Chia sẻ với:
Bình Định: Kết thúc vụ nuôi tôm 2017: Người nuôi tôm thắng lớn
Ðến thời điểm này, người nuôi tôm trong tỉnh Bình Định đã cơ bản thu hoạch xong diện tích nuôi tôm 2 vụ của năm 2017. Nhờ thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, cùng với kiểm dịch nguồn tôm giống chặt chẽ, quản lý tốt môi trường ao nuôi, dịch bệnh… nên năng suất, sản lượng tôm đạt khá, đem lại thu nhập đáng kể cho người nuôi tôm.
Nắng suất tôm thẻ chân trắng đạt gần 13 tấn/ha
Năm nay, toàn tỉnh có 2.181 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm tại các địa phương ven biển như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tôm thẻ chân trắng 733 ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến (nuôi xen tôm sú với cua, cá…). Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được 1.439 ha, sản lượng tôm đạt 4.700 tấn, tăng hơn 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng tôm thẻ đạt 4.422 tấn, tôm sú đạt 278 tấn. Ông Man Thống Nhất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nói: “Đáng ghi nhận là năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng ở các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh trong năm nay đạt đến 12,6 tấn/ha; cao hơn vụ nuôi tôm năm 2016 đến 4,2 tấn/ha.
Hiện nay, mặc dù còn khoảng 600 ha chưa thu hoạch xong, nhưng có thể khẳng định vụ nuôi năm nay người nuôi tôm trúng lớn”.
Tại các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, hầu hết người nuôi tôm đều được mùa lớn. Ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Hiện bà con đã thu hoạch trên 90% diện tích nuôi tôm 2 vụ, với năng suất tôm thẻ chân trắng đạt bình quân gần 4,2 tấn/ha, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây ở Tuy Phước. Không những được mùa, giá tôm năm nay cũng ổn định ở mức cao, bình quân cả vụ dao động từ 95.000 - 110 ngàn đồng/kg (loại từ 80 - 100 con/kg); tôm sú từ 240 - 260 ngàn đồng/kg (25- 30 con/kg).
Ông Phan Văn Chạy, ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước), chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 2 ao với diện tích gần 1 ha. Đến nay, tôi đã thu hoạch xong, năng suất tôm đạt 4,5 tấn/ha, bán được gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi 300 triệu đồng. Đây là vụ tôm trúng lớn nhất trong 10 năm trở lại đây của gia đình tôi. Nhờ lợi nhuận khá lớn từ vụ này, gia đình tôi có điều kiện trang trải nợ nần của các vụ nuôi tôm trước và đầu tư cho các niên vụ tiếp theo.
Nói về thắng lợi của vụ tôm năm nay, theo người nuôi tôm là nhờ môi trường ao nuôi được cải thiện đáng kể; người nuôi tôm tuân thủ đúng các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo. Con giống trước khi thả nuôi được lựa chọn đảm bảo chất lượng, được kiểm dịch chặt chẽ. Ngoài ra, công tác khuyến ngư cũng được tăng cường, góp phần làm giảm đáng kể dịch bệnh tôm.
Ngành chức năng cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người nuôi tôm xây dựng quy chế nuôi tôm cộng đồng cụ thể và bắt buộc các hộ phải thực hiện nghiêm túc. Các hộ nuôi tôm trong các chi hội nuôi tôm cộng đồng phải thực hiện đúng lịch thời vụ; ngay từ đầu vụ nuôi, ao đìa phải được cải tạo, diệt khuẩn kỹ lưỡng; con giống được kiểm dịch chặt chẽ; khi dịch bệnh tôm xảy ra, ngành chức năng và người nuôi tôm bao vây, khống chế kịp thời…
Chuẩn bị chu đáo cho vụ tiếp theo
Theo ông Man Thống Nhất, hiện nay, tỉnh ta đã bắt đầu vào mùa mưa lũ, để tránh thiệt hại, Chi cục Thủy sản tỉnh đã khuyến cáo bà con thu hoạch dứt điểm những diện tích tôm nuôi còn lại; trong đó, tập trung chú ý đối với các vùng ven đê Đông. Đối với những vùng nuôi tôm trên cát, người nuôi tôm cần tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở trong suốt mùa mưa lũ. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch tôm kịp thời trước khi lũ lụt xảy ra.
Cũng theo ông Nhất, với những bài học kinh nghiệm quý được rút ra trong vụ nuôi tôm thành công năm nay, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục khuyến cáo người nuôi tôm có sự chuẩn bị chu đáo cho các vụ nuôi tiếp theo. Trong đó, cần thực hiện các giải pháp nuôi tôm đồng bộ, thực hiện đúng lịch thời vụ quy định trong vụ nuôi tôm 2017 - 2018. Xây dựng, duy trì các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi nhằm tăng cường sự hỗ trợ trong sản xuất; có biện pháp bao vây, xử lý dịch bệnh kịp thời.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng đã chủ động điều chỉnh lịch thời vụ thả tôm nhằm tránh thời tiết bất lợi; khuyến khích nuôi 1 vụ tôm ăn chắc, nuôi 2 vụ chỉ áp dụng đối với các vùng nuôi tôm trên cát và những nơi chủ động nguồn nước cấp - xả. Chi cục Thủy sản tăng cường kiểm tra chất lượng sản xuất tôm giống của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ người nuôi tôm kiểm dịch nguồn tôm giống một cách chặt chẽ, hiệu quả.