Chia sẻ với:
Hiểu đúng thị trường để khai thác hiệu quả
Đối với Việt Nam (VN), Trung Quốc (TQ) là một thị trường lớn với nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng như: gạo, thủy sản, hoa quả nhiệt đới, cao su, giầy dép các loại… Đối với các doanh nghiệp (DN) An Giang, nếu biết khắc phục những điểm yếu, xây dựng thương hiệu hàng hóa, tận dụng lợi thế về nhu cầu lớn thì hoàn toàn có thể khai thác hiệu quả thị trường này.
Mỗi tỉnh là một thị trường riêng
Từ năm 2004 đến nay, TQ được coi là đối tác thương mại số 1 của VN. Trong khối ASEAN, VN cũng là đối tác lớn nhất của TQ. Theo Hải quan TQ, năm 2016, VN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 (kim ngạch 61,05 tỷ USD) và nhập khẩu lớn thứ 10 của TQ (kim ngạch 37,1 tỷ USD, tăng trưởng 24,5%). Năm 2017, lãnh đạo cấp cao của 2 nước đã đề ra mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD. TQ là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao (8.865 USD/người), văn hóa tiêu dùng và nhu cầu đối với các sản phẩm nông-thủy sản rất đa dạng. 32 tỉnh, thành phố của TQ đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Như vậy, mỗi địa phương với dân số lớn đều có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ, hoàn toàn có thể phát huy.
Thời gian qua, hàng hóa VN khi xuất khẩu sang TQ được hưởng ưu đãi về thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định khu vực mậu dịch tự do TQ - ASEAN (CAFTA). Ông Đào Việt Anh, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Xúc tiến thương mại VN tại TP. Trùng Khánh (TQ) cho biết, năm 2011, TQ cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế quan. Hiện nay, thuế suất trung bình của biểu thuế TQ dành cho ASEAN giai đoạn 2015-2017 là 0,73%/năm và năm 2018 là 0,56%/năm. Bên cạnh đó, hình thức thương mại điện tử ở TQ ngày càng phát triển và đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích nhập khẩu với các nước, trong đó có VN.
Cần tận dụng thế mạnh
An Giang được biết đến với thế mạnh là lúa và cá. 9 tháng của năm 2017, gạo xuất khẩu trực tiếp trên 55 quốc gia, mặt hàng thủy sản 76 quốc gia và rau, quả là 23 quốc gia. Trong đó, thị trường TQ tiếp tục là thị trường có nhiều tiềm năng đối với mặt hàng nông sản của tỉnh và luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu. Theo Sở Công thương, năm 2016, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 2.500ha, sản lượng 370.000 tấn. Trong đó, sản lượng cá tra đạt trên 267.000 tấn. Với lúa là cây trồng chủ lực, An Giang có sản lượng hàng năm đạt khoảng 4 triệu tấn. Ngoài ra, những năm gần đây, diện tích trồng xoài của An Giang tăng đáng kể, đạt trên 5.300ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Mới. Là người sống và làm việc nhiều năm tại TQ, ông Đào Việt Anh nhận định: “TQ là quốc gia rộng lớn, với nhiều dân tộc nên khẩu vị vùng, miền, văn hóa tiêu dùng rất khác biệt và đặc trưng. An Giang cũng là một tỉnh đa dạng về sản phẩm, phù hợp với nhu cầu rất lớn của TQ hiện nay là: gạo, thủy sản, rau quả nhiệt đới. Nếu phát huy tốt, các DN ở An Giang hoàn toàn tận dụng được thị trường TQ để xuất khẩu các sản phẩm này”.
Mặc dù TQ là thị trường rất tiềm năng nhưng nhiều DN VN muốn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này lại gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu giao dịch qua đường biên mậu và tiểu ngạch. Cụ thể, TQ vẫn duy trì mức thuế VAT rất cao từ 13-17%, làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường này. Hai năm gần đây, TQ đưa ra nhiều quy định mới về kiểm nghiệm, kiểm dịch. Tất cả các sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang TQ đều phải có chứng thư đi kèm. Để có thể phát triển hiệu quả tại thị trường TQ, các DN cần phải lưu ý trong giao dịch, kinh doanh. “Đầu tiên, xác minh năng lực DN với phía đối tác TQ, tìm hiểu thông tin tổng thể về thị trường TQ như: chính sách xuất-nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch. Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế” - ông Việt Anh lưu ý.