Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) thuộc họ Cá khế (Carangidae), là một họ cá biển, chúng được xếp trong bộ Cá vược (Perciformes).
Hiện nay, chúng đã được nuôi thành công ở các nước Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng vẫn còn hạn chế, phần lớn sản lượng được đánh bắt từ tự nhiên ở Việt Nam đối tượng này cũng đã được nuôi ở các tỉnh ven biển Miền Trung.
Tuy nhiên, cá chim vây vàng vẫn còn là đối tượng nuôi mới, đang được khuyến khích nuôi để trở thành đối tượng nuôi chính vì có giá trị kinh tế cao, kích thước cơ thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, lại có hình thái đẹp, thịt thơm ngon, ít xương, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất lớn, đồng thời còn đa dạng hóa đối tượng nuôi các loài cá biển, giảm lượng khai thác từ tự nhiên. Đây là loài cá rộng muối, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, ưa hoạt động, dễ nuôi, có khả năng nuôi với mật độ cao trong lồng hoặc trong ao ở thủy vực nước lợ và nước mặn.
Bệnh ký sinh trùng
Các loài ký sinh trùng nhiễm trên cá chim vây vàng gồm có nhóm ký sinh trùng đơn bào gồm Trichodina sp. và Cryptocaryon irritans). Các loài thuộc nhóm ký sinh trùng đa bào như Pseudorhabdosynochus sp., Benedenia sp. và 1 loài thuộc nhóm giáp xác là Caligus sp.. Cryptocaryon irritans được biết đến với tên gọi là bệnh đốm trắng, chúng ký sinh gây bệnh nguy hiểm ở hầu hết các loài cá biển và gây thiệt hại nghiêm trọng. Pseudorhabdosynochus sp. gây bệnh trên cá phụ thuộc vào 2 yếu tố, bao gồm mật độ thả cá cao và hệ thống lưới lồng, do loài ký sinh trùng này có khả năng lây lan trực tiếp từ cá này sang cá khác, khi cá thể thành thục đẻ trứng nở ra và bám ngay ở ký chủ để sinh trưởng và phát triển, vì vậy mật độ cá nuôi cao là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển và lưới lồng là chất nền phù hợp nhất của ký sinh trùng vướng và bám vào.
Dấu hiệu bệnh đối với cá nhiễm bệnh như cá bị cụt vây đuôi, vây lưng; màu sắc trên thân cá không đồng đều, mất nhớt; cá bị xuất huyết gốc vây hậu môn; cá lở loét; cá bị xuất huyết gốc vây ngực.
Bệnh đốm trắng nội tạng
Bệnh đốm trắng nội tạng được xác định do vi khuẩn thuộc giống Nocardia với tên là Nocardia Like Bacteria. Vi khuẩn hình que, Gram dương và kháng acid, dài từ 2-10 µm, phân nhánh và thường gãy thành các đoạn ngắn.
Dấu hiệu bệnh lý bên ngoài như có các biểu hiện trên bề mặt cơ thể cá bệnh xuất hiện nhiều nốt phồng rộp nhỏ dưới da, khi các nốt phồng này vỡ ra và tạo nên các thương tổn màu xám, nhỏ. Mang cá bệnh tiết rất nhiều dịch nhầy, làm các tơ mang dính bết vào nhau, một vài tổn thương hoại tử trên mang. Dọc theo cột sống của một số con bị bệnh có 1 hay nhiều khối u nằm dọc cột sống, khi khối u có kích thước lớn đã làm cơ thể cong gập, dị dạng. Khi giải phẫu những con cá bệnh, các đốm trắng nhỏ đã được quan sát thấy trên và trong một số nội tạng như thận, gan và tỳ tạng.
Khả năng gây độc của chủng Nocardia spp. đối với cá chim vây vàng là khá cao. Cụ thể, khi cá cảm nhiễm với vi khuẩn Nocardia spp. ở liều càng cao thì cá bị chết càng sớm và đạt tỷ lệ chết 100% nhanh hơn. Khi cá cảm nhiễm ở mặt số vi khuẩn 105, 106, 107, 108 CFU/mL thì cá bắt đầu chết vào ngày thứ 5 sau cảm nhiễm và đạt đến tỷ lệ chết 100% theo ở các ngày thứ 12, 11, 10 và 8 tương ứng. Cá cảm nhiễm ở mặt số 104 CFU/mL, chỉ bắt đầu chết vào ngày thứ 7 và chết 100% vào ngày thứ 13 sau khi cảm nhiễm. Chỉ số gây chết 50% LD50 của vi khuẩn này đã được xác định sau 8 ngày cảm nhiễm là 1,78 x 104 CFU/mL.