Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng đối với ngành thủy sản Việt Nam, việc xuất khẩu thủy sản sang nước này có sự tăng trưởng mạnh mẽ vượt xa những thị trường khác.
Tình hình xuất khẩu thủy sản
Với vai trò là thị trường trụ cột của thủy sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt mức cao nhất trong lịch sử năm 2019 với trên 1,2 tỷ USD, đưa thủy sản vào top 3 mặt hàng có giá trị lớn nhất trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất sang Trung Quốc.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm liên tục. Tuy nhiên, từ đầu 2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã có sự tăng trưởng trở lại và mạnh mẽ hơn. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt trên 1,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng đến 82%.
Trong số những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu mạnh nhất và vượt xa mức tăng trưởng của các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản,.. Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thủy sản vào Mỹ có mức tăng trường là 17,3%, Nhật Bản là 11,4% và Hàn Quốc là 20,8%, đều thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc.
Xuất khẩu tôm
Là một trong những mặt hàng thủy sản nhập khẩu chính vào Trung Quốc, sản lượng nhập khẩu tôm có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 3,77 tỷ USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm 2021 trong 8 tháng đầu năm 2022. Riêng trong tháng 8, Trung Quốc đã lập kỷ lục mới về nhập khẩu trong một tháng với số tiền chi cho việc nhập khẩu tôm lên đến 680 triệu USD.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc luôn cao, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng tôm sản xuất nội địa của nước này trong năm nay sụt giảm. Nhờ Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu nên lượng tôm Việt Nam xuất sang thị trường này cũng gia tăng mạnh mẽ. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đã gần bằng 11 tháng đầu năm ngoái, đạt mức 524,000 tấn, giá trị nhập khẩu tăng 64% lên 3,42 tỷ USD.
Các sản phẩm tôm xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc như tôm hùm sống, tôm chân trắng đông lạnh bỏ đầu/lột vỏ, tôm chân trắng PD tươi/đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu, bỏ vỏ, bỏ đuôi đông lạnh,…
Mặt hàng cá tra
Theo thống kê Hải quan với ước tính hết tháng 10/2022, xuất khẩu cá tra sẽ thu về gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 30% với khoảng 654 triệu USD, tăng 110%.
So với các thị trường khác, Trung Quốc luôn duy trì tăng trưởng cao nhất, qua các tháng đều có doanh số tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt 159 triệu USD, mức thấp nhất trong 10 tháng qua của năm 2022 và chỉ bằng một nửa nếu so với doanh thu đỉnh điểm của tháng 4 trong cùng năm là 310 triệu USD.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng 2 con số dù kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cá tra trong tháng 10 đang giảm. Trong tháng này, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn tăng 23% và sang Hồng Kông tăng 123%. Tính đến hết tháng 10 vừa qua, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu đạt 594 triệu USD, chiếm 28% và tăng 106% so với cùng kỳ 2021.
Trung Quốc gia tăng nhập khẩu từ các nước để bù đắp thiếu hụt sản lượng cho tiêu thụ nội địa và cho các lĩnh vực chế biến xuất khẩu do chính sách “Zero COVID” ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản của nước này. Với vị trí địa lý gần sát Trung Quốc tạo nên lợi thế cho ngành thủy sản nước nhà, thủy sản Việt Nam sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng cá tra.