Chia sẻ với:
Cơ hội nâng cao chất lượng
Từ ngày 1/9/2017, Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill), theo đó, Cục Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) sẽ kiểm tra lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm cá tra nhập khẩu. Ngành sản xuất cá tra nước ta đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó để không gián đoạn việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường lớn này và cũng là cơ hội nâng cao chất lượng toàn ngành.
CASEAMEX chế biến fillet cá tra đang coi trọng thị trường Trung Quốc Ảnh: Sáu Nghệ
Khó khăn phải vượt
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không yêu cầu cơ sở nuôi cá tra Việt Nam phải thực hiện quy trình nuôi giống với Mỹ mà phải tuân thủ quy định của Việt Nam. Sản phẩm cá tra xuất sang Mỹ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của Mỹ; do đó, USDA sẽ kiểm soát chất lượng và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm ở sản phẩm cuối cùng khi nhập vào Mỹ.
USDA khuyến cáo, khi nuôi không sử dụng thuốc thú y để phòng bệnh cho cá, còn trị bệnh cho cá chỉ dùng thuốc thú y được phép và đúng quy trình, đúng liều, ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo hướng dẫn. Sử dụng vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường phải ghi chép đầy đủ.
Ao nuôi cá phải nằm ở những khu vực có nguy cơ ô nhiễm thấp nhất bởi vi sinh vật, hóa chất (thuốc trừ sâu, diệt cỏ…) hoặc các nguy cơ về thể chất và nơi có thể kiểm soát các nguồn ô nhiễm. Nước vào ao nuôi và xả ra theo đường riêng, không được trộn lẫn. Nguồn nước nuôi cá cần giám sát để đảm bảo an toàn. Ngay cả đất làm bờ ao và mương nước cũng không được chứa nồng độ hóa chất và các chất khác ở mức có thể dẫn tới xuất hiện các mức ô nhiễm ở cá không chấp nhận được.
Phương tiện chở cá từ ao nuôi về nhà máy chế biến phải có thùng chứa cá, duy trì ở điều kiện vệ sinh tốt. Quá trình vận chuyển, nước và ôxy được cung cấp đủ để đảm bảo không ảnh hưởng đến cá. Những con cá chết, yếu, bị bệnh hoặc ô nhiễm hóa chất có thể ảnh hưởng đến sản phẩm dùng làm thực phẩm phải được loại bỏ. Các nhà máy chế biến sản phẩm cá tra phải tuân thủ nhiều quy định về giết mổ cá nhân đạo, bao bì nhãn hiệu.
Chủ động ứng phó
Từ tháng 4 - 6/2017, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện quan trắc nhiều chỉ tiêu kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật tại 23 điểm đầu nguồn hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu. Kết quả quan trắc, các yếu tố môi trường cơ bản đều trong khoảng cho phép. Riêng thông số chỉ thị ô nhiễm dinh dưỡng một vài chất và mật độ vi khuẩn Aeromonas tổng số có thời điểm cao vào tháng 4 nhưng đã giảm vào cuối tháng 5.
Chương trình giám sát môi trường và dịch bệnh tại vùng nuôi và cơ sở nuôi cá tra vẫn tiếp tục. Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung, bố trí kinh phí cho công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra, kiểm soát vật tư đầu vào. Từ đó, xây dựng hệ thống dữ liệu giám sát, truy xuất nguồn gốc đối với ngành cá tra tại mỗi địa phương và toàn vùng.
Bộ NN&PTNT duy trì hoạt động của Nhóm công tác chung Việt Nam - Mỹ về chương trình thanh tra cá da trơn. Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017) “Về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra”, thay thế Nghị định 36/2014. Theo đó, ngành hàng cá tra được quản lý theo chuỗi và sẽ hậu kiểm đối với nuôi, chế biến, xuất khẩu. Các khâu trong chuỗi sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định nếu không chứng minh đủ điều kiện khi kiểm tra hậu kiểm. Nghị định 55 yêu cầu nhà máy chế biến cá tra phải mua nguyên liệu từ cơ sở nuôi cá tra đúng chuẩn, có hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tất cả nhằm thiết lập tiêu chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm cá tra xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp chế biến cá tra hưởng ứng chủ trương khuyến khích xây dựng đầu mối tiêu thụ cá tra tại các nước nhập khẩu, hợp tác với các tập đoàn bán lẻ, các siêu thị. Qua đó, tiếp cận đầy đủ thông tin về nhu cầu của thị trường để chủ động sản xuất.