Những ngày qua, khi dịch Covid-19 lắng xuống thì cũng là lúc giá tôm nguyên liệu và lúa tăng trở lại.
Thu lãi đậm
Tại Cà Mau và Bạc Liêu, giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú tăng trên dưới 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình công nghiệp có giá từ 100.000 - 160.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Trong khi đó, tôm sú loại 20 con/kg có giá dao động 180.000 - 190.000 đồng/kg; riêng tôm sú sống loại 30 con/kg giá trên 200.000 đồng/kg.
Ông Ngô Quang Hùng - ngụ tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - phấn khởi cho biết hiện tôm nuôi của gia đình ông đạt kích cỡ 30 con/kg. Với 2.000 m2 mặt nước nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh, ước tính vụ này năng suất đạt khoảng 14 tấn. Với giá tôm hiện tại, sau khi trừ các khoản chi phí, ông Hùng tính toán vụ này lãi lên đến 50% so với tổng vốn đầu tư ban đầu.
Trong khi đó, nhiều hộ dân ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang ráo riết thu hoạch tôm nuôi theo mô hình quảng canh để chuẩn bị đất trồng lúa do nước mặn đã giảm. Ông Lê Văn Trưởng ở ấp Minh Tiến, xã Minh Thuận cho rằng với giá tôm sú loại 30 con/kg từ 150.000 đồng đến 155.000 đồng/kg như hiện nay thì người nuôi có lãi nhiều.
"Nuôi theo mô hình này, nông dân không phải tốn nhiều thời gian chăm sóc cũng như giảm rất nhiều chi phí. Một nguyên nhân nữa mà nhiều nông dân chọn lựa mô hình nuôi tôm quảng canh là ít rủi ro do dịch bệnh vì tôm được thả thưa và không cần phải cho ăn thức ăn công nghiệp nên ít ô nhiễm môi trường nước" - ông Trường giải thích.
Thời điểm này, giá lúa trong nước cũng tăng mạnh. Tại một số địa phương như An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang…, lúa IR 50404 có giá 5.850-6.100 đồng/kg, lúa Jasmine 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 giá 6.100-6.300 đồng/kg… - tăng 500 đồng/kg so với tháng trước và gần 1.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hecta, nông dân thu lợi nhuận 20-25 triệu đồng.
Tại Cần Thơ, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cho biết: "Cần Thơ đã thu hoạch gần 20.700 ha trong tổng số 68.720 ha diện tích lúa thu đông, năng suất khoảng 5,3 tấn/ha - cao hơn 0,3 tấn/ha so với cùng kỳ năm 2019. Lúa thu đông đang có giá cao và ổn định nên vụ này người dân lãi đậm".
Xuất khẩu khởi sắc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2020, tuy khối lượng gạo xuất khẩu giảm nhưng giá trị lại tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, trong 8 tháng qua, xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn, đạt giá trị 2,2 tỉ USD - giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480-490 USD/tấn - mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 2011.
Ông Đặng Văn Khương, Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp, cho rằng giá lúa hiện tăng khoảng 500 - 700 đồng/kg so với năm trước là do thị trường xuất khẩu đang tốt, cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 đã tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo. Bên cạnh đó, thời gian qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực nên các nước đẩy mạnh nhập khẩu gạo. Từ vụ đông xuân, toàn bộ lúa tồn kho đã được xuất khẩu hết. Do đó, tiếp sang vụ hè thu và gần đây là thu đông, lúa, gạo tiếp tục hút hàng.
Trong khi đó, theo Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), giá tôm nguyên liệu tăng mạnh trong những ngày gần đây là nhờ thị trường xuất khẩu thuận lợi trở lại. Nhiều công ty, doanh nghiệp có hợp đồng, đơn đặt hàng mới, nguồn hàng tồn kho dần được giải phóng đã kích thích thị trường sản xuất, chế biến. Nếu nhu cầu tiêu thụ các nước tăng trở lại, thị trường xuất khẩu ổn định thì giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cẩn trọng khi mở rộng diện tích nuôi tôm
Khi giá tôm tăng trở lại, người dân đang có xu hướng mở rộng diện tích thả nuôi, nhất là đầu tư nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, siêu thâm canh. Ông Võ Hồng Ngoãn - người nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - cho rằng tôm nguyên liệu tăng giá là tín hiệu tốt song chỉ là nhất thời, không bền vững, khó tránh khỏi quy luật "được mùa mất giá, mất mùa được giá".
"Tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 130.000 ha, trong đó 80% người dân nuôi tôm theo mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình. Phần lớn trong số này sản xuất theo mô hình truyền thống, còn hạn chế về kỹ thuật, thông tin thị trường... Lợi nhuận chưa tương xứng so với vốn đầu tư, công lao động hoặc thua lỗ nặng một khi giá tôm trên thị trường không ổn định" - ông Ngoãn phân tích.