Chia sẻ với:
Cần chuẩn bị kịch bản cho cá tra
Nhiều thị trường “khó tính” nay càng khó tính hơn đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Nguyên nhân chính là do những thông tin sai lệch, phản ánh không đúng sự thật về cá tra tại các nước thuộc thị trường châu Âu.
Thêm nữa, Mỹ đã quyết định, từ ngày 2/8, cá tra nhập khẩu vào Mỹ sẽ tuân theo các quy định như các sản phẩm cá da trơn sản xuất tại Mỹ, và sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp nước này.
Xuất khẩu cá tra đạt hơn 500 triệu USD
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng diện tích thả nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện là 3.100ha, sản lượng đạt hơn 500.000 tấn, tăng 1,3% về diện tích và 2,2% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, dù cá tra đang là sản phẩm được nhiều thị trường khó tính ưa chuộng, nhưng con đường đi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Sản phẩm cá tra Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 133 triệu USD, tăng gần 41%; Mỹ đạt hơn 118 triệu USD, giảm 22%; châu Âu đạt trên 78 triệu USD, giảm 28%; châu Á đạt gần 53 triệu USD, giảm xấp xỉ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, nhiều thị trường “khó tính” nay càng khó tính hơn đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Nguyên nhân chính là do những thông tin sai lệch, phản ánh không đúng sự thật về cá tra tại các nước thuộc thị trường châu Âu. Thực tế, sản phẩm cũng còn đơn điệu chưa tác động đến thị hiếu tiêu dùng của người châu Âu. Thêm nữa, lại phải đối mặt với các đạo luật như Luật Nông trại (Farm Bill), các đợt kiểm tra của Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) đang gây ra rào cản thương mại đối với cá tra Việt Nam.
Vì vậy, tại phiên họp Chính phủ chiều 3/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Cần phải chuẩn bị kịch bản cho cá tra bởi những quy định mới này có thể tổn thương tới mặt hàng này trong tương lai. Hiện, thị trường của ngành nông nghiệp đang nảy sinh những thách thức mới. Đặc biệt, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra vào Mỹ đang gặp phải những vấn đề khắc nghiệt”.
Khó vào thị trường Nhật
Sản phẩm cá tra Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính của thế giới là Mỹ, châu Âu nhưng vẫn còn nhiều thị trường khó tính khác chưa thể chạm tới, cụ thể là thị trường Nhật Bản.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp từng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, đây là thị trường sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, nhưng đưa ra một danh sách rất dài với những danh mục tiêu chí an toàn thực phẩm. Mặt hàng nào cũng phải đáp ứng khoảng 200 tiêu chí mới được nhập khẩu và sản phẩm cá tra cũng không ngoại lệ.
Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, cá tra Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật không khó. Doanh nghiệp chỉ cần nắm bắt đúng thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản và ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản vào quy trình kiểm soát vi sinh trên sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), gần đây, một số siêu thị lớn của Nhật Bản và một số cửa hàng nằm trong nhóm gồm 1.700 cửa hàng của hệ thống AEON có trưng bày và bán sản phẩm cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là, để cá tra Việt Nam có thể tiếp cận thị hiếu tiêu dùng của người Nhật không đơn giản là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn phải có chiến lược thuyết phục người Nhật thay đổi khẩu vị từ việc chỉ ăn cá biển sang thưởng thức một loại cá nước ngọt, da trơn, được tẩm ướp như cá tra Việt Nam.
Giải pháp nào?
Ngành cá tra Việt Nam cũng như các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hiện đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có giải pháp hỗ trợ.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá tra sang Mỹ, bày tỏ lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ thực thi Chương trình giám sát cá da trơn. Vì điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện vẫn chưa có đủ khả năng để thực thi theo chính sách này. Một số cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức được chỉ định vẫn đang còn trong quá trình xây dựng. Nếu thực thi giám sát, nhiều khả năng sẽ xuất hiện tình trạng ùn ứ ngay lập tức.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP (VFFC) Dương Ngọc Minh chia sẻ, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các quy chuẩn chất lượng và hàng rào thương mại khi vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cũng cần linh động thay đổi chiến lược xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu như tăng sản phẩm cao cấp, chất lượng cao bởi yếu tố giá thấp không ảnh hưởng và không phải là lựa chọn của người tiêu dùng khu vực này.
