Địa hình huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) có độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, canh tác chủ yếu là trồng lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang, thiếu diện tích mặt nước để phát triển ngư nghiệp. Bởi vậy, đồng bào nơi đây đã tận dụng địa hình ruộng bậc thang để vừa trồng lúa vừa nuôi cá.
Từ chỗ tạo nguồn thực phẩm cho các gia đình ở vùng cao, mô hình nuôi cá chép ruộng đã phát triển thành hàng hóa. Trong cùng một thời gian, người dân ở Mù Cang Chải vừa được thu hoạch lúa vừa thu hoạch cá chép, mang lại hiệu quả kép.
Anh Sùng A Chinh ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang có 1.400 m2 ruộng. Nhiều năm nay, anh Chinh đã nuôi cá chép bản địa kết hợp với trồng lúa không những mang lại lợi ích cộng sinh cho lúa sinh trưởng, phát triển mà còn tạo thêm thu nhập.
Anh Chinh chia sẻ: "Nuôi cá chép ruộng rất đơn giản, không cần chăm sóc nhiều, quan trọng nhất là nguồn nước sạch. Cá chép được nuôi thả sẽ giúp sục bùn, ăn các loại côn trùng có hại và thải phân làm tốt lúa.
Trong khi đó, các loại phân hữu cơ bón cho lúa cũng là nguồn thức ăn cho cá. Cá chép còn giúp hạn chế một số loài sâu, bọ gây hại cho lúa. Nhờ đó, lúa phát triển sạch, cá cũng bán được giá từ 120.000 đồng -130.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trung bình mỗi năm trên 20 triệu đồng từ cá”.
Anh Chinh cũng là một trong 6 hộ tham gia Tổ hợp tác nuôi cá chép ruộng với tổng diện tích 1,4 ha.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Bí thư Đảng bộ xã Khao Mang chia sẻ: "Xã đã rà soát thành lập Tổ hợp tác nuôi cá chép ruộng nhằm giúp các hộ dân liên kết, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc.
Đồng thời, xã cũng đang hợp tác với một đơn vị ở Bắc Ninh để tới đây họ sẽ tổ chức khảo sát thực tế, hướng dẫn đồng bào cách nuôi cá chép ruộng một cách bài bản, để có sản phẩm quanh năm, phục vụ du lịch”.
Sau nhiều năm nuôi cá chép ruộng, người dân nơi đây còn biết cách chủ động nguồn cá giống.
Ngay từ đầu tháng 2 âm lịch, nhiều hộ đồng bào Mông đã tiến hành chuyển cá chép bố mẹ được nuôi từ vụ trước đến các thửa ruộng hoặc tạo các bể nước nhỏ ở đầu nguồn nước; thả vào đó những bó cỏ khô hoặc cây thủy sinh để cá đẻ.
Khi cá chép giống đã đủ cứng cáp, người dân mới bắt đầu thả cá vào ruộng lúa bậc thang.
Sau khi thả cá, bà con không phải chăm sóc nhiều mà chỉ cần tháo nước vào ruộng đảm bảo duy trì ở mức từ 5 - 10 cm để cây lúa và cá cùng sinh trưởng.
Để hạn chế sâu bệnh, người dân còn thả thêm một lứa vịt con để làm sạch sâu bọ, côn trùng trong khoảng thời gian 20 ngày. Cá chép nuôi trên ruộng bậc thang có thời gian sinh trưởng 3 tháng.
Trước khi thu hoạch lúa khoảng 15 ngày, các hộ tháo cạn nước bắt cá chép vừa giúp cây lúa tập trung dưỡng chất và chín đều; đồng thời, cho nền ruộng được khô ráo để việc thu hoạch thuận lợi. Cá chép nuôi trong ruộng lúa có thịt săn chắc, thơm ngon, vị đậm, trở thành món ăn đặc sản của người dân vùng cao và nhiều du khách khi tới Mù Cang Chải.
Việc nuôi cá chép ruộng không chỉ đem lại thu nhập cho người dân, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thóc, gạo sạch địa phương, bởi để cá chép có thể sinh trưởng và phát triển, cần hạn chế việc dùng các chất hóa học hoặc các chất gây hại khác trong quá trình canh tác.
Hiện nay, nhiều hộ ở các xã Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn còn trồng lúa Séng cù hàng hóa kết hợp với nuôi cá chép ruộng vào mỗi vụ mùa với diện tích gần 500 ha, năng suất đạt 40 - 45 tạ/ha, giá bán 14.000 đồng/kg thóc và 22.000 đồng/kg gạo.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi cá chép ruộng theo hướng hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập và từng bước giảm nghèo bền vững cho đồng bào.