Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Xuất khẩu thủy sản vào EU: Cơ hội từ cam kết trong EVFTA

Xuất khẩu thủy sản vào EU: Cơ hội từ cam kết trong EVFTA

Trang chủ Tin Tức Xuất khẩu thủy sản vào EU: Cơ hội từ cam kết trong EVFTA
Xuất khẩu thủy sản vào EU: Cơ hội từ cam kết trong EVFTA
23/08/2017
34 Lượt xem

Chia sẻ với:

Xuất khẩu thủy sản vào EU: Cơ hội từ cam kết trong EVFTA

Những ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) sẽ mang lại cơ hội không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu, qua đó, mở rộng tiềm năng sang các thị trường nhập khẩu khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Cơ hội cho ngành thủy sản ngay khi EVFTA có hiệu lực

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế của EU dành cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ. 50% số dòng thuế còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3-7 năm. 

Đối với một số mặt hàng "nhạy cảm" như cá ngừ và cá viên đóng hộp, phía EU cam kết dành một hạn ngạch miễn thuế nhất định cho hàng hóa từ Việt Nam. Cụ thể các sản phẩm cá ngừ đại dương chế biến được miễn thuế trong phạm vi cộng dồn 11.500 tấn/năm; sản phẩm Surimi (cá viên đóng hộp) được miễn thuế trong hạn ngạch 500 tấn/năm.

Thủy sản xuất khẩu được hưởng thuế suất theo cam kết trong EVFTA thay vì thuế GSP như trước sẽ mang lại nhiều lợi ích bởi thuế suất trong EVFTA dành cho đại đa số các sản phẩm xuất khẩu trong khi GSP chỉ dành cho một vài loại sản phẩm nhất định. Thuế GSP là ưu đãi đơn phương EU dành cho Việt Nam và có thể rút lại bất cứ lúc nào còn cam kết thuế quan trọng EVFTA là cam kết song phương, ổn định, bền vững mà hai bên bắt buộc phải thực hiện, không có quyền tự ý đơn phương hủy bỏ nghĩa vụ này.

Với EVFTA, ngành thủy sản Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong việc chuyển nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước đã sụt giảm đáng kể và Việt Nam đang phải dựa nhiều hơn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Thực hiện EVFTA, Việt Nam có cơ hội nhập khẩu thủy sản nguyên liệu từ các nước EU có năng lực khai thác tốt với giá rẻ hơn (do thuế nhập khẩu giảm). Thêm đó, với năng lực chế biến thuộc nhóm hàng đầu thế giới, DN thủy sản Việt Nam có thể gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước không thuộc khối EU như Indonesia và một số nước ASEAN khác có ký hiệp định song phương với EU và vẫn được tận hưởng ưu đãi về thuế nhờ quy tắc xuất xứ cộng gộp, từ đó gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU.

Một số nội dung quan trọng 

Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật (SPS): 

Các DN cần phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ cơ sở sản xuất (bao gồm cơ sở hạ tầng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP). Ngoài ra, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cần lưu ý một số quy định chung của EU liên quan tới quy tắc vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, dư lượng cho phép một số chất nhất định với sản phẩm thủy sản...

Tuân thủ theo các tiêu chuẩn của EU là điều kiện tiên quyết. DN thủy sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư xây dựng ngành thủy sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mức lợi nhuận hiện tại của ngành thủy sản hoàn toàn có thể bù đắp các chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Quan trọng hơn, chi phí đầu tư không chỉ mang tới thành công trong tiếp cận thị trường EU, mà còn hỗ trợ ngành thủy sản nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường phát triển khác. 

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)

Để có thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, nước xuất khẩu phải tuân thủ các nguyên tắc TBT trong quy trình chế biến, đóng gói sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Đối với thủy sản, các nguyên tắc TBT chủ yếu quy định trong luật của EU bao gồm: Dấu sức khỏe, nhận dạng và nhãn hàng hóa; các vật liệu nhựa tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm (dùng trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm): EU quy định rất chặt chẽ với các loại dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thủy sản trong quá trình sơ chế; bảo tồn môi trường: Các sản phẩm thủy sản được nhập khẩu vào EU phải có Giấy chứng nhận đánh bắt được hợp thức hóa bởi cơ quan có thẩm quyền. Chứng nhận áp dụng cho tất cả sản phẩm đã chế biến hoặc chưa qua chế biến, trừ cá nước ngọt, cá cảnh và một số loại thân mềm khác.

