Chia sẻ với:
Xuất khẩu thủy sản sẽ cán đích vượt chỉ tiêu
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) thủy sản ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu (NK) hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,6% tổng giá trị XK.
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,13 tỷ USD
Tăng trên 18% so với cùng kỳ
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các lĩnh vực sản xuất, thủy sản đang có những tín hiệu tăng trưởng và XK rất khả quan. Giá trị XK ngành hàng này ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,1%, dự báo sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.
Thủy sản tuy có những bước bứt phá mạnh mẽ, nhưng theo nhìn nhận của một số chuyên gia trong những tháng cuối năm 2017, tăng trưởng của ngành này sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Thống kê cho thấy, trong tháng 8 đầu năm 2017, giá trứng gia cầm tiếp tục tăng, giá thịt lợn giữ ở mức thấp, nên người dân vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Hiện tại hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu tái đàn, nhưng số lượng hạn chế. Hết tháng 8 ước tính, đàn lợn cả nước giảm 4%, đàn trâu giảm 0,5%, đàn bò tăng 2,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ.
Cục Chăn nuôi nhận định, với nỗ lực tái đàn chăn nuôi lợn phục vụ nhu cầu Tết và sự tăng mạnh trong sản xuất trứng, đạt mức 11 tỷ quả (tăng gần 2 tỷ quả so với năm trước), dự báo năm nay lĩnh vực chăn nuôi vẫn sẽ đảm bảo mức tăng trưởng đề ra.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, do những tháng đầu năm thời tiết diễn biến phức tạp nên sản lượng vụ Đông Xuân giảm 300.000 tấn lúa. Tuy bù lại vụ Hè Thu ở các tỉnh phía Nam đã thu hoạch 1.085 nghìn ha (chiếm 56,2%) cho năng suất tăng hơn, tính ra vụ này sản lượng vẫn tăng khoảng 400.000 tấn lúa. Tính chung, sản lượng lúa cả năm ước đạt 44,1 triệu tấn.
Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh trên lúa (như bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, bạc lá, khô vằn...) và nguy cơ ảnh hưởng của mưa bão ở phía Bắc và lũ ở ĐBSCL. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNTđã yêu cầu Tổng cục Thủy Lợi, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật phải nắm chắc tình hình và có biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ và dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa.
Cán đích vượt chỉ tiêu đề ra
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 mới đây, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, nếu những tháng cuối năm nay không có những diễn biến đột xuất đặc biệt về thời tiết thì những mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra từ đầu năm sẽ về đích thành công.
Theo đại diện Bộ này, mặc dù đã điều chỉnh xuống trên 150.000 ha diện tích trồng lúa sang làm cây khác có giá trị kinh tế hơn, nhưng chắc chắn mục tiêu tăng trưởng của ngành trồng trọt 2% vẫn sẽ đạt được.
Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tuy chăn nuôi bị ảnh hưởng do chăn nuôi lợn giảm sâu, 8 tháng đầu năm đã giảm mất 4% tổng đàn nhưng nhờ chăn nuôi bò, gia cầm tăng trưởng cao nên khả năng ngành chăn nuôi vẫn đạt được mức tăng trưởng 3%.
Nói về thủy sản, đại diện Bộ này tin tưởng sẽ đạt trên mức 5% bởi vấn đề giải quyết đầu ra cho ngành hàng này đã làm tương đối ổn định và bài bản. Đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định mức tăng trưởng tối thiểu 3,03% của nông nghiệp năm nay cho đến bây giờ là tương đối sáng sủa.
Còn kim ngạch xuất khẩu với mục tiêu 33 tỷ USD thì đến giữa tháng 7 đã đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Với đà tăng trưởng, cùng những đơn hàng, thị trường đang có và đã ký kết thì hoàn toàn có thể vượt qua chỉ tiêu đã đặt ra từ đầu năm của Chính phủ.
Với những kết quả khả quan đã đạt được trong thời gian qua, cũng như cả năm 2017, ngành nông nghiệp đã thống nhất đặt mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành NN&PTNT trong năm 2018 sẽ là 3% và kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 35 tỷ USD.