Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả

Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả

Home Tin Tức Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả
Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả
16/11/2017
33 Lượt xem

Chia sẻ với:

Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả

Ba huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm biển thâm canh sang quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Đặc biệt, có một số nông dân đã áp dụng công nghệ cao chuyển sang nuôi tôm biển thâm canh 2 giai đoạn. Cùng với việc trúng mùa, giá tôm nguyên liệu thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, người nuôi có lãi.

Giá cao, Người nuôi có lãi

Từ đầu năm 2017 đến nay, ao nuôi tôm sú quảng canh rộng 3,5ha của ông Nguyễn Văn Yêm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú đã mang về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ao tôm đã mang về lợi nhuận như thế. Theo ông Yêm, nuôi tôm sú quảng canh rất… nhàn nhã, vì ban ngày chăm sóc tôm, chiều tối chèo xuồng đi đặt lú. “Nhiều người khuyên tôi nên chuyển qua nuôi tôm thâm canh cho mau giàu. Nhưng tôi nghĩ nuôi tôm thâm canh mà không đủ tiền đầu tư tới nơi tới chốn sẽ dễ bán đất. Sống ở đây hơn 50 năm, tôi đâu còn lạ gì khí hậu thất thường, lắm rủi ro ở xứ biển mình”, ông Yêm chia sẻ.

Không xổ cống vào 2 con nước rằm và 30 như nhiều người nuôi tôm biển quảng canh ở đây, ông Yêm chọn cách đóng chặt cống và đặt lú đều đặn mỗi ngày để thu hoạch tôm sú. Ông Yêm nói: “Mình chủ động chọn độ to nhỏ của lưới để phù hợp với con tôm thiên nhiên hay con tôm sú ở những kích cỡ khác nhau. Làm như vậy sẽ giữ được nguồn nước an toàn cho tôm, vì xung quanh cũng còn không ít người nuôi tôm thâm canh xả nước mang mầm bệnh ra sông. Ngoài ra, con tôm thu hoạch bằng lú sẽ còn sống, bán được cho các quán ăn, nhà hàng với giá đôi khi cao gấp đôi con tôm sú ướp đá”.

Trong khi đó, những nông dân có diện tích đất dưới 1ha tại vùng biển thường áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh cải tiến. Bởi, chi phí đầu tư ít hơn so với nuôi thâm canh, khi thành công thì lợi nhuận cao hơn. Đầu năm 2017, anh Võ Văn Thật ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo 5 vuông nuôi tôm quảng canh thành quảng canh cải tiến. Anh Thật thả với mật độ hơn 200

con/m2. Hai vụ thu hoạch mang về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. “Nuôi tôm quảng canh cải tiến không phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất ít cũng làm được, chỉ cần chịu khó chạy quạt và thu gom thức ăn như cá phân, ốc… có tại địa phương, cùng với ít thức ăn công nghiệp là nuôi được” - anh Thật chia sẻ.

Cùng với việc trúng mùa, năm nay giá tôm biển luôn duy trì ở mức cao. Tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg ở mức hơn 230 ngàn đồng/kg; 40 con/kg hơn 180 ngàn đồng/kg. Riêng tôm sú còn sống loại 30, 40 con/kg giá thường cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với tôm ướp đá; tôm cỡ 50 - 60 con/kg giá luôn trên 125