Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Nâng cao hiệu quả ngành tôm hướng đến 10 tỷ USD xuất khẩu

Nâng cao hiệu quả ngành tôm hướng đến 10 tỷ USD xuất khẩu

Home Tin Tức Nâng cao hiệu quả ngành tôm hướng đến 10 tỷ USD xuất khẩu
Nâng cao hiệu quả ngành tôm hướng đến 10 tỷ USD xuất khẩu
22/05/2017
44 Lượt xem

Chia sẻ với:

Nâng cao hiệu quả ngành tôm hướng đến 10 tỷ USD xuất khẩu

Tôm nuôi nước lợ là đối tượng nuôi thủy sản chủ lực ở nước ta, theo Chiến lược phát triển ngành thủy sản (Quyết định 1445/2013/QĐ-TTg) định hướng phát triển nuôi tôm nước lợ đạt 700.000 tấn/năm vào năm 2020 và tháng 2/2017, tại Hội nghị bàn về phát triển nuôi tôm tổ chức tại Cà Mau ngành thủy sản đặt mục tiêu XK tôm đạt 10 tỷ USD vào trước năm 2025.

Trên Cổng Thông tin điện tử VASEP hồi tháng 3/2017, Ban Biên tập đã đăng nguyên văn bài viết của TS. Phạm Anh Tuấn – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản về: “Những thách thức mà ngành tôm phải vượt qua để đạt được mục tiêu XK 10 tỷ USD”. VASEP xin được đăng tiếp ý kiến tác giả về những giải pháp hữu hiệu và phù hợp để nâng cao hiệu quả ngành tôm Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu.

Tháng 2/2017 tại Hội nghị bàn về phát triển nuôi tôm nước lợ tổ chức tại Cà Mau ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 đạt 10 tỷ USD XK tôm. Tuy nhiên, ngành tôm nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó những thách thức lớn nhất là: dịch bệnh trong nuôi tôm còn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, chưa chủ động cung cấp đủ tôm giống chất lượng và hạn chế về khả năng cạnh tranh, phát triển thị trường XK tôm. Để vượt qua các thách thức nói trên, nâng cao hiệu quả ngành tôm Việt Nam rất cần các giải pháp hữu hiệu, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội nước ta.

Kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm:

Dịch bệnh nếu không chủ động kiểm soát được thì các chỉ tiêu nâng cao năng suất và sản lượng tôm nuôi sẽ không thành hiện thực. Dịch bệnh cũng dẫn đến việc người nuôi lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm, tăng giá thành sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, và đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng tôm nguyên liệu chế biến XK. Nguyên nhân chính gây dịch bệnh trên tôm nuôi như hiện nay là tôm giống không đảm bảo chất lượng, hạ tầng các vùng nuôi tôm không đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường ao nuôi tôm, và áp dụng công nghệ nuôi tôm chưa phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật của người sản xuất còn khá phổ biến.

Chủ động sản xuất tôm giống chất lượng:

Để đảm bảo chủ động sản xuất tôm giống có chất lượng cần giải quyết 2 vấn đề lớn: (i) tôm bố mẹ đưa vào sản xuất ở các trại tôm giống phải là giống tốt (tôm chọn giống và sạch các tác nhân gây bệnh), (ii) các trại sản xuất tôm giống phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị và được quản lý vận hành đảm bảo an toàn sinh học.

Việc xây dựng các quy chuẩn về tôm bố mẹ, các yêu cầu kỹ thuật với trại sản xuất tôm giống đảm bảo an toàn sinh học là việc làm cần thiết đầu tiên. Dưới góc độ quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quyết tâm cao hơn, phải kiên quyết để nhanh chóng không còn tình trạng sử dụng tôm bố mẹ kém chất lượng, không còn các trại sản xuất tôm giống không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học vẫn sản xuất tôm giống. Cần nhanh chóng chuyển từ quản lý chất lượng tôm giống thông qua kiểm dịch từng lô hàng tôm giống, thiếu hiệu quả, cản trở sản xuất và không đủ năng lực kiểm dịch trong thực tế, sang quản lý điều kiện và quá trình sản xuất-đó là phương pháp quản lý hiện đại đang được áp dụng hiệu quả ở hầu hết các nước có ngành tôm phát triển.

Hạ tầng đáp ứng nuôi tôm:

Hầu hết các công trình cấp, thoát nước ở các vùng nuôi tôm không đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời nguồn nước đạt yêu cầu chất lượng cho nuôi tôm, nước thải,bùn thải từ ao nuôi tôm không được xử lý đúng yêu cầu bảo vệ môi trường. Do sự đa dạng về đặc điểm tự nhiên (nguồn nước, địa hình..), hình thức nuôi (thâm canh, bán thâm canh…), đòi hỏi các giải pháp công trình cấp, thoát, xử lý thải khác nhau. Hiện chúng ta còn thiếu hoặc chưa cụ thể các yêu cầu kỹ thuật với các hạng mục công trình nuôi tôm làm cơ sở khi đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Việc rà soát bổ sung, hoàn thiện các yêu cầu kỹ thuật các công trình hạ tầng phục vụ nuôi tôm là hết sức cần thiết.

