Chia sẻ với:
Nỗ lực tìm giải pháp khai thông xuất khẩu tôm vào Australia
Dù không phải là thị trường NK tôm lớn nhưng Australia là thị trường tiềm năng của Việt Nam bởi thị trường này đang có sức "hấp dẫn" với DN khi nhu cầu tiêu thụ tôm tăng dần. Tuy nhiên, Australia được coi là một thị trường khó tính với các quy định NK khắt khe nên các DN phải thường xuyên đối mặt với các rào cản kỹ thuật khi XK sang thị trường này.
Từ 2007-2011, XK tôm Việt Nam sang Australia dao động từ 60 - 86 triệu USD. Sau 2011, XK tôm sang thị trường này luôn đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt năm 2014 đạt giá trị cao nhất trên 151 triệu USD. Năm 2015 và 2016, XK sang thị trường này giảm trên 20% so với mức đỉnh năm 2014 do Australia ngày càng tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với tôm NK vào nước này.
Australia là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 3,6% tổng XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. Năm 2016, XK tôm sang Australia đạt 114,6 triệu USD; tăng 1,4% so với năm 2015. Bốn tháng đầu năm 2017, XK tôm sang thị trường này đạt 28,7 triệu USD; tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK sang Australia, tôm chế biến chiếm 78% tổng XK tôm của Việt Nam sang thị trường này. Trong 5 năm qua, Việt Nam luôn là nước cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho Australia.
Tuy nhiên, các DN XK tôm sang thị trường Australia luôn phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật. Cụ thể, kể từ ngày 9/01/2017, chính phủ Australia ban hành lệnh cấm NK tôm và thịt tôm chưa nấu chín do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland.
Đến ngày 16/5/2017, Bộ Nông nghiệp Australia đã thông báo về việc rà soát các rủi ro an toàn sinh học và các điều kiện NK đối với tôm đã nấu chín, tôm nguyên con và các sản phẩm từ tôm. Australia đã bỏ lệnh cấm đối với tôm chưa nấu chín tẩm nhưng các điều kiện NK và kiểm soát sẽ ngặt nghèo hơn.
Đối với các nhà NK hiện đang giữ giấy phép NK các sản phẩm tôm tẩm ướp: các giấy phép này sẽ vẫn bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới. Bộ Nông nghiệp Australia sẽ liên lạc với từng nhà NK khi Bộ sẵn sàng điều chỉnh các giấy phép NK liên quan. Bộ Nông nghiệp Australia sẽ bổ sung các điều kiện NK mới trong các giấy phép NK này đối với từng quốc gia chỉ khi nhận được sự đảm bảo rằng các cơ quan chức năng của nước XK có thể đáp ứng các điều kiện NK. Đối với các nhà NK muốn xin giấy phép NK mới cho sản phẩm tôm tẩm ướp, Bộ Nông nghiệp Australia sẽ chỉ chấp nhận đơn xin phép NK sau khi nhận được sự đảm bảo rằng các cơ quan chức năng của nước XK có thể đáp ứng các điều kiện NK.
Sau khi nhận được thông tin nới lỏng Lệnh cấm lần thứ 4 của Bộ Nông nghiệp Australia, VASEP đã gửi công văn tới Bộ NN và PTNT kiến nghị các biện pháp cần thiết để XK tôm tươi tẩm ướp sang thị trường Australia.
Thứ nhất, Bộ NN và PTNT làm việc với phía Australia để sớm được công nhận đã đáp ứng được các biện pháp tạm thời của Australia quy định đối với mặt hàng tôm chưa luộc chín có tẩm, đặc biệt là chứng nhận của cơ quan thẩm quyền nước XK về kiểm định virus đốm trắng, đầu vàng...
Thứ hai, Bộ NN và PTNT có hướng dẫn chi tiết thủ tục và quy trình kiểm dịch, cấp chứng thư... để DN có cơ sở đàm phán sớm các hợp đồng XK. Thời hạn cho phép cập cảng Australia (12/7/2017) nên các DN phải chế biến các lô tôm thành phẩm đạt yêu cầu để XK từ trước đó ít nhất 2-3 tuần. Nội dung này cũng liên quan đến quy định của Hàn Quốc về chứng nhận vùng nuôi sạch bệnh trong tương lai khi hết thời gian tạm dừng của Hàn Quốc nên cần tiến hành sớm để kịp với yêu cầu trong trường hợp phía Hàn Quốc không gia hạn thêm nữa.
Thứ ba, theo quy định phía Australia bắt buộc kiểm 100% virus đầu vàng đốm trắng trong khi qua kết quả kiểm tra nguyên liệu gần đây của các DN thì tôm quảng canh rất khó kiểm soát bệnh đầu vàng và bệnh đốm trắng. Do đó xin đề nghị Bộ NN và PTNT có dự báo, đánh giá và khuyến cáo cụ thể cho DN tình trạng hiện nay về kiểm soát dịch bệnh trên tôm đặc biệt là hai bệnh đầu vàng và bệnh đốm trắng để các DN cân đối nguồn lực và tài chính cho việc kiểm soát các chỉ tiêu về virus gây bệnh đầu vàng, bệnh đốm trắng trong hoạt động chế biến và XK các mặt hàng tôm. Việc kiểm tra PCR nguyên liệu tôm đối với các loại bệnh do virus có chi phí khá tốn kém và nếu tỷ lệ không đạt cao sẽ khiến DN rất khó khăn để hoàn thành hợp đồng XK một khi đã ký kết với khách hàng, chưa kể rủi ro lớn khi hàng bị trả lại.
Bên cạnh đó, VASEP cũng đề nghị Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) bổ sung thêm một số cơ quan kiểm PCR đạt chuẩn hiện nay (như Viện NCNTTS 2, các Trung tâm thuộc NAFIQAD...) và cung cấp kết quả để xin chứng thư. Vì thực tế, các lô hàng cuối cùng cũng phải kiểm ở Australia trước khi NK, đồng thời tăng thêm lựa chọn cho cộng đồng DN, tránh quá tải và lấy mẫu-vận chuyển mẫu có thể dẫn đến kết quả không chính xác do các yếu tố địa lý.
Thông báo nới lỏng lệnh cấm đối với tôm chưa nấu chín tẩm của Australia là một cơ hội lớn cho các DN XK tôm đi Úc. Tuy nhiên, để duy trì ổn định và đẩy mạnh XK tôm bền vững sang Úc, bên cạnh sự nỗ lực của các DN XK còn cần sự đóng góp quan trọng và hỗ trợ đắc lực của nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền. Với những nỗ lực và biện pháp xử lý kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền, hy vọng XK tôm sang Úc sẽ ngày càng được đẩy mạnh.