và bảo quản đã khiến nông sản Việt Nam ở vào thế bấp bênh, khi thì ùn ứ dư thừa...
“Vua tôm Minh Phú”, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến sâu, Minh Phú đã quyết định mở rộng vùng nuôi trong nước, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại để đổi mới con giống, công nghệ nuôi.
“Tính đến cuối năm 2020, Minh Phú đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, từ đó đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi với 900ha, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với một số viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hiện đại hóa công nghệ nuôi tôm” – ông Lê Văn Quang cho biết.
Được biết, trong nhiều năm qua, Minh Phú đã và đang thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm trải rộng khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nam bộ, với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu trong nước.
“Vua lúa gạo”, doanh nhân Phạm Thái Bình cũng cho biết, cách đây gần 10 năm, ông đã chú trọng đến thị trường cao cấp Châu Âu (EU). "Để vào được thị trường này, phải chuẩn bị từ gieo trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến xuất khẩu. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả những yếu tố này từ năm 2012” – ông Bình cho biết.
Theo Hiệp hội Caosu Việt Nam, với trên 80% caosu được xuất khẩu, Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới xuất khẩu caosu thiên nhiên. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu caosu thiên nhiên thấp hơn giá trị xuất khẩu sản phẩm caosu. Việc xuất khẩu thô thực tế lại đang là sự “lãng phí” bởi lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm đã được chế biến.
Đầu tư vẫn chưa xứng tầm
Việt Nam đã vượt Thái Lan để giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ; đồng thời là nước xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều lớn nhất thế giới; xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới, xuất khẩu caosu xếp thứ 3 và khẩu đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới... Tuy nhiên, nếu được đầu tư, chế biến sâu hơn, nông sản Việt sẽ có vị trí cao hơn rất nhiều.
“Xuất khẩu thô sẽ giết chết giá trị nông sản Việt, điều này phải được chấm dứt bởi các dạng công nghệ đều sẽ lên ngôi, những doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – doanh nhân Nguyễn Liên Phương nhấn mạnh.
Rất tiếc là hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở mức "xuất khẩu xổi", tầm nhìn ngắn hạn. Chính vì vậy, để giành giật được thị trường, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá nông sản, bất chấp thiệt hại chung của ngành.
Doanh nhân Phạm Thái Bình cho rằng, xuất khẩu gạo ngon, gạo thơm chất lượng cao của Trung An hiện nay dù có giá cao trên 1.000 USD/tấn, nhưng đây vẫn là mức giá "bị đánh đồng oan uổng”, bởi thói quen sản xuất thiếu bền vững, tranh giành thị trường của một số doanh nghiệp Việt Nam.
“Gạo sạch của Trung An bán vào EU phải từ 2.000 USD đến 3.000 USD mới đúng với giá trị thật của nó. Nhưng vì chính tập tục, văn hóa thương mại kém của nhiều doanh nghiệp Việt, muốn chiếm được thị trường nào là hạ giá thành xuống để cạnh tranh, khiến giá gạo Việt luôn thấp hơn giá trị thật rất nhiều” – ông Phạm Thái Bình thẳng thắn nhấn mạnh khi trao đổi với PV Lao Động.
Ở góc nhìn quản lý, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn đánh giá: Khoa học công nghệ đã góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn, giúp nông nghiệp khẳng định được vị trí trụ đỡ của nền kinh tế, nông sản Việt ngày càng khẳng định chất lượng trên thị trường thế giới.
Song có một thực tế, đầu tư của Nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, chưa tới ngưỡng nên khó tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá.