Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Bấp bênh nghề hến bên sông

Bấp bênh nghề hến bên sông

Trang chủ Tin Tức Bấp bênh nghề hến bên sông
Bấp bênh nghề hến bên sông
12/09/2020
34 Lượt xem

Chia sẻ với:

Bấp bênh nghề hến bên sông

Tự bao giờ không ai biết rõ, người dân thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam rủ nhau lặn ngụp dưới đáy sông Ly Ly cào hến mưu sinh. Chìm nổi theo con hến, người dân thôn An Lạc vẫn luôn canh cánh vì sự bấp bênh của nghề khi môi trường sông càng ô nhiễm và sự tận diệt của con người.

Chìm nổi với con nước

Nép mình bên dòng sông Ly Ly hiền hòa, ngôi làng nhỏ ở thôn An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bao đời nay luôn nhộn nhịp bởi người người làm hến, nhà nhà làm hến, từ cụ bà gần 80 tuổi, đàn ông đàn bà đến những em học sinh nhỏ.

Ngày nào cũng vậy, công việc của người “phu hến” bắt đầu từ lúc nửa đêm và kết thúc vào khoảng trưa ngày hôm sau. Dụng cụ mang theo của những người làm nghề cào hến rất đơn giản, chỉ cần chiếc thúng, ca, mủn và dụng cụ sắt cào hến bắt đầu chèo ra sông. Đến khi cào được đầy thúng chiếc xuồng nhỏ sẽ quay vào và chuyển hến lên bờ và tiếp tục công việc của mình.

 

Anh Phạm Minh Thứ chia sẻ, để theo đuổi được nghề làm hến không phải là chuyện đơn giản, bởi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và chịu khó. Con hến chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay út, lại nằm dưới đáy sông nên công việc xúc hến khá vất vả, chỉ dành cho những người đàn ông.

“Công việc này nặng nhọc nên chủ yếu đàn ông làm, chúng tôi làm quanh năm, chỉ khi nào có mưa bão thì tạm thời nghỉ, đặc biệt là những tháng 9, 10 hàng năm. Khi trời lặng, nước cạn thì cào được lượng nhiều, trời chuyển và nước sâu thì chẳng được bao nhiêu vì hến trốn sâu dưới cát. Mỗi ngày tôi đi về cũng thu được khoảng 400.000 đến 500.000 đồng. Ngoài cào hến, chúng tôi còn bắt những con tôm, tép nhỏ và đặc biệt rất nhiều loại ốc có giá trị như ốc Hương sông (35.000 đồng/ký)”, anh Thứ cho biết.

 

Khi những người đàn ông thức dậy đi cào hến từ lúc nửa đê thì phụ nữ trong thôn cũng quần quật cả ngày với việc rửa hến, rồi ngâm hến trong nước khoảng 8-10 tiếng đồng hồ để hến nhả hết cặn bẩn và nấu hến. Tờ mờ sáng cũng là lúc người người nhóm những lò lửa rực hồng để chuẩn bị công việc luộc hến. Hến đưa vào bờ, trong lúc chờ những nồi gang nước to đùng sôi sùng sục, các cụ bà và các em nhỏ hối hả nhặt cỏ rác lẫn lộn trong các mủn hến, đãi hến, luộc hến.

Bà Nguyễn Thị Mười (76 tuổi) hai tay nhanh nhảu nhặt cỏ rác trong các mủn hến cho biết, cả làng gần 30 hộ dân chủ yếu sống nhờ con hến. “Từ khi tôi về đây làm dâu đã có cái nghề này, thế là theo gia đình chồng làm chứ thực ra tôi chẳng biết cái nghề này có từ bao giờ, chỉ biết đến tận bây giờ tôi làm hến cũng hơn 30 năm”, bà Mười nói.

 

Theo bà Mười, hến vùng sông Ly Ly này nổi tiếng thơm ngon đậm đà nên ngày nay đã vào các nhà hàng lớn tại TP Hội An và được thương lái từ Đà Nẵng đặt mua mỗi ngày với số lượng khá lớn. Tại lò trung bình mỗi ký hến luộc xong bán ra khoảng 70.000 đến 80.000 đồng kèm nước luộc hến. Gia đình nào làm ít mỗi ngày cũng bán ra được 10 ký, nhiều thì hơn 20 ký.

Canh cánh nỗi lo...

Nghề cào hến ở thôn An Lạc tập trung từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, nước cạn, con hến cũng sinh sôi nảy nở sau một mùa mưa. Từ đầu tháng 6 dương lịch đến nay, các hộ dân trong vùng hết sức phấn khởi vì ngày nào cũng cào được khá nhiều hến. Người làm hến ở thôn An Lạc cho biết, cào hến phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và con nước. Khi trời lặng, nước cạn thì cào được sản lượng nhiều chứ nếu trời chuyển và nước sâu thì chẳng được mấy con vì hến rủ nhau trốn sâu dưới cát. Có những thời điểm, sản lượng hến rất thấp, thậm chí là không có. Còn năm nay, chắc nhờ thời tiết và con nước thuận lợi nên hến sinh sản nhiều, phát triển tốt. Làng hến cũng theo đó rực lửa hồng, hơn 100 nhân khẩu Làng An Lạc có nguồn thu nhập mỗi ngày, con cái lớn lên cũng đủ điều kiện học hành tươm tất.

 

Nhưng, làng hến bây giờ còn thêm một nỗi thấp thỏm, ấy là nghề cào hến phụ thuộc  vào môi trường lòng sông. Với sự hủy diệt môi trường của con người và sự thất thường của thiên nhiên, sợ hến sẽ ít dần rồi không chừng chẳng còn con nào sống nổi.

Theo anh Phạm Hùng, người làm hến lâu năm ở thôn An Lạc chia sẻ: nguồn sông này mấy năm trước hến nhiều không biết làm chi cho hết nhưng giờ với đi nhiều. Trước đây, người ta cào hến thủ công bằng cách cứ đi thụt lùi và tay giật đều chiếc cào là có hến. Cào thủ công như vậy nên chỉ lấy hến to, còn những con hến nhỏ thì để lại cho chúng có điều kiện sinh sản. Nhưng bây giờ, người ta cào hến bằng những chiếc vợt sắt, khi vợt thì cứ thế mà xúc, không để lọt bất cứ con nào, kể cả hến mới ra đời.

“Chúng tôi cố gắng nhắc nhở bà con vừa khai thác vừa tìm cách nuôi dưỡng nguồn hến, tránh việc khai thác tận diệt và bảo vệ môi trường lòng sông. Có như thế nghề này mới giữ được lâu dài.”- anh Phạm Hùng cho hay.

Tìm kiếm