Chia sẻ với:
Nâng trách nhiệm với cá tra
Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, cá tra bán tại hầm liên tục tăng giá. Hiện nay, dù giá có chựng lại nhưng người nuôi vẫn có lời. Bên cạnh yếu tố nguồn nguyên liệu giảm, việc cá tra “sống lại” có phần do các hộ nuôi đã ý thức hơn về trách nhiệm sản xuất sạch, chất lượng con giống cũng được nâng lên.
Giảm chi phí, tăng chất lượng
Theo kết quả điều tra chi phí sản xuất và tính giá thành cá tra nguyên liệu đợt 2 năm 2016 của liên Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, giá thành sản xuất cá tra thương phẩm là 20.680 đồng/kg, giảm 84 đồng/kg so điều tra đợt 1 (20.764 đồng/kg). Theo khảo sát ngẫu nhiên tại 38 hộ nuôi, nếu không tính chi phí thuê ao thì giá thành cá tra nguyên liệu tại điều tra đợt 2 là 20.529 đồng/kg, giảm đến 169 đồng/kg so điều tra đợt 1 (20.698 đồng/kg).
Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Anh Thư cho biết, các hộ nuôi thủy sản thương phẩm đã ý thức được trách nhiệm và quyền lợi trong sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu cá tra không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh độc hại, cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn GAP nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. “Để hoạt động nuôi cá tra bền vững, đạt hiệu quả cao, người nuôi cá đã chọn giải pháp thả nuôi cá tra với mật độ thấp, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật tổng hợp để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất như: Chọn thức ăn chất lượng cao có hệ số FCR thấp, giảm chi phí hút bùn đáy ao, chi phí bơm nước, chi phí thuốc và hóa chất phòng trị bệnh” - ông Thư đánh giá.
Việc tiết giảm chi phí sản xuất cộng với giá cá tra nguyên liệu tăng, người nuôi thu được lợi nhuận khá. Đây là động lực giúp nhiều hộ quyết định đầu tư nuôi cá tra sau thời gian “treo ao”, kéo giá cá tra giống tăng theo. Hiện nay, giá cá tra giống (loại 30 con/kg) đang được bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tăng mạnh so với cuối năm 2016. 5 tháng đầu năm 2017, chỉ riêng lượng cá tra giống do Trung tâm Giống thủy sản An Giang sản xuất đạt trên 215 triệu con, tăng 7,5% so cùng kỳ. Trên địa bàn toàn tỉnh, trong 815 triệu con giống sản xuất được, có 420 triệu con là cá tra, tăng 7 triệu con so cùng kỳ. Ông Thư cho biết, để đáp ứng nhu cầu giống cá tra chất lượng cao, tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ chương trình giống cá tra 3 cấp. Việc kiểm soát chất lượng cá tra giống từ khâu sinh sản, ươm nuôi đến cung cấp cho các hộ nuôi thương phẩm có sự phối hợp, phân công trách nhiệm của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Trung tâm Giống thủy sản An Giang các hộ nuôi và các doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực cá tra giống như Hùng Vương, Việt Úc, Nam Việt....
Tăng cường liên kết
Đây là khuynh hướng được nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra lựa chọn. So với tự phát triển vùng nuôi, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của các hộ nuôi đạt hiệu quả hơn do các hộ nuôi luôn tìm giải pháp giảm chi phí sản xuất mà vẫn tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn. Để hỗ trợ các hộ nuôi, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, cấp giấy xác nhận nuôi cá tra thương phẩm cho doanh nghiệp và hộ dân nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết sản xuất với chế biến xuất khẩu. Điều này nhằm giúp nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra phát triển ổn định, tránh thiệt hại cho người nuôi khi sản lượng tăng mạnh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu cá tra có chất lượng tốt, có thể truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu.
Theo Sở NN&PTNT, ước diện tích thủy sản thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 818 héc-ta, giảm 177 héc-ta so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi cá tra là 566 héc-ta, bằng 96,91% diện tích cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch trong 6 tháng khoảng 165.900 tấn, trong đó sản lượng cá tra là 120.800 tấn, bằng 98,09% cùng kỳ. Tuy nhiên, có nhiều diện tích đã tái nuôi sau Tết Nguyên đán nhưng chưa đến kỳ thu hoạch nên dự báo nguồn nguyên liệu cá tra sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Hiện nay, vùng nuôi cá tra thương phẩm tập trung ở các địa phương như huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và TP. Long Xuyên. Các hộ nuôi cá tra đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu theo chuỗi liên kết bền vững. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến thực hiện hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm nên lợi nhuận được đảm bảo, người nuôi yên tâm sản xuất. Đây là khuynh hướng được tỉnh khuyến khích nhằm giúp ngành cá tra “hồi sinh”, kỳ vọng trở lại thời “hoàng kim” như cách nay hơn 10 năm.