Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm năm 2025 và những thách thức

Mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm năm 2025 và những thách thức

Home Tin Tức Mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm năm 2025 và những thách thức
Mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm năm 2025 và những thách thức
08/03/2017
46 Lượt xem

Chia sẻ với:

Mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm năm 2025 và những thách thức

Lợi thế và tiềm năng

Các cơ sở để chúng ta hoạch định mục tiêu giá trị xuất khẩu tôm đến trước 2025 đạt 10 tỷ USD được dựa trên đánh giá tiềm năng, lợi thế của ngành tôm, đó là: tôm là thực phẩm được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 7 tỷ người, hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, trong khi Việt Nam có điều kiện để phát triển nuôi tôm, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự đoán trong cả nước diện tích nuôi tôm nước lợ có thể mở rộng thêm 800.000-1.000.000 ha, ngoài ra năng suất nuôi tôm ở nước ta còn thấp, năng suất trung bình mới đạt gần 1 tấn/ha, trong đó nuôi tôm thâm canh đạt khoảng 4 tấn/ha, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến chiếm diện tích lớn (khoảng 560.000 ha) năng suất trung bình đạt 200-300 kg/ha, với các tiến bộ về khoa học công nghệ năng suất nuôi tôm hoàn toàn có thể nâng cao, đặc biệt khi áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thâm canh và có các giải pháp công nghệ và quản lý thích hợp cho các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến. Về chế biến hiện có hơn 350 cơ sở chế biến tôm với công suất chế biến 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm, vượt xa nhu cầu chế biến và hoàn toàn đáp ứng nhu cầu chế biến tôm trong thập kỷ tới. Về thị trường, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang gần 100 nước và vùng lãnh thổ.

Thách thức cần vượt qua

Tuy nhiên, để phát triển và đạt được mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm vào năm 2025, ngành tôm nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, những thách thức lớn nhất đó là:

Dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ

Các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, phân trắng, bệnh còi… đã và đang là mối nguy gây rủi ro lớn nhất cho nghề nuôi tôm ở nước ta. Năm 2011 cả nước có 42.200 ha, năm 2013 có 46.093 ha nuôi tôm bị hoại tử gan tụy, trong đó Sóc Trăng có 23.371 ha, Bạc Liêu 16.919 ha, Trà Vinh 12.224 ha. Năm 2016, chỉ tính riêng 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang diện tích nuôi tôm bị bệnh là 188.000 ha. Nguyên nhân chính gây dịch bệnh trên tôm nuôi như hiện nay là do hạ tầng các vùng nuôi tôm không đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường nuôi tôm, và tôm giống không đảm bảo chất lượng.

Hầu hết các công trình cấp, thoát nước ở các vùng nuôi không đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời nguồn nước đạt yêu cầu chất lượng cho nuôi tôm, nước thải, bùn thải từ ao nuôi tôm không được xử lý đúng yêu cầu bảo vệ môi trường. Về tôm giống, hàng năm cả nước sản xuất khoảng 100 tỷ con giống, cơ bản đáp ứng nhu cầu về số lượng, nhưng tỷ lệ con giống đạt chất lượng (sinh trưởng tốt, không mang tác nhân gây bệnh) còn rất thấp do phần lớn con giống được sản xuất trong các trại giống có cơ sở vật chất và quy trình vận hành không đảm bảo an toàn sinh học, sử dụng tôm bố mẹ từ khai thác tự nhiên (tôm sú) và nhập khẩu (tôm thẻ chân trắng) không kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ đưa vào sản xuất.

Nếu không chủ động kiểm soát được dịch bệnh thì các chỉ tiêu nâng cao năng suất và sản lượng tôm nuôi sẽ không thành hiện thực. Dịch bệnh cũng dẫn đến việc người nuôi lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm, tăng giá thành sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, và đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, tăng nguy cơ số lô hàng tôm xuất khẩu bị trả về, ảnh hưởng xấu đến uy tín, khó duy trì và phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm tôm Việt Nam.

Để nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tôm hiện có, xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm mới, nâng cấp các trại sản xuất tôm giống đáp ứng yêu cầu sản xuất tôm đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ từ nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Giai đoạn 2011-2015 vốn đầu tư cho lĩnh vực thủy sản chỉ chiếm 7% tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho ngành nông nghiệp, tổng số vốn đã bố trí đầu tư cho thủy sản là 5.682,5 tỷ đạt gần 50% vốn theo kế hoạch, trong đó vốn đầu tư cho nuôi trồng thủy sản khoảng 3.200 tỷ đầu tư mới và nâng cấp hạ tầng cơ bản cho 103.000 ha nuôi trồng thủy sản tập trung. Tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư ngành nông nghiệp, vốn đầu tư cho thủy sản tăng đạt trên 10% tổng vốn đầu tư toàn ngành nông nghiệp. Với cơ cấu vốn kế hoạch cho thủy sản như vậy,chắc chắn không đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng cơ bản cần thiết cho nuôi trồng thủy sản tập trung nói chung, nuôi tôm nói riêng.