Quy tắc xuất xứ của sản phẩm (ROO)

Mặt hàng thủy sản Việt Nam được coi là có xuất xứ thuần túy nếu như các sản phẩm thủy sản được sinh ra và nuôi lớn tại các trang trại thủy sản trong nước hoặc thu được qua quá trình đánh bắt trong lãnh hải mà Việt Nam có quyền khai thác độc quyền. Những mặt hàng này nghiễm nhiên được hưởng ưu đãi về thuế quan theo quy định của EVFTA.

Đối với những mặt hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu để chế biến sau đó xuất khẩu, quy định về xuất xứ cộng gộp sẽ được áp dụng với điều kiện những nguyên liệu đó đã qua gia công hoặc xử lý đáng kể tại Việt Nam. 

DN cũng cần lưu ý đến một số quy định khác về xuất xứ như: Hàng hóa xuất khẩu sang EU được quá cảnh tại nước thứ ba không bị thay đổi và phải được bảo quản trong điều kiện tốt hoặc được dán nhãn, niêm phong để đảm bảo sự tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Giấy tờ chứng minh sự tuân thủ theo quy tắc không chuyển đổi có thể được yêu cầu trong trường hợp phát sinh nghi vấn. Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ: EU chấp nhận bên xuất khẩu tự chứng nhận cho hàng hóa của mình khi họ đủ khả năng. 

Bên cạnh các quy định cơ bản nêu trên, EVFTA còn có những quy tắc xuất xứ với từng sản phẩm cụ thể (PSR) được thống nhất áp dụng cho cả 2 phía EU và Việt Nam. 

Dán nhãn đối với các sản phẩm thực phẩm 

Quy định chung về nhãn sản phẩm thực phẩm FIC R1169/2011 được Ủy ban châu Âu ban hành ngày 22/11/2011 có hiệu lực từ ngày 13/12/2014. Một số yêu cầu quan trọng về việc ghi nhãn cần đáp ứng trong mọi trường hợp là việc ghi nhãn không được gây hiểu nhầm, nhãn sản phẩm phải được ghi chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Đặc biệt, nhãn sản phẩm không được phép gợi ý rằng thực phẩm giúp ngăn ngừa, điều trị và chữa bệnh cho người. 

Nhãn sản phẩm phải thể hiện đầy đủ 12 thông tin. Trong trường hợp thực phẩm đóng gói sẵn, thông tin bắt buộc về thực phẩm phải được ghi trực tiếp trên bao bì hoặc trên nhãn gắn lên bao bì. Thông tin phải được ghi bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với người tiêu dùng của nước thành viên - nơi thực phẩm được bán. 

Đối với thủy sản, nhãn sản phẩm còn phải cung cấp thêm thông tin chính xác về việc thu hoạch và sản xuất, yêu cầu xác định ngư cụ sử dụng và diện tích thu hoạch. Điều này áp dụng cho tất cả các thủy sản chưa qua chế biến và chế biến. Quy định này bắt buộc DN xuất khẩu thủy sản phải cung cấp cho người mua thông tin chính xác về nguồn gốc của sản phẩm.

Biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ thương mại

Ngoài những yêu cầu về SPS, TBT, ROO, thị trường EU (cũng như các thị trường nhập khẩu khác) có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá và chống trợ cấp.

EVFTA quy định một cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, trong trường hợp có sự gia tăng hàng nhập khẩu do cắt giảm thuế quan theo hiệp định và gây ra hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, quốc gia nhập khẩu được phép áp dụng tự vệ bằng cách tạm ngừng áp dụng cam kết cắt giảm thuế quan theo hiệp định đối với hàng hóa liên quan, hoặc tạm tăng thuế nhập khẩu trở lại mức thuế MFN (áp dụng cho các thành viên WTO) hiện hành hay mức thuế cơ sở ban đầu cho đàm phán (tùy theo mức thuế nào thấp hơn). 

Thời hạn áp dụng tự vệ được phép là 2 năm, có thể gia hạn thêm nhưng tối đa không quá 2 năm. Trong hoàn cảnh khẩn cấp, quốc gia nhập khẩu có thể áp dụng cơ chế tự vệ "khẩn cấp" (biện pháp tự vệ tạm thời) trên cơ sở đánh giá sơ bộ về các điều kiện tự vệ. Bên áp dụng tự vệ phải tham vấn với bên bị áp dụng tự vệ về mức bồi thường thỏa đáng.

Bên cạnh những nội dung trên, Việt Nam và ngành thủy sản nói riêng còn phải thực hiện các cam kết về vấn đề lao động khi tham gia Hiệp định EVFTA.

Tìm kiếm