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra và triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra tại Tiền Giang mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, dù có tín hiệu tích cực, nhưng ngành cá tra vẫn chưa phát triển bền vững. Để đáp ứng được các yêu cầu mới, rất nhiều khâu cần phải được tổ chức lại, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi, quy trình chế biến, giới hạn mạ băng, độ ẩm… đến điều kiện, tiêu chí được xuất khẩu.
Điều đặc biệt của Nghị định 55 là không cần thông tư hướng dẫn mà có thể thực hiện ngay vì Bộ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - cá tra phi lê đông lạnh. Quy chuẩn này sẽ tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất để người nuôi, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu làm căn cứ thực hiện, triệt tiêu doanh nghiệp làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của cá tra Việt Nam.
Ông Dương Ngọc Minh nhận định, Nghị định 55 có sự thống nhất cao của phần lớn các doanh nghiệp. Việc ra đời của Nghị định 55 cùng lúc với quyết định của Chính phủ về việc đưa ngành hàng cá tra vào sản phẩm quốc gia là rất đúng với tâm tư, nguyện vọng của người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam. Vì thế, Nghị định 55/2017/NĐ-CP tạo cơ chế thông thoáng hơn cho cá tra; trong đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản đối với cá tra; tạo hành lang pháp lý tốt nhất để người nuôi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu làm căn cứ thực hiện; đồng thời triệt tiêu doanh nghiệp làm ăn gian dối, gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của con cá tra Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai đồng bộ một số giải pháp liên quan đến Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tích cực hợp tác kỹ thuật với Bộ Nông nghiệp Mỹ nhằm đảm bảo những yêu cầu về đánh giá tương đương. Việt Nam cũng sẽ tăng cường vận động hành lang với giới chức và đối tác Mỹ, để họ thấy rằng, chương trình giám sát cá da trơn là vô lý và tốn kém, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Quan trọng hơn là không để họ “nhân bản” mô hình kiểm soát này sang tôm và những nông sản khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong trường hợp vấn đề trên ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang khẩn trương xúc tiến Đề án khung sản phẩm quốc gia cá da trơn để thực hiện Nghị định 55, tập trung vào hai dòng sản phẩm có giá trị đạt 2.000 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững, ngoài việc phải linh hoạt phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao ở từng thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông về hình ảnh đẹp của cá tra Việt Nam ra thị trường thế giới, giúp cá tra đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn; đồng thời, kết hợp với nhiều giải pháp khác để giữ uy tín cho con cá tra Việt Nam.
Từ 01/7, xuất khẩu sản phẩm cá tra không cần Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận là quy định mới nổi bật tại Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (SPCT) do Chính phủ ban hành ngày 09/5/2017. Cụ thể: Thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra không phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu SPCT với Hiệp hội Cá tra Việt Nam như quy định hiện hành, điều kiện xuất khẩu mới bao gồm: - Phải được chế biến từ cơ sở chế biến cá tra đáp ứng được yêu cầu quy định tại Điều 5 Nghị định này; nếu không, phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau: + Có hợp đồng mua sản phẩm cá tra được chế biến tại cơ sở chế biến cá tra đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định này; + Có hợp đồng gia công, chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định này; - Phải đáp ứng các quy định về điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm tại Điều 6 Nghị định này và quy định của quốc gia nhập khẩu. Trường hợp quốc gia nhập khẩu có quy định khác với pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của họ. Nghị định 55/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2017 và thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP. |