Chưa chủ động sản xuất tôm bố mẹ chất lượng trong nước

Hiện tại hàng năm nước ta phải nhập khẩu 180.000-200.000 tôm bố mẹ từ Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia, Thái Lan. Tôm bố mẹ nhập khẩu giá thành cao, không chủ động về số lượng và chất lượng. Với nhu cầu nhập khẩu hiện tại, một số thời điểm khi vụ sản xuất tôm giống tập trung có nhu cầu cao về số lượng tôm bố mẹ, chúng ta đã gặp khó khăn về nguồn cung. Để có đủ tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu đạt 10 tỷ USD  chúng ta phải có sản lượng tôm nuôi 1,8-2 triệu tấn/năm, như vậy hàng năm cần tới 500.000-600.000 tôm bố mẹ để đủ sản xuất tôm giống cho nhu cầu nuôi. Nếu không chủ động sản xuất tôm bố mẹ trong nước chúng ta không thể có đủ con giống đáp ứng nhu cầu nuôi để đạt các mục tiêu sản lượng và năng suất như mong muốn.

Trong hơn thập kỷ qua các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, III và 1 vài doanh nghiệp đã triển khai một số nghiên cứu phát triển đàn tôm bố mẹ tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhưng vì những lý do khác nhau đến nay tôm bố mẹ phần lớn vẫn phụ thuộc nguồn khai thác tự nhiên và nhập nội. Để gia hóa, chọn giống đàn tôm bố mẹ đạt yêu cầu sản xuất không chỉ đòi hỏi được đầu tư thích đáng, tổ chức thực hiện khoa học, đồng bộ, mà còn cần cả thời gian tối thiểu để đủ thực hiện gia hóa, chọn giống trên 3-5 thế hệ tôm.

Tăng trưởng sản lượng trong nước và nhu cầu thị trường tôm có đáp ứng mục tiêu?

Năm 2016, theo Tổng cục thủy sản diện tích nuôi tôm cả nước là 694.645 ha, đạt sản lượng 657.282 tấn, trong đó tôm sú 263.853 tấn, tôm thẻ chân trắng 393.429 tấn, xuất khẩu tôm đạt 3.150 triệu USD chiếm 44% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Từ  2010 đến 2016, tốc độ tăng trưởng hàng năm về sản lượng tôm nuôi là 5,3%, tăng trưởng về giá trị xuất khẩu là 7,2%. Đặt mục tiêu đến trước 2025 đạt 10 tỷ USD xuất khẩu tôm, giá trị xuất khẩu tôm tăng gấp 3,12 lần trong 8-9 năm tới, hàng năm tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu tôm phải đạt khoảng 14%, và tốc độ tăng sản lượng tôm nuôi phải đạt 11-12 % năm. Tốc độ tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm đều phải tăng gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2016.

Trong những năm gần đây (2014-2016) trong tôm xuất khẩu có tôm nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Ecuador… Việt Nam nhập khẩu tôm năm 2014 là 477 triệu USD, năm 2015: 426 triệu USD, năm 2016: 377 triệu USD. Ước tính hàng năm khoảng 60.000 tấn tôm được nhập khẩu. Như vậy thực tế các năm 2014, 2015 và 2016, ước giá trị xuất khẩu từ tôm nuôi Việt Nam lần lượt là: 3,5  tỷ USD, 2,5 tỷ USD và 2,77 tỷ USD.

Giá tôm xuất khẩu trung bình dao động từ 7,89 đến 9,38 USD/kg biến động theo nguồn cung, giá thấp khi sản lượng tôm nuôi bị sụt giảm do dịch bệnh, sản lượng tôm biển đánh bắt thấp. Tổng sản lượng tôm toàn cầu năm 2011 đạt 4,1 triệu tấn, do vấn đề dịch bệnh xảy ra ở nhiều nước sản lượng tôm nuôi toàn cầu đang trong quá trình phục hồi, tuy nhiên đến 2016 mới đạt 3,57 triệu tấn. Các nước sản xuất tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc do vấn đề dịch bệnh vẫn chưa đạt sản lượng tôm nuôi năm 2011, đang nỗ lực và có các mục tiêu sản lượng lớn hơn 2011 trong các năm tiếp theo. Giá tôm xuất khẩu liệu còn giữ được khi tăng thêm 1,2-1,8 triệu tấn tôm từ Việt Nam cùng nguồn cung từ các nước sản xuất tôm lớn khác tăng cao? Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường, phải tính đến các giải pháp hạ giá thành các khâu sản xuất tôm từ giống, nuôi, chế biến và làm tốt công tác phát triển thị trường tiêu thụ tôm.

Như vậy, mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm trước 2025 được nhiều người cho là kỳ vọng quá lớn. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể đạt nếu ngành tôm Việt Nam tận dụng tốt cơ hội và lợi thế đang có, đồng thời sớm thực hiện các giải pháp vượt qua những thách thức cơ bản trên*.

(*. Bàn về các giải pháp vượt qua những thách thức để phát triển xuất khẩu tôm sẽ được tác giả trình bày trong bài viết tiếp theo)

Phạm Anh Tuấn 


Tìm kiếm