Chia sẻ với:
Hướng phát triển nào cho ngành nuôi thủy sản Thái Bình?
Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống sông, biển khép kín, rất thuận lợi để phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, NTTS tỉnh còn phát triển manh mún, thiếu vai trò chủ đạo của doanh nghiệp.
Sản xuất thủy sản của tỉnh 6 tháng đầu năm
Theo Chi cục NTTS Thái Bình, diện tích nuôi ngao đạt 3.293 ha, bằng diện tích năm 2014, trong đó diện tích ngao thương phẩm là 2.418 ha, diện tích ươm giống là 875 ha. Sản lượng ngao ước đạt 31.100 tấn, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Diện tích nuôi thủy sản nước lợ của tỉnh hiện là 3.465 ha,bằng với năm 2014, đạt sản lượng 2.112 tấn (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó: cá là 580 tấn; tôm 287 tấn (tôm sú 168 tấn; tôm chân trắng 59 tấn; tôm khác 60 tấn); các loại thủy sản khác đạt 1.245 tấn. Diện tích nuôi chủ yếu vẫn là tôm sú (2.934 ha), ngoài ra còn có các đối tượng khác như tôm chân trắng, cua, cá vược, cá song, cá rô phi…
Diện tích nuôi cá nước lợ là 531 ha, đối tượng nuôi chủ yếu là cá vược, ngoài ra còn có cá song, cá rô phi... Sản lượng thu hoạch ước đạt 550 tấn.
Diện tích nuôi nước ngọt đạt 8.288 ha (đạt bằng diện tích nuôi năm 2014) cho sản lượng 16.240 tấn, tăng 2,17% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, sản lượng cá thu hoạch là 15.961 tấn; tôm 96 tấn; thủy sản khác 183 tấn.
Đối với nuôi cá lồng trên sông: Đến nay số lồng nuôi trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 153 lồng/09 hộ với tổng thể tích là 15.084 m3, số lồng nuôi thực tế cho sản lượng là 133 lồng.
Chưa có định hướng rõ ràng
Nhiều người nuôi ngao tại Thái Bình chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, người nuôi gặp không ít khó khăn do giá ngao xuống thấp, chỉ bằng một nửa so với trước đây. Đã có thời điểm, giá ngao cỡ khoảng 25- 30.000/1 kg.
Hiện nay, giá ngao thương phẩm cỡ 60 – 70 con/kg tại bãi chỉ còn 11.000 – 11.500 đ/ kg; giá ngao trên 70 con/kg giá 8.000 – 9.000 đ/kg. Hiện tại, ở Thái Bình có rất ít DN chế biến và XK, nổi lên chỉ có Công ty TNHH Nghêu Thái Bình. Nếu tính cả DN thủy sản nuôi, chế biến, sản xuất giống thì chỉ có chưa đến 10 DN và một vài cơ sở thu mua, chế biến thủ công tại chỗ, sau đó bán sang các tỉnh, thành phố lân cận. Hiện tượng thương lái chèn ép người nuôi vẫn còn diễn ra khiếnnghề nuôi càng bị thu hẹp đầu ra.
Thủy sản Thái Bình chưa tìm được hướng XK cá rô phi. Nghề nuôi tôm chủ yếu gồm các hộ nuôi tôm còn nhỏ lẻ, tự phát sử dụng phần lớn các ao nuôi do chuyển đổi từ đất trồng lúa sang. Những loài cá nuôi lồng như cá lăng, cá diêu hồng, cá chép… cũng chưa rõ hướng phát triển. Nhìn chung người dân gặp khó khăn khi tiêu thụ nên không mạnh dạn mở rộng phát triển đầu tư cho NTTS.
Cần xây dựng lực lượng doanh nghiệp
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, hiện tại, khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản Thái Bình là thiếu lực lượng doanh nghiệp . Muốn ngành thủy sản Thái Bình phát triển vững mạnh thì điều đầu tiên là phải tạo cơ chế thu hút và thúc đẩy sự phát triển các DN. Có thể thu hút DN từ các nơi khác đầu tư vào Thái Bình hoặc xây dựng lên DN từ chính những người nông dân hiện đang nuôi thủy sản ở địa phương, bởi chính họ là người thấu hiểu nhất đặc điểm, lịch sử phát triển, những khó khăn, thuận lợi của nền nông nghiệp, thủy sản nơi họ sinh sống.
Nếu không có DN thì sẽ rất khó để thực hiện Tái cơ cấu ngành thủy sản, người nông dân mãi mãi sẽ chỉ là người làm thuê cho nước ngoài hoặc các tỉnh khác. Khi đã xây dựng, phát triển DN, cần phải liên kết sản xuất thủy sản theo chuỗi, có sự phân công hợp lý giữa các thành viên trong chuỗi. DN sẽ thiết lập mô hình, cung cấp con giống, thức ăn…,lo đầu ra cho nông dân.
Rõ ràng, cần phải chọn sự phát triển bền vững trong tiến trình phát triển ngành thủy sản nơi đây. Cần phải quy hoạch vùng nuôi. Những người nuôi thủy sản cần phải liên kết với nhau, cùng thống nhất với nhau về giá bán. Liên kết để cùng phát triển trong giai đoạn tới là tất yếu, nếu cứ hoạt động manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thị trường. Do đó, nông dân nuôi thủy sản trước tiên cần phải phối hợp với nhau theo tinh thần DN.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Dũng, Thái Bình có lợi thế rất lớn vì là một tỉnh ven biển, nên ngành thủy sản địa phương có thể thúc đẩy phát triển công nghệ nuôi biển. Cần phải lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với đặc điểm vùng ven bờ của Thái Bình như các loài nhuyễn thể: gồm vẹm, nghêu, hàu, điệp…Ngoài ra, có thể nuôi cá nhụ, cá nheo.
Nguyễn Thị Hồng Hà