Để nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tôm hiện có, xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm mới đáp ứng yêu cầu sản xuất tôm đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ. Vốn đầu tư hạ tầng cho nuôi tôm cần huy động từ cả 3 nguồn: nhà nước, DN và người dân.

Với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành tôm hiện tại quá nhỏ bé, không tương xứng với vai trò, vị trí và mục tiêu Chính phủ mong đợi từ ngành tôm. Việc tái cơ cấu vốn của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thay đổi theo hướng tăng thêm vốn đầu tư cho ngành tôm. Tuy nhiên, dù có tăng thêm vốn nhà nước cho ngành tôm, thì thực tế vốn nhà nước vẫn rất, rất có hạn, do vậy cần lựa chọn đầu tư vốn nhà nước vào các công trình có tác dụng vùng, quốc gia, và cơ chế đầu tư có sự huy động vốn từ nhà nước, DN và người dân trong từng công trình cần được coi như điều kiện bắt buộc, ưu tiên.

Lựa chọn công nghệ nuôi thích hợp:

Nuôi tôm có nhiều hình thức, đó là thâm canh, siêu thâm canh, bán thâm canh…, người nuôi tôm có khuynh hướng muốn tăng mật độ thả để có năng suất nuôi cao trong khi khả năng đầu tư, hạ tầng vùng nuôi, trình độ kỹ thuật không tương xứng. Lựa chọn hình thức, công nghệ nuôi nào phù hợp, hạn chế được dịch bệnh phải tùy theo điều kiện hạ tầng, trình độ kỹ thuật và khả năng đầu tư. Nhận thức này phải được người nuôi thấu hiểu và cần các các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản kiểm soát chặt chẽ trong thực tế sản xuất nuôi tôm.

Ngoài các hình thức nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh, nuôi thâm canh tôm theo giai đoạn (giai đoạn ương giống lớn và giai đoạn nuôi thành tôm thương phẩm), nuôi với mật độ không cao, áp dụng chế phẩm vi sinh kiểm soát môi trường nuôi tôm đang được coi là lựa chọn công nghệ nuôi tôm hiệu quả, ít rủi ro dịch bệnh cần được khuyến khích áp dụng trong nuôi tôm ở nước ta.

Chủ động sản xuất tôm bố mẹ chất lượng:

Đến nay tôm bố mẹ phần lớn vẫn phụ thuộc nguồn khai thác tự nhiên và nhập nội. Hàng năm nước ta phải nhập khẩu 180.000-200.000 tôm bố mẹ. Để có đủ tôm nguyên liệu chế biến XK đạt 10 tỷ USD  chúng ta phải có sản lượng tôm nuôi 1,8-2 triệu tấn/năm, như vậy hàng năm cần tới 500.000-600.000 tôm bố mẹ để đủ sản xuất tôm giống cho nhu cầu nuôi. Nếu không chủ động sản xuất tôm bố mẹ trong nước chúng ta không thể có đủ con giống đáp ứng nhu cầu nuôi để đạt các mục tiêu sản lượng và năng suất như mong muốn.

Để gia hóa, chọn giống đàn tôm bố mẹ đáp ứng yêu cầu sản xuất không chỉ đòi hỏi được đầu tư thích đáng, còn cần tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công việc này đòi hỏi nỗ lực của cả nhà nước, cơ quan nghiên cứu và các DN. Nhà nước đầu tư đủ nhu cầu vốn (hiện không là vấn đề), nhưng cần thay đổi cách quản lý đầu tư, chuyển từ mô hình đầu tư theo từng đề tài/dự án với thời gian ngắn hạn, áp dụng cơ chế tuyển chọn/đấu thầu cơ quan chủ trì thực hiện sang đầu tư theo đề tài/chương trình mục tiêu, lựa chọn tổ chức đặt hàng thực hiện. Lựa chọn được cán bộ khoa học có chuyên môn, tận tâm say mê với khoa học đến sản phẩm cuối cùng, tập hợp được lực lượng để giao chủ trì nhiệm vụ là yếu tố vô cùng quan trọng, có thể nói là quyết định đến thành công, đạt  mục tiêu phát triển tôm bố mẹ từ vốn nhà nước.

DN ngoài việc tham gia vào quá trình phát triển tôm bố mẹ từ các chương trình của nhà nước, một số DN lớn có khả năng chủ động phát triển tôm bố mẹ cần được khuyến khích, hỗ trợ. DN mong muốn phát triển tôm bố mẹ thường hạn chế về nguồn lực khoa học, cần các cơ quan nghiên cứu nhà nước hỗ trợ tư vấn khoa học để chương trình được xây dựng, triển khai có kết quả. Hỗ trợ của các cơ quan quản lý ngay từ đầu về trình tự, thủ tục thực hiện cũng hết sức cần thiết với DN để các rắc rối về hành chính không là rào cản làm triệt tiêu động lực của các DN và sản phẩm sớm nhất được đi vào sản xuất kinh doanh.

