Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Ngành cá tra Đồng Tháp hướng về thị trường nội địa

Ngành cá tra Đồng Tháp hướng về thị trường nội địa

Home Tin Tức Ngành cá tra Đồng Tháp hướng về thị trường nội địa
Ngành cá tra Đồng Tháp hướng về thị trường nội địa
03/12/2020
30 Lượt xem

Chia sẻ với:

Ngành cá tra Đồng Tháp hướng về thị trường nội địa

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra ở Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến phục vụ cho thị trường nội địa. Bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cá tra, các DN đang nỗ lực hướng đến đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Chinh phục thị trường

Đồng Tháp là một trong những địa phương có vùng chuyên canh cá tra xuất khẩu lớn nhất của khu vực ĐBSCL. Với tổng diện khoảng 2.000ha, sản lượng cá tra thương phẩm năm 2019 đạt 530.000 tấn. Ngoài sở hữu vùng chuyên canh lớn thì Đồng Tháp cũng là một trong những địa phương quy tụ nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu bậc nhất của khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 20 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn. Sản phẩm cá tra/ba sa Việt Nam đã có mặt trên thế giới với hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, một số DN chế biến cá tra ở Đồng Tháp đã thực hiện chiến lược đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ cá tra nội địa, bằng cách đầu tư đa dạng sản phẩm, cung cấp cá tra, cá ba sa ở nhiều kênh phân phối, từng bước giúp sản phẩm cá da trơn của Đồng Tháp đến gần hơn với người tiêu dùng ở nội địa.

Đầu tháng 10 vừa qua với sự kiện Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) cho ra mắt người tiêu dùng một loạt sản phẩm được chế biến từ cá tra, cá ba sa mang thương hiệu BASA Master. Sự kiện này thật sự đã mang đến một "làn gió mới" cho văn hóa ẩm thực của người tiêu dùng nội địa. Dưới góc nhìn mới của Vĩnh Hoàn, con cá tỉ đô (cá tra, cá ba sa) của miền Tây không chỉ đơn giản chế biến dừng lại ở những món ăn quen thuộc như canh chua, cá kho tộ mà với sự kết hợp hài hòa từ công nghệ và sự hòa quyện của nền ẩm thực hiện đại, Vĩnh Hoàn có thể giúp cho người tiêu dùng có được những trải nghiệm mới với những món ăn rất thú vị nhưng lại giàu dinh dưỡng như cá viên ba sa, cá ba sa tẩm bột popcorn, cá ba sa cắt lát tẩm gia vị, cá ba sa phi lê, cá ba sa cắt khoanh, biệt đội cá ba sa tẩm bột, cá ba sa cắt miếng tẩm gia vị, snack da cá trứng muối… Những món ăn khác lạ được chế biến từ nguyên liệu thân quen này không chỉ tiện lợi, có giá trị dinh dưỡng cao mà nó còn rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay. Mặc dù các dòng sản phẩm mới của Vĩnh Hoàn ra mắt thị trường chưa lâu nhưng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và nhiều kênh phân phối tiêu dùng lớn trên cả nước.

Ngoài "ông lớn" như Vĩnh Hoàn bắt tay vào chinh phục thị trường nội địa, thời gian gần đây các DN khởi nghiệp, cơ sở chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng bắt đầu đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cá tra để phục vụ người tiêu dùng nhiều hơn.

Anh Nguyễn Tiến Phương, Chủ Cơ sở sản xuất cá khô Tiến Phương, huyện Hồng Ngự, cho biết: "Chúng tôi mới phát triển dòng sản phẩm khô cá tra thời gian gần đây, phản hồi từ một số thị trường mới như miền Trung, miền Bắc lại đặc biệt thích dòng sản phẩm mới này hơn so với các dòng sản phẩm trước đây của chúng tôi. Riêng thị trường miền Bắc dòng sản phẩm khô cá tra rất có tiềm năng để phát triển. Hiện cơ sở chúng tôi cũng đang tìm đầu mối để làm nhà phân phối cho thị trường miền Bắc".

