Chia sẻ với:
Biến đổi khí hậu: Thủy sản tìm cách thích ứng
Giải pháp mới cho con tôm
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn nổi được thực hiện ở tỉnh Bạc Liêu với ao tròn nổi có diện tích 500 m2, làm bằng khung sắt. Cùng với ao nuôi tôm là nhiều ao khác để đảm bảo hệ thống tuần hoàn nước, không xả thải ra môi trường, chỉ lấy nước thêm vào khi cần thiết. Một hệ thống tuần hoàn có 3 ao nuôi; đầu vào là 1 ao lắng thô, 1 ao lắng tinh, 1 ao xử lý nước và 2 ao trữ nước sẵn sàng cung cấp cho ao nuôi. Đầu ra của nước ở các ao nuôi là một hệ thống hố ga để gom nước đưa trở lại ao lắng thô.
Ở ao lắng thô được thả cá để góp phần xử lý làm sạch nước. Còn tôm giống trước khi vào ao nuôi được thả ở ao dèo, đến độ lớn cần thiết mới đưa vào ao nuôi. Hệ thống này đảm bảo các tiêu chuẩn trong môi trường nuôi tôm ổn định, ít chịu tác động của biến đổi khí hậu bên ngoài, dù là hạn và mặn gay gắt. Thời gian qua, bà con Bạc Liêu thực hiện đã đạt kết quả tốt, không bị thiệt hại, nuôi tôm có hiệu quả khá cao.
Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là vốn đầu tư lớn và phải có cán bộ kỹ thuật theo dõi sát sao để quản lý hệ thống hoạt động nhịp nhàng.
Thay đổi cách nuôi nghêu
Ương nghêu giống
Vừa qua, bà con nông dân tỉnh Tiền Giang thực hiện ương nghêu giống trên ao bạt đã thích ứng tốt với biến đổi khí hậu khi độ mặn cao, gió lớn và còn tình trạng sạt lở. Quá trình thực hiện gồm hai bước, xây dựng ao bạt và tiến hành ương giống nghêu.
Ao được đào ở vùng ven biển, dài 20 m, rộng 10 m, sâu 1 m với vách nghiêng 0,2 m. Sau đó, phủ vải bạt từ đáy ao lên cả bờ và trải một lớp cát ở đáy ao dày 0,2 m. Bơm nước biển vào sâu 0,8 - 0,9 m. Nếu có điều kiện, lắp thêm hệ thống cung cấp ôxy cho ao.
Nghêu cám thu được ngoài bãi biển đem thả vào ao với mật độ 50.000 con/m2. Một ngày thay nước một lần. Nước bơm trực tiếp từ biển đã có sẵn tảo làm thức ăn cho nghêu, kéo dài 3 tháng. Khi nghêu đạt cỡ 10.000 - 15.000 con/kg là thu hoạch đem ra nuôi ở bãi. Lúc này nghêu giống đã được ương khỏe mạnh nên giảm tổn thất so với việc thả nghêu cám vào bãi như kinh nghiệm trước đây.
Nuôi thương phẩm
Trong tháng 2/2020 vừa qua, hạn và mặn quá cao đã làm nghêu thương phẩm chết hàng loạt ở nhiều địa phương ĐBSCL, có nơi đến 60 - 90%. Bà con nông dân tỉnh Trà Vinh có sáng kiến nuôi nghêu nước sâu đã đạt kết quả tốt. Nghêu được thả vào bãi có nước sâu từ 0,5 - 1 m nên tránh được tình trạng nhiệt độ thay đổi đột ngột, thích ứng với độ mặn. Đầu tiên là chọn bãi thích hợp, thời điểm nước sâu thích hợp để thả giống. Chọn giống cỡ 300 - 500 con/kg, thả với mật độ 150 - 200 con/m2. Sau đó theo dõi chăm sóc khoảng 8 tháng là thu hoạch.
Theo đại diện mô hình, nghêu rất nhạy cảm với môi trường, trong lúc môi trường lại biến đổi khó lường trước biến đổi khí hậu. Cho nên, để đạt kết quả cao, tránh tình trạng nghêu chết hàng loạt thì người nuôi cũng cần theo dõi chặt chẽ quá trình nghêu phát triển, thường xuyên rút kinh nghiệm và điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật.
Nuôi trồng đa canh
Bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện đa canh cây trồng vật nuôi đã phát huy được lợi thế của địa phương, hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu. Cây trồng chính ở đây là lúa, còn thủy sản nuôi gồm tôm, cua, cá mùa nào thứ nấy.
Đầu mùa khô đã thu hoạch lúa mà chưa thể nuôi tôm, bà con tiến hành xử lý cải tạo môi trường bằng nuôi cua và các loại cá ở địa phương. Khi nước đạt độ mặn thích hợp với tôm thì cua và cá cũng đã lớn, thu hoạch cua và cá để nuôi tôm sú. Tôm sú nuôi theo hai cách tùy theo khả năng và điều kiện của nông dân. Đó là thả tôm giống trực tiếp vào ruộng và ương giống trước khi thả vào ruộng. Dù cách nào thì tôm giống thả vào ruộng cũng với mật độ thưa. Khi tôm sú lớn đạt cỡ thích hợp được thu hoạch. Sau thu hoạch tôm sú, xả mặn và đón nước ngọt của mùa mưa để trồng lúa và nuôi tôm càng xanh.
Quá trình đa canh cây trồng vật nuôi đã đảm bảo sự đa dạng sinh học bản địa, các cây trồng và vật nuôi tự bổ sung thức ăn cho nhau, hạn chế mầm bệnh, giảm chi phí cho nông dân. Đặc biệt, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học nên sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường đón nhận đảm bảo đầu ra ổn định.