Ngoài tích cực chủ động phát triển tôm bố mẹ trong nước, thì từ nay đến 2025 nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu vẫn chiếm vị trí quan trọng. Để chủ động hơn về nguồn tôm nhập nội, giảm chi phí nhập khẩu 2 giải pháp cần được thực hiện, đó là: (i) Sớm đàm phán, hợp tác để các nhà sản xuất/sở hữu bản quyền tôm bố mẹ nước ngoài có cơ sở nhân đàn tôm bố mẹ tại Việt Nam, và (ii) Thay đổi quy định quản lý nhập khẩu tôm bố mẹ, không chỉ cho phép nhập khẩu tôm bố mẹ/hậu bị còn cho phép nhập khẩu tôm cỡ nhỏ nếu đáp ứng chất lượng di truyền về nuôi thành tôm bố mẹ tại Việt Nam.

 Nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường XK tôm:

Đặt mục tiêu đến trước 2025 đạt 10 tỷ USD XK tôm, giá trị XK tôm tăng gấp 3,12 lần trong 7-8 năm tới, hàng năm tốc độ tăng trưởng giá trị XK tôm phải đạt khoảng 14%, và tốc độ tăng sản lượng tôm nuôi phải đạt 11-12 % năm. Tốc độ tăng sản lượng và giá trị XK tôm đều phải tăng gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2016. Theo dõi giá tôm XK giai đoạn 2011-2016 thấy có sự biến động theo nguồn cung, giá cao thấp phụ thuộc mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản lượng tôm nuôi, sản lượng tôm biển đánh bắt nhiều hay ít. Trong các năm tới trong bối cảnh Việt Nam sẽ sản xuất tăng thêm 1,2-1,8 triệu tấn tôm trong khi các nước sản xuất tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc cũng đặt kế hoạch cho các mục tiêu sản lượng lớn, chắc chắn việc sản xuất tôm với giá thành thấp, làm tốt công tác phát triển thị trường sẽ là các yếu tố quyết định đến mục tiêu 10 tỷ USD XK tôm.

Nâng cao khả năng cạnh tranh:

Khả năng cạnh tranh phụ thuộc vào giá thành sản xuất và loại sản phẩm đưa ra thị trường. Giá thành sản xuất thấp thấy rõ ở các hình thức nuôi bán thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa, tôm rừng do nhu cầu đầu tư thấp, ít rủi ro về dịch bệnh, môi trường. Các hình thức nuôi này dù có các ưu thế như đã nói, nhưng chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng, chưa tối ưu cho từng hệ thống. Các hệ thống nuôi này cần được nâng cao hiệu quả ở các vùng nuôi hiện có, và chú ý khuyến khích phát triển ở các diện tích nuôi mới được mở rộng do xâm nhập mặn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tôm thương phẩm từ nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm-lúa, tôm-rừng có chất lượng cao, nhưng chưa có thương hiệu, việc xây dựng thương hiệu tôm lúa, tôm rừng cần sớm được thực hiện, để Việt Nam có sản phẩm riêng biệt trên thị trường XK.

Các nước vốn sản xuất nhiều tôm sú như Thái Lan, Ấn Độ…đã chuyển sang nuôi tôm chân trắng là chính, Việt Nam là trong số ít các nhà cung cấp tôm sú, thị trường tôm sú mức độ cạnh tranh ít gay gắt hơn.Tôm sú là loài bản địa, thích hợp với nhiều hệ thống nuôi tôm khác nhau, đặc biệt ưu thế khi nuôi tôm trong hệ thống canh tác tôm-rừng, tôm-lúa. Phát huy lợi thế của nuôi tôm sú từ góc độ môi trường nuôi và thị trường XK, Việt Nam cần tiếp tục phát triển nuôi tôm sú, đặc biệt nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn, vùng ruộng lúa bị xâm nhập mặn, các sản phẩm tôm sú là ưu thế cạnh tranh thị trường.

Phát triển thị trường XK:

Ngành tôm hướng đến thị trường XK, tuy nhiên hiện nay công tác xây dựng thị trường, xúc tiến thương mại còn hạn chế do nguồn lực cho phát triển thị trường phụ thuộc vào ngân sách nhà nước dành cho thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng rất có hạn, đóng góp từ DN theo dạng bị động theo từng vụ việc. Công tác xúc tiến thương mại tôm cần phải được chú trọng hơn nữa. Trước hết, cần sớm xây dựng cơ chế để chủ động tạo đủ nguồn lực cho nghiên cứu thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng thị trường tôm từ đóng góp tài chính của chính ngành tôm.

Phạm Anh Tuấn

Tìm kiếm