Chia sẻ với:
Nông dân Cà Mau nuôi tôm 'siêu thâm canh'
Hơn ba tháng thả con giống nuôi theo mô hình siêu thâm canh, nhiều nông dân ở Cà Mau thu về hàng tấn tôm nguyên liệu.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở Cà Mau mạnh dạn đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả tích cực. Sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công lớn đang khiến cho diện tích nuôi tăng nhanh, tạo ra bước đột phá mới, mở ra triển vọng cho ngành tôm của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tuần ở xã Phú Thuận, huyện Phú Tân có hai ao nuôi tôm siêu thâm canh, cho biết, để cải tạo ao nuôi theo quy trình kỹ thuật này, ông cho thiết kế một ao có diện tích 1.000 m2 và một ao hơn 1.000 m2. Ngoài ra còn có ao vèo tôm giống với diện tích 200 m2; ao lắng thô, ao xử lý, ao sẵn sàng và ao xử lý nước thải với tổng diện tích gần 8.800 m2…
Đối với ao nuôi, ao vèo tôm giống đều lót bạt. Riêng ao nuôi, ông Tuần dùng lưới che kín phía trên cách mặt ao khoảng 1,5 m. Còn ao vèo tôm giống, ngoài việc dùng lưới che phía trên, còn thêm nylon phủ kín trên mặt lưới nhằm ngăn không để nước mưa rơi xuống ao làm giảm độ mặn của nước trong ao vèo. Tôm giống đem về thả vào ao vèo trong thời gian khoảng một tháng trở lại mới thả xuống ao nuôi.
Với cách làm trên, trong vụ tôm vừa qua gia đình ông Tuần thu hoạch được 9 tấn tôm trên 1.000 m2. Thời gian nuôi hơn 3 tháng, tôm đạt trọng lượng bình quân 33 con một kg, giá bán khoảng 160.000 mỗi kg, đem lại nguồn thu vài trăm triệu đồng.
“Nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, thì mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả cao”, ông Tuần nói và cho biết thêm, với mô hình này, người nuôi phải đầu tư nguồn vốn lớn, riêng gia đình ông đầu tư khoảng 700 triệu đồng cho vụ nuôi.
Chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Dững (ở xã Hòa Tân, TP Cà Mau) cho biết, gần 10 năm nuôi tôm công nghiệp thuần túy, cho thấy rủi ro quá lớn, trúng được vài vụ đầu, còn lại phải “treo ao”. Tuy nhiên, hiện với mô hình này, nông dân sản xuất theo quy trình tuần hoàn nước khép kín, nên đạt chỉ số an toàn cao vì kiểm soát được nguồn nước, ô nhiễm và dịch bệnh. Quân bình mỗi vụ nuôi đem về thu nhập trên dưới một tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, so với cuối năm 2016, diện tích nuôi tôm công nghiệp giảm, tuy nhiên diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng khá nhanh, hiện tại có 570 hộ nuôi, với hơn 675 ha (trong đó, ao nuôi khoảng 250 ha; năng suất thu hoạch khoảng 20 - 50 tấn trên ha mỗi vụ, tỷ lệ thành công trên 85%).
Quy trình này hiện được ngành chuyên môn đánh giá là khá an toàn cho vùng nuôi. Nguồn nước trước khi lấy vào ao nuôi đã được xử lý vi sinh đạt các thông số kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, nguồn nước được đưa trở ra hệ thống ao lắng, ao lọc và xử lý triệt để rồi mới đưa trở lại vào ao cấp, ao nuôi.