Việc xây dựng và duy trì chất lượng nước tốt trong suốt quá trình nuôi tôm sẽ là chìa khóa quyết định cho một sự thành công lâu dài.
Trước đây các chuyên gia đã trình bày “10 mẹo trong nuôi tôm – Những điều cơ bản”, bao gồm nhiều khía cạnh. Bài viết dưới đây sẽ cụ thể hơn, chỉ tập trung vào một “góc” đặc biệt của nghề này. Đó là chất lượng nước. Khi chất lượng nước tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tôm. Giảm lượng amoniac và các chất thải hữu cơ, từ đó hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, chất lượng nước tốt cũng góp phần giảm thiểu gánh nặng chất thải đối với môi trường bên ngoài.
Dưới đây là 6 mẹo để duy trì chất lượng nước trong nuôi tôm:
1. Duy trì các thông số chất lượng nước trong phạm vi tối ưu
Có nhiều thông số quy định chất lượng nước trong ao tôm. Đảm bảo rằng các thông số này nằm trong những phạm vi lý tưởng mỗi ngày là bước quan trọng để duy trì chất lượng nước tốt. Các thông số cần quan tâm bao gồm: nhiệt độ, oxy hòa tan (DO), độ mặn, độ kiềm, pH, hàm lượng chất rắn, chất thải Nitơ (amoniac, nitric, nitrat…), thực vật phù du, hàm lượng vi khuẩn Vibrio và độ cứng của nước. Các phạm vi lý tưởng cho mỗi thông số có thể khác nhau, tùy vào vị trí trại nuôi, thời tiết, cơ sở hạ tầng và dụng cụ nuôi.
2. Đo các thông số chất lượng nước thường xuyên
Để duy trì các thông số chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, việc đo lường thường xuyên trở thành một phần không thể thiếu. Bằng cách đo thường xuyên, có thể dễ dàng quan sát bất kì thông số nào có thay đổi sai lệch theo quỹ đạo mong muốn không, biết được sớm các bất thường để xử lý cho kịp thời. Các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên hiệu chuẩn các thiết bị đo của mình vào mỗi đầu vụ nuôi, để hạn chế thấp nhất sự thiệt hại.
3. Chú ý đến tỷ lệ ion trong nước
Thành phần ion có ảnh hưởng rất lớn dến sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm. Đây là một yếu tố quan trọng trong quá trình lột xác và hình thành lớp vỏ mới cho tôm. Các ion quan trọng bao gồm Na (Natri), K (Kali), Mg (Magie) và Ca (Canxi). Để duy trì sự phát triển của tôm, tỷ lệ Na:K:Mg nên ở mức cân bằng. Con số các chuyên gia khuyến nghị là 28:1 cho Na:K và 3,4:1 đối với Mg:Ca. Tuy nhiên tỷ lệ này có thể khác biệt ở các khu vực khác nhau.
Một lần nửa, việc đo lường thường xuyên là cần thiết để giữ cho tỷ lệ ion ở trạng thái cân bằng. Trong suốt chu kỳ nuôi, tỷ lệ ion này sẽ bị thay đổi do nhiều lý do khác nhau. Nếu mất cân bằng, người nuôi nên bổ sung thêm các sản phẩm trên thị trường để tăng cường cho tôm. Tuy nhiên cũng phải có sự lựa chọn tin tưởng và hợp lý.
4. Photpho (P) và tảo
Tảo là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của tôm. Tuy nhiên không phải tất cả các loài tảo đều tốt. Một số loài tảo làm tôm không tiêu hóa được mà ngược lại còn tiết ra độc tố. Đặc biệt, tảo có hại có cơ hội tiếp cận dinh dưỡng và ánh sáng tốt hơn do kiểm soát sự di chuyển tốt hơn tảo có lợi, khiến chúng phát triển nhanh hơn và lấn át các loài tảo khác. Nhất là tảo lam.
Hầu hết các chất dinh dưỡng tôm hấp thu được đều từ thức ăn. Trong đó, tôm không tiêu thụ được các nguồn Nitơ, Photpho và cuối cùng sẽ tích tụ lại trong ao nuôi. Có đến 72 đến 89% P đầu vào bị lãng phí và làm tảo có cơ hội phát triển dày đặc gây nên hiện tượng nở hoa trong ao. Chỉ vài ngày sau đó, tảo sẽ phát triển đến mức tối đa và chết. Điều này làm hàm lượng chất thải hữu cơ trong ao nuôi tăng đáng kể, thúc đẩy amoniac phát sinh gây độc hại nhiều hơn. Ngoài ra, tảo phát triển cũng sẽ sử dụng một lượng lớn oxy, đây là nguyên nhân gây bệnh và làm tôm chết hàng loạt.
Vì vậy điều quan trọng là phải luôn quan tâm đến hàm lượng P và mật độ tảo trong ao, đảm bảo rằng chúng luôn ở mức ổn định. Khi hàm lượng P cao, kéo theo mật độ tảo gia tăng nên tăng tỷ lệ trao đổi nước, quạt nước thường xuyên để ngăn chặn các vấn đề trên xảy ra.
5. Thay nước
Thay nước là một phương pháp tiết kiệm nhất để duy trì tốt chất lượng nước. Thay nước sẽ ngăn ngừa sự tích tụ quá mức của amoniac, hạn chế sự căng thẳng của môi trường gây ra cho tôm. Tuy nhiên, nên tránh thay nước trước 30-40 ngày nuôi để chất lượng nước ổn định và tốt hơn. Lượng nước thay đổi hằng ngày được khuyến khích là 10-30%. Tỷ lệ này sẽ tăng trong suốt chu kỳ nuôi khi số lượng thức ăn cho tôm tăng. Đặc biệt khi hàm lượng amoniac tăng đột biến, nên tăng tỷ lệ trao trao đổi nước, tăng quạt nước để giảm nồng độ amoniac xuống mức an toàn. Một lưu ý là thay nước có lợi nhưng có thể làm tăng nguy cơ xâm nhập của các sinh vật khác vào hệ thống nuôi. Vì vậy nước được thay vào phải qua xử lý trước.
6. Lên kế hoạch xử lý sự cố
Để bổ sung cho 5 mẹo trên, các chuyên gia khuyên người nuôi nên có kế hoạch khắc phục sự cố trước. Đảm bảo rằng khi có vấn đề về chất lượng nước xuất hiện thì đã có kế hoạch xử lý sẵn sàng. Trong kế hoạch này cần mô tả chi tiết những việc có thể làm để giải quyết bất kỳ vấn đề nào xảy ra. Với việc giám sát thường xuyên, kết hợp với một kế hoạch khắc phục có sẵn, vấn đề sẽ được giải quyết sớm hơn.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước và theo nhiều cách khác nhau. Mỗi trại nuôi nên đề ra sẳn những biện pháp xử lý riêng, nên bao gồm cả 6 mẹo trên để quản lý chất lượng nước. Các chuyên gia hy vọng hướng dẫn này có thể giúp người tôm ở khắp mọi nơi quản lý tốt hơn chất lượng nước trong hệ thống nuôi tôm của họ.