Sau gần 40 năm tôi mới có dịp trở lại huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách một du khách. Cần Giờ đã có những thay đổi đến ngỡ ngàng, không phải chỉ từ cái tên (trước đây là huyện Duyên Hải) mà đến cả cảnh vật. Sau khi qua phà, dọc theo con đường nhựa rộng rãi dẫn đến trung tâm huyện là khu dân cư Bình Khánh sầm uất với những nhà xây san sát nhau, rồi những ao nuôi tôm với các cánh quạt đang tung nước thật vui mắt, rồi những cánh rừng dầy đặc cây đước cao vút tạo cảm giác êm ả và an toàn, và cuối cùng là trung tâm huyện đã trở thành khu đô thị đang phát triển với nhiều nhà cao tầng, cửa hàng, đèn giao thông, ...
Sau khi thăm lại những nơi từng đi qua, tôi đến Khu du lịch 30 tháng 4 để dùng cơm trưa. Ghé một quán ăn và vừa yên chỗ, cô chủ đã nhanh chóng mang bảng thực đơn đến và giới thiệu các món ăn.
Tôi hỏi: “Món gì là đặc sản của Cần Giờ”
Không do dự cô chủ đáp: “Cá dứa nấu canh chua và kho tộ”.
Tên món ăn làm tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng công tác ở Cần Giờ và hương vị các món ăn được chế biến từ loài cá “đặc hữu” này của địa phương. Mặc dầu giá khá cao (do rất hiếm – theo lời cô chủ), nhưng để tìm lại hương vị cũ, tôi đồng ý gọi món với điều kiện nhìn thấy con cá trước khi được chế biến. Con cá do cô chủ mang ra khá tươi do được ướp đá kỹ nhưng làm tôi hơi băn khoăn về hình dạng và màu sắc của nó. Khi các món ăn được dọn ra, tôi háo hức thưởng thức ngay. Sau khi thử qua các món ăn, tôi dường như đã tìm lại được hương vị cũ dù không đầy đủ vì thịt cá ít dai và thơm như cá dứa mà tôi đã ăn trước đây.
Theo sự giới thiệu của cô chủ, trên đường về tôi đã ghé vào một cửa hàng ở một điểm dừng chân du lịch để mua đặc sản “cá dứa một nắng”, một sản phẩm chưa có khi tôi còn công tác ở Cần Giờ. Đã từng ăn qua cá khô một nắng, kể cả cá biển như cá đù hay cá nước ngọt như cá sặc, tôi thấy “cá dứa một nắng” có chất lượng cao hơn nhiều. Sau khi chiên với ít dầu, khô cá có màu trắng và mềm, không mặn, ngọt và béo, và đặc biệt không có xương dăm như các loại cá một nắng khác. Đặc sản này ăn không với cơm hay làm gỏi đều ngon.
Tình cờ có dịp kể lại chuyện đi du lịch Cần Giờ với một chuyên gia trong ngành thủy sản, vị này cho tôi biết món cá dứa mà tôi đã ăn ở Khu du lịch hay đặc sản “cá dứa một nắng” mà tôi đã mua không phải là cá dứa mà là cá bông lau. Theo chuyên gia thủy sản này, cá dứa gần như không còn tìm thấy ở Cần Giờ hay ở các địa phương khác của đồng bằng sông Cửu Long. Tôi có nghe một số người nói cá dứa và cá bông lau là một; khi cá còn nhỏ và sống ở nước lợ thì được gọi là cá dứa, và khi cá lớn và di cư vào sông nước ngọt thì được gọi là cá bông lau. Vị chuyên gia khẳng định rằng cá dứa và cá bông lau là hai loài khác nhau. Tôi cũng đã từng ăn cá bông lau tự nhiên đánh bắt được ở vùng An Giang nhưng là cá tươi.
Nếu “cá dứa một nắng” được làm từ cá bông lau thì những người đã có dịp thưởng thức sản phẩm này như tôi chắc cũng chấp nhận vì chất lượng của nó. Điều làm tôi băn khoăn là cá dứa tự nhiên còn hay không; nếu còn thì tại sao không có đơn vị nào nghiên cứu để phục hồi nguồn lợi loài cá ngon này và nếu không còn thì tại sao không có cơ quan nào công bố rằng loài cá này đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
Nếu “cá dứa một nắng” được làm từ cá bông lau thì người sản xuất có lừa dối người tiêu dùng không, hay chỉ đơn giản là vì họ không biết nguyên liệu họ dùng là cá bông lau.
Nếu “cá bông lau một nắng” (hiện đang mang tên “cá dứa một nắng”) là sản phẩm đang được đánh giá khá tốt thì tại sao chúng ta không dùng đúng tên để có cơ hội phát triển vì theo tôi được biết là cá bông lau đã được sản xuất giống nhân tạo thành công và đang được nuôi khá phổ biến ở nước ta.