Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Nuôi cá thủy điện Sơn La, đánh bắt tới đâu thương lái tranh mua tới đó

Nuôi cá thủy điện Sơn La, đánh bắt tới đâu thương lái tranh mua tới đó

Home Tin Tức Nuôi cá thủy điện Sơn La, đánh bắt tới đâu thương lái tranh mua tới đó
Nuôi cá thủy điện Sơn La, đánh bắt tới đâu thương lái tranh mua tới đó
20/10/2020
42 Lượt xem

Chia sẻ với:

Nuôi cá thủy điện Sơn La, đánh bắt tới đâu thương lái tranh mua tới đó

Thủy điện Sơn La đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn tại các xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Để mở rộng diện tích nuôi cá lồng đang là hướng đi và giải pháp hiệu quả giúp bà con vùng tái định cư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững sau khi chuyển đến nơi ở mới.

Vùng ngập lòng hồ trên địa bàn huyện Sìn Hồ rộng mênh mông, trải dài qua nhiều xã. Khu vực xã Nậm Mạ, nước lặng có độ sâu phù hợp, được đánh giá là có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng. Đây là hướng đi mới, cách làm hay và cũng là giải pháp mang tính đột phá nhằm hình thành vùng nuôi thả cá theo hướng sản xuất hàng hóa. Nuôi cá lồng được xem như giải pháp thay thế trong sản xuất nông nghiệp vì phần lớn đất canh tác của người dân sinh sống tại các xã nằm dọc sông Đà, vùng thấp của huyện Sìn Hồ đã bị ngập sâu.

Tiềm năng sẵn có, lợi ích từ việc Nuôi cá thủy điện đã thấy rõ, nhất là để mở rộng diện tích nuôi cá thương phẩm với số lượng lớn, huyện đã tập trung vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư mô hình trình diễn. Trao đổi với ông Lường Văn Đô - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mạ, chúng tôi được biết, việc vận động bà con nuôi cá lồng từng gặp không ít khó khăn, bởi đây là việc mới, làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con. Từ bao đời nay, người Thái các xã vùng thấp thường chỉ làm ao nuôi cá, chứ chưa có ai nuôi cá trong lồng ở hồ trên núi (người dân nơi đây vẫn thường gọi hồ thủy điện là hồ trên núi). Ban đầu việc nuôi cá chỉ tập trung 5 - 7 hộ ở các bản: Nậm Mạ, Co Đớ, Huổi Ca (xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ)...; trong đó, phần lớn là các hộ trưởng bản, đảng viên. Phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” vận dụng linh hoạt, mô hình thành công và nhân rộng, giúp người dân trong xã thêm vững tâm đầu tư, mở rộng nuôi cá lồng.

Nuôi cá lồng ở Nậm Mạ và các xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ là việc làm mới, quá trình vận động bà con nhân rộng mô hình được chứng minh bằng thực tiễn và đã thành công. Lòng hồ sông nước mênh mông, không khó tìm nơi đặt lồng cá. Lồng cá có thể tận dụng bằng bương, tre, nứa kết thành lại, gia cố thêm lưới ni lông, vì thế kinh phí làm bè, lồng nuôi cá đỡ tốn kém hơn đào ao nuôi thả cá nhiều lần. Anh Vàng Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Mạ hào hứng chia sẻ: Thức ăn để chăn nuôi tận dụng từ cá tạp đánh bắt trong lòng hồ, vì vậy chi phí đầu tư thức ăn cũng giảm đáng kể. Thức ăn chăn nuôi được khai thác từ tự nhiên, nguồn nước thả cá lưu thông thường xuyên nên nuôi cá lồng tránh được nhiều bệnh lây nhiễm ở cá.

Những lứa cá đầu tiên thịt chắc, béo, đánh bắt tới đâu được thương lái thu mua tới đó khiến bà con thêm vững tin vào tương lai của nghề nuôi cá lồng. Cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng với quy mô lớn. Tới thời điểm hiện tại, xã Nậm Mạ có 37 hộ nuôi cá lồng, với 162 lồng cá các loại cá chép, trê lai, lăng, trắm, rô phi... (tăng 5 lần so với thời kỳ mới đưa mô hình cá lồng vào triển khai). Sản lượng mỗi lồng đạt 0,5 - 1 tấn/năm. Tính theo thời giá hiện tại sản lượng cá của khu vực này đạt hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Hiệu quả từ nuôi cá lồng đã giúp cho người dân nơi đây có thêm nguồn thu chính đáng, góp phần thiết thực vào xóa đói, giảm nghèo. Nuôi cá lồng ở Nậm Mạ thành phong trào và lan rộng sang một số địa phương lận cận.

Không chỉ giàu tiềm năng phát triển nuôi cá lồng, lòng hồ Thủy điện Sơn La còn có sức thu hút phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói. Bởi thực hiện di dân lòng hồ, chủ yếu là di vén gắn với sắp xếp lại dân cư. Dù phải xa nơi ở cũ, nhưng bà con vẫn sống chung một cộng đồng và vẫn lưu truyền nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc, đây sẽ là những sản phẩm du lịch thú vị với du khách ưa khám phá. Lòng hồ trải rộng, những ngọn núi chót vót trước đây nay đã bị nước ngập tới lưng chừng tạo thành những đảo nhỏ giữa mênh mông sóng nước của hồ trên núi, tạo cảnh sắc độc đáo chỉ có ở lòng hồ Thủy điện Sơn La. Mở các tuyến, điểm du lịch trên lòng hồ sẽ tạo nguồn thu kép: nuôi cá lồng, phát triển du lịch.

Tiềm năng nuôi cá lồng rất lớn, nhưng khó khăn thử thách cũng không nhỏ bởi nếu nuôi với số lượng lớn, vùng thấp của Sìn Hồ cần có đơn vị liên kết với các hộ chăn nuôi để bao tiêu sản phẩm. Mặc dù thời gian gần đây, giao thông thuận lợi, cá lồng của vùng thấp Sìn Hồ đã được thị trường đón nhận để phục vụ các thực khách. Tin rằng với sự lãnh, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân tái định cư, nghề nuôi cá lồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần đáng kể giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu chính đáng.

Tìm kiếm