Thời gian qua tỉnh Đồng Tháp cũng thực hiện nhiều chương trình xúc tiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng cá tra. Nhận thấy thị trường nội địa là một trong những thị trường chiến lược giúp ngành hàng cá tra phát triển ổn định, trong khoảng trung tuần tháng 10 vừa qua UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Tuần hàng thực phẩm cá tra/ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại thủ đô Hà Nội năm 2020. Thông qua hoạt động xúc tiến này, Đồng Tháp mong muốn mang sản phẩm cá tra, cá ba sa đặc sản của quê hương đến gần hơn với người tiêu dùng thủ đô nói riêng và người tiêu dùng ở khu vực miền Bắc nói chung. Từ đó người tiêu dùng có thể trực tiếp thưởng thức được các món ngon được chế biến từ con cá tỉ đô của vùng sông nước ĐBSCL.

Chiến lược lâu dài

Vấn đề khai thác thị trường cá tra ở nội địa đã được đặt ra tại nhiều hội nghị lớn của ngành cá tra, song để có thể thật sự khai thác tốt thị trường 97 triệu dân rất cần có sự chung tay của nhiều phía.

Chia sẻ về việc phát triển thị trường nội địa cho con cá tra hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam, cho rằng: "Cá tra hướng đến phục vụ thị trường nội địa là hướng đi đúng đắn và là một chiến lược cần thực hiện dài hạn chứ không phải chỉ thực hiện nhất thời. Bởi một khi thị trường nội địa phát triển tốt sẽ là nền tảng vững chắc để xuất khẩu tốt hơn. Song, do từng có một thời gian dài thị trường nội địa bị bỏ ngỏ nên giờ đây khi quay lại khai mở thị trường này thì các DN đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó cái khó nhất của DN chế biến cá tra hiện nay là đang thiếu hệ thống phân phối và kho bãi vận hành song song. Chuỗi hệ thống phân phối cho ngành hàng cá tra vẫn chưa được kết nối bài bản. Trong khi đó, với nguồn lực hạn hẹp thì các DN không thể tự thân để thực hiện chuỗi tiêu thụ tại thị trường nội địa. Do đó, để kích thích được thị trường nội địa cho ngành hàng cá tra rất cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tiếp sức cho các DN muốn phát triển thị trường này".

Ngoài được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách ưu đãi và DN tự mình nỗ lực, việc thay đổi góc nhìn của truyền thông dành cho con cá tỉ đô của miền Tây cũng cần được quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng nên có chiến lược truyền thông đồng bộ và xuyên suốt, để người tiêu dùng có cái nhìn toàn diện hơn về những giá trị tích cực mà con cá da trơn mang lại. Quảng bá và xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho cá tra tại thị trường nội địa cũng cần được quan tâm bởi khi hình ảnh và thương hiệu của cá tra được đầu tư tốt tại nội địa sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển thương hiệu cho cá tra, cá ba sa ở các thị trường nhập khẩu...

Chia sẻ về việc cần có góc nhìn khác hơn về con cá tra, cá ba sa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đằng sau những đóng góp to lớn cho ngành kinh tế thì con cá tra, cá ba sa còn là nguồn kinh tế chính của nhiều gia đình ở vùng nông thôn ĐBSCL. Nghề nuôi cá tra xuất khẩu đã giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, vươn lên khá giả bằng chính sức lao động chân chính của mình. Đây thật sự là một niềm tự hào to lớn, do đó giúp tiêu thụ sản phẩm của quê hương cũng là cách làm đơn giản nhất để thể hiện mình yêu quê hương, yêu đất nước. Bởi bằng một hành động nhỏ không những giúp tạo ra được giá trị cho xã hội mà còn giúp được nhiều người có được công ăn việc làm ổn định.

Tìm kiếm