Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao quy mô nhỏ

Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao quy mô nhỏ

Home Tin Tức Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao quy mô nhỏ
Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao quy mô nhỏ
07/08/2017
31 Lượt xem

Chia sẻ với:

Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao quy mô nhỏ

Gần đây, ngoài các tập đoàn, công ty nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, một số hộ nuôi tôm cũng ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô nhỏ. Các mô hình này đạt hiệu quả cao và được ngành chức năng khuyến cáo nhân rộng.

Điển hình như hộ anh Võ Thanh Phong (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) có 12ha nuôi tôm. Anh bố trí làm 4 ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và 3 ao tôm nuôi vèo. Diện tích mỗi ao nuôi tôm thẻ là 1.600m2, số lượng giống thả nuôi hơn 1,1 triệu con. Anh Phong ương tôm giống trong ao vèo là 30 ngày và thả nuôi trong ao chính hơn 2 tháng. Sau khi thu hoạch, tổng thu hơn 4,6 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi hơn 2,3 tỷ đồng.

Anh Phong cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao rất hiệu quả. Để cải tạo ao đầm và mua sắm máy móc áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao cần số vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao khá nghiêm ngặt. Phải kỹ lưỡng từ khâu chọn con giống, nuôi vèo, thả tôm nuôi ở ao chính đến kỹ thuật chăm sóc tôm. Tôi áp dụng mô hình này 2 năm nay và cho hiệu quả kinh tế rất cao”. Anh Phong đã có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm theo mô hình trên, cũng như sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi với bà con có nhu cầu.

Ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải), anh Hùng Linh cũng áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích nuôi thẻ siêu thâm canh của anh Linh là 7.000m2, trong đó ao ương tôm 120m2, ao nuôi 1.100m2; còn lại là ao lắng, ao xử lý… Sau 78 ngày nuôi, anh Linh thu tỉa 1,6 tấn tôm, lãi 260 triệu đồng. Số tôm còn lại trong ao nuôi là 84 ngày tuổi, cỡ tôm khoảng 32 con/kg. Anh Linh bày tỏ: “Khoảng 1 tuần nữa là tôi thu hoạch. Ước tính sản lượng hơn 6 tấn, trọng lượng tôm từ 20 - 25 con/kg. Với giá tôm hiện nay, tôi có thể lãi 600 - 700 triệu đồng”.

Cả hai mô hình trên đều nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với quy mô nhỏ; sử dụng tôm giống, thức ăn của Công ty CP và được cán bộ kỹ thuật công ty này hướng dẫn.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, các đoàn thể, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham quan các mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ở huyện Hòa Bình, Đông Hải. Trong đó có mô hình nuôi tôm của anh Võ Thanh Phong và anh Hùng Linh.

Ông Dương Thành Trung đánh giá cao về hiệu quả hai mô hình trên, yêu cầu ngành chức năng nhân rộng mô hình. Đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bạc Liêu và các ngân hàng thương mại xem xét cho các hộ nuôi tôm vay vốn để đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh đang xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Do vậy, rất cần những mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiệu quả để nhân rộng nhằm từng bước xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu nói riêng và tôm Việt Nam nói chung. Thiết nghĩ, Sở NN&PTNT cần phối hợp với các huyện, thị, thành phố triển khai trình diễn thí điểm một số mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao để người dân trong vùng học tập kinh nghiệm. Qua đó tạo thuận lợi trong việc nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả trong thời gian tới.

Tìm kiếm