Chia sẻ với:
Cá tra Việt Nam: Gồng mình vượt thách thức
- Vốn là sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam, nhưng con cá tra những năm gần đây đã liên tục chịu nhiều áp lực từ việc sản xuất đến xuất khẩu. Nhất là ngay đầu tháng 9, những lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị cơ quan chức năng nước này kiểm tra nghiêm ngặt. Đòi hỏi ngành cá tra Việt Nam cần có những chuẩn bị và giải pháp tháo gỡ.
Chế biến cá tra xuất khẩu Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Cân đối cung cầu
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, diện tích cá tra 7 tháng đầu năm của các tỉnh ĐBSCL ước 3.921,6 ha, giảm 5,4% so cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thu hoạch ước 729,7 nghìn tấn, tăng 1,2% cùng kỳ. Vào thời điểm thu hoạch rộ, giá cá tra giảm mạnh theo xu hướng giảm giá của một số loài thủy sản khác. So với tháng trước, giá cá tra nguyên liệu đã giảm khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Dự báo, trong quý III/2017, giá cá tra ổn định và tiếp tục dao động ở mức 22.000 - 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra tại ĐBSCL có lãi, tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu sang các thị trường lớn đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, giá cá tra không tăng, cả người nuôi và doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường để cân đối diện tích và sản lượng nuôi cho phù hợp.
Vượt rào cản
Từ ngày 1/9/2017, sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Mỹ sẽ được kiểm soát chặt chẽ tất cả từ các khâu từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, chế biến và xuất khẩu. Trước tình hình này, ngày 15/8, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 3379/QĐ-BNN-QLCL về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, việc kiểm tra lần này của Mỹ có một số điểm khác biệt; trước đây các doanh nghiệp có thể lưu hàng tại kho của mình hoặc tự thuê kho, sau đó báo cho cơ quan Nhà nước đến kiểm tra. Nay thì tất cả các lô hàng phải đưa vào các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ định và các doanh nghiệp phải thuê các cơ sở đó trong quá trình bảo quản và chờ kiểm tra. Như vậy, sẽ có rủi ro khi một số doanh nghiệp không thuê được kho gần các cơ sở kiểm tra, sẽ phát sinh chi phí vận chuyển. Từ đó, phát sinh thêm thời gian, chi phí cho việc thông quan một lô hàng. Mới đây, tại Cần Thơ, NAFIQAD đã tổ chức hội thảo để trao đổi thông tin về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho các doanh nghiệp và địa phương.
Một thực tế là, không phải đến bây giờ cá tra Việt Nam mới gặp nhiều trở ngại như vậy. Chia sẻ về điều này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, ngành cá tra đã phát triển quá nhanh nên tạo ra yếu tố cạnh tranh khốc liệt, cùng đó, một số nhóm lợi ích khác nhau đã đưa những thông tin không chính xác về sản xuất cá tra của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam chưa có điều kiện để đưa thông tin đầy đủ về những công đoạn sản xuất cũng như chế biến xuất khẩu đến những thị trường trên thế giới. Bởi, thực tế, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam và đều áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế với sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường.
Nâng cao chất lượng
Mặc dù, thị trường Mỹ đã dựng nên nhiều rào cản với sản phẩm cá tra của Việt Nam, nhưng đây vẫn là thị trường chủ lực. Chính vì thế, theo định hướng của Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại các thị trường Mỹ, EU. Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với đạo luật Farm Bill của Mỹ.
Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cho biết, do gặp khó tại thị trường Mỹ nên đã và đang tìm đường sang Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc dần vượt lên dẫn đầu thị trường sử dụng nhiều cá tra Việt Nam nhất với hơn 133 triệu USD, tăng gần 41% so cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm cá tra sang đây cũng cần hết sức thận trọng, bởi Trung Quốc không còn “dễ tính” như trước đây; theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt chất lượng để khai thác bền vững thị trường rộng lớn này.
Yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu khi đưa sản phẩm thủy sản nói chung cá tra nói riêng vào các thị trường trên thế giới cần luôn được coi trọng. Đây cũng là quan điểm của ông Trương Đình Hòe, khi cho rằng, cá tra Việt Nam cần phải ổn định chất lượng, minh chứng được nguồn gốc, quản lý chặt chẽ, đồng bộ từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, tạo dòng sản phẩm có phân khúc cao hơn, đánh bật quan điểm cho rằng cá tra là sản phẩm giá rẻ. Hiện, VASEP đang xây dựng chương trình cá tra fillet chất lượng cao huy động sự tham gia của các doanh nghiệp lớn để tạo sự bền vững ổn định cho cá tra trong tương lai.
Nhiều chuyên gia nhận định, không “bỏ trứng vào một giỏ”, không tập trung hay lệ thuộc vào một thị trường; nhưng khi mở rộng thị trường nếu chất lượng sản phẩm cá tra không đảm bảo, thương hiệu cá tra không gắn với hình ảnh sạch, an toàn thì hướng đi cho cá tra Việt Nam vẫn chưa tìm thấy được ánh sáng cuối đường hầm.