Chia sẻ với:
Đối thoại ba Bộ và VASEP: gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản
Đây là buổi đối thoại lần thứ hai giữa các Bộ ngành với Hiệp hội DN Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19 (NQ 19) của Chính phủ. Buổi đối thoại này đã chọn thủy sản vì tăng trưởng GDP quý I của ngành tăng thấp nhất trong nhiều năm.
Đầu tiên, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị 3 vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP.
3 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Y tế:
(1) VASEP kiến nghị bỏ toàn bộ quy định của NĐ 38 về công bố phù hợp quy định ATTP với lý do Điều 12 của Luật ATTP không quy định và một số nội dung của NQ 19, thông lệ quốc tế gây khó khăn cho DN. Kiến nghị này đã chuyển tới Bộ Y tế;
(2) Kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính tiếp nhận bản công bố hợp quy quy định như hiện nay vì cho rằng như giấy phép con chưa đúng với tinh thần của Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa, Luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, Luật ATTP và NQ19;
(3) Kiến nghị phân công trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương trong việc tiếp nhận bản công bố hợp quy đối với lĩnh vực được phân công phụ trách với lý do đảm bảo nguyên tắc một cửa, 1 sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất kinh doanh chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước trong Thông tư 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ngoài ra VASEP cũng kiến nghị về việc sửa đổi thời gian cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP, việc tiếp nhận hồ sơ, thời gian trả kết quả gia hạn hồ sơ công bố....
Về kiến nghị thứ nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, nếu căn cứ vào Luật ATTP thì đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP theo NĐ 38 của VASEP là hợp lý bởi Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của VASEP bỏ công bố sự phù hợp với ATTP bằng cách sửa một số thông tư của Bộ chuyển các mức giới hạn sang quy chuẩn đúng theo Luật ATTP.
Theo chỉ đạo, đáng lẽ Bộ Y tế đã hoàn thiện việc sửa đổi nội dung của NĐ 38 trong tháng 3/2017. Tuy nhiên, theo ông Cường, do một số nội dung Hiệp hội, DN đề xuất thêm cộng với 3 nội dung kiến nghị mới trong cuộc đối thoại này về: hướng dẫn chi tiết chức năng nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố; hướng dẫn nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của ba Bộ: Y tế, Công thương, NN và PTNT và bỏ tên gọi công bố phù hợp thành quy chuẩn. Bộ đã xin ý kiến của Thủ tướng xin lùi thời hạn này tới cuối tháng 6/2017.
Tại buổi đối thoại, đại diện VASEP cũng cụ thể trường hợp DN làm hồ sơ để được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP. Nhiều trường hợp sau khi đã chờ đến 15 ngày để nhận hồ sơ, DN lại mới nhận được thông báo là hồ sơ không đạt, yêu cầu DN lên Chi cục nhận lại hồ sơ và văn bản Thông báo không đạt để về sửa lại hồ sơ. DN này lại tiếp tục nộp hồ sơ và được tính lại từ đầu là 15 ngày làm việc.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng tóm tắt các kiến nghị của VASEP
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) khẳng định, không có chuyện đến 15 ngày thậm chí ngày thứ 5, thứ 7 Cơ quan tiếp nhận mới trả lời DN là hồ sơ không đủ. Hiện nay, Bộ Y tế đã nhận và cấp hồ sơ trên mạng kết nối một cửa quốc gia nên thời gian thông quan đã giảm từ 15-21 ngày và giờ tối đa là 9 ngày. Do đó, ngay khi nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận đã trả lời hồ sơ đạt hay chưa và sẽ trả lời kết quả trong vòng bao nhiêu ngày, thậm chí DN còn có mã số để theo dõi rất rõ, rất kỹ đường di chuyển của hồ sơ. Đối với thực phẩm là hàng hóa nhóm 2 có chỉ tiêu mức giới hạn bắt buộc như: kim loại nặng, chỉ số ô nhiễm… nên Cơ quan không thể nhìn cảm quan để trả lời đạt hay không đạt. Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan kiểm tra cần phải thẩm định trong 15 ngày làm việc. Do đó, để tránh hồ sơ bị trả về do không đủ, DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng các giấy tờ theo quy định.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu các mẫu biểu để DN nắm rõ.
Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, VASEP có 7 kiến nghị:
(1) Điều chỉnh quy định nếu tại địa phương không có cơ sở thu gom, tái chế, xử lý rác thải công nghiệp cung cấp được hồ sơ chứng minh hoạt động tái chế, xử lý rác thải của họ thì không phải là cơ sở để xử phạt DN.
(2) Cho phép các nhà máy trong KCN khi đấu nối vào hệ thống nước thải tập trung của KCN thì được áp dụng theo QCVN 11:2015/BTNMT.
(3) Bỏ không kiểm tra các chỉ tiêu trong bùn thải do tốn chi phí và không cần thiết.
(4) Nâng giới hạn tối đa của chỉ tiêu Phospho và Nitơ tại QCVN 11:2015 và có lộ trình cho phép để DN thủy sản có thể hạ dần dư lượng Phospho và Nitơ trong nước thải sau xử lý của DN xuống đạt giới hạn tối đa cho phép.
(5) Nếu nhà máy chưa có Báo cáo ĐTM thì phải làm Phương án Bảo vệ Môi trường, còn các Nhà máy đã có ĐTM thì không cần phải làm Phương án bảo vệ môi trường. Không áp dụng đồng loạt gây tốn kém nguồn lực và chi phí cho xã hội.
(6) Làm rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường trong việc quản lý, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ các vấn đề về môi trường đối với các DN.
(7) Giá trị pháp lý các số liệu quan trắc online.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, về quản lý chất thải rắn nguy hại (không phải là đối với chất thải rắn thông thường) theo quy định là phải có đơn vị đủ điều kiện xử lý thì mới được phép tiếp nhận. Vừa qua có DN đã hợp đồng để cơ sở thu gom rác thải đem đi đổ bừa bãi,. Những DN ở vùng xa xôi, hẻo lánh thì cơ sở thu gom chất thải nguy hại phải được ủy thác từ DN có đủ điều kiện xử lý.
Về phương án bảo vệ môi trường, Điều 68 của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đã quy định, các doanh nghiệp cần lập phương án BVMT. ĐTM là bắt buộc nhưng ĐTM cũng chỉ là cái phân tích dự báo trong quá trình triển khai dự án; xây dựng như thế nào, vận hành như thế nào và kết thúc như thế nào. Không ĐTM là vi phạm pháp luật. Phương án BVMT là phương án chủ doanh nghiệp, chủ sản xuất kinh doanh lập ra lộ trình BVMT như thế nào và phương án này chỉ do chủ cơ sở sản xuất kinh doanh ký ban hành để cho cấp dưới cùng thực hiện và cơ quan quản lý biết để quản lý.
Luật BVMT phân cấp rất rõ ràng, cấp Sở như thế nào, cấp tỉnh như thế nào, cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh như thế nào trong vấn đề BVMT. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị: Nơi nào diễn ra vấn đề môi trường nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh đó phải có trách nhiệm thực hiện đúng Luật BVMT, đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tất cả các đánh giá BVMT mà Bộ phê duyệt đều có giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT các địa phương quản lý các hoạt động của doanh nghiệp. Tất cả các hệ thống quan trắc tự động hiện nay đều phải nối mạng về Sở TN&MT địa phương quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương có trách nhiệm thanh tra chuyên ngành tất cả các hoạt động của doanh nghiệp bất kỳ lúc nào.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trả lời kiến nghị của VASEP
Về nội dung quan trắc môi trường tự động có giá trị pháp lý hay không? Điều 39 Nghị định 38 yêu cầu: quản lý chất thải thì tất cả các cơ sở sản xuất 1.000 m3 chất thải một ngày đêm đều phải phải quan trắc tự động. Đây là 1 căn cứ pháp lý và căn cứ vào Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Thông tư 23 ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện quy định này. Theo đó, yêu cầu thiết bị phải được kiểm định tiêu chuẩn và chạy thử theo quy định của pháp luật. Vì vậy, độ sai sót cho phép căn cứ vào quy định pháp lý. Theo Quyết định 65 thì thiết bị này là phương tiện phát hiện vi phạm hành chính, là căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính. Nếu vi phạm lần đầu thì nhắc nhở nhưng lần 2 kiểm tra với phân tích thực tế thì xử phạt theo quy định. Ngoài các chỉ tiêu quan trắc tự động thì có các chỉ tiêu quan trắc thường kỳ để kiểm tra thường xuyên.
Về kiến nghị bùn thải của nhà máy thuỷ sản là chất thải không nguy hại, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bỏ kiểm tra bùn thải để tránh những chi phí không cần thiết từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, không thể khẳng định chắc chắn rằng các bùn thải thuỷ sản không có những chất nguy hại. Doanh nghiệp chỉ cần kiểm tra một lần trong suốt quá trình sản xuất và đến khi nào doanh nghiệp thay đổi công nghệ thì mới phải làm lại. Chi phí trên chỉ mất một lần. Tới đây, Bộ đã có kế hoạch ban hành thông tư hướng dẫn xử lý chất thải nguy hại và không nguy hại, theo kế hoạch thì khoảng tháng 8 sẽ ban hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu kiến nghị của VASEP về việc sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Về 8 kiến nghị về phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp:
(1) Phí thẩm định;
(2) Mức phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm XK theo yêu cầu của nước NK cao.
(3) Phí thẩm định xác nhận kiến thức ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong khi bản chất của 2 cấp là như nhau.
(4) Mức phí thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP quá cao do việc kiểm tra thẩm định hồ sơ, công tác hành chính tốn nhiều nhân lực, chi phí;
(5) Phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản;
(6) Phí kiểm tra, giám sát hàng động vật, sản phẩm động vật đã tăng lên 2 lần so với quy định trước đây, phí kiểm dịch lô hàng trước đây không thu;
(7) Những bất cập vướng mắc tại điểm H, khoản 2, Điều 41 của Nghị định 83 hướng dẫn quản lý thuế khi kiểm tra trước hoàn thuế sau đối với hàng hóa kiểm tra ATTP;
(8) Bất cập trong việc thực hiện văn bản số 13 của cục HQ về việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, sau khi nhận được công văn kiến nghị của VASEP gửi Bộ Tài chính, một số nội dung vướng mắc đã được giải quyết. Bộ Tài chính cũng đã trực tiếp làm việc để cùng tháo gỡ cho DN thủy sản các vấn đề hải quan về việc kiểm tra trước hoàn thuế sau. Chỉ còn một số vấn đề liên quan đến các mức phí được quy định tại một số thông tư như: Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm XK theo yêu cầu của nước NK, phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, phí kiểm dịch lô hàng NK… đang trong quá trình xem xét và xử lý. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát các DN thủy sản ĐBSCL về mức phí cao có trong kiến nghị.
Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị Bộ Y tế làm rõ nội dung tại 1216/BYT-PC ngày 14/3/2017 của Bộ về việc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối tăng cường i-ốt.
Đồng thời theo phản ánh của một số DN là phí công chứng quá cao, một DN làm hợp đồng thế chấp cần phải có công chứng thì bị tính phí là 40 triệu đồng, làm cho chi phí DN tăng cao. Trong khi đó, trước đây phí công chứng tối đa chỉ là 10 triệu đồng cho mỗi hợp đồng công chứng. Đại diện Bộ Tư Pháp cho biết, trước đây khống chế tối đa hợp đồng giao dịch phí công chứng 10 triệu đồng, nhưng theo Thông tư 258 của Bộ Tài chính thì mức tối đa là 70 triệu đồng, mức cụ thể theo giá trị khoản vốn vay, vay càng nhiều phí càng lớn. Công chứng không chỉ ký và đóng dấu mà còn phải kiểm tra rà soát xem tài sản đã cầm cố thế chấp ở đâu chưa, chủ sở hữu là ai. Ngoài ra, công chứng giao dịch liên quan tới cầm cố thế chấp nghĩ cho cùng là phục vụ kinh doanh của ngân hàng, bảo đảm kinh doanh của ngân hàng nên đề nghị DN có ý kiến để phía ngân hàng chia sẻ một phần chi phí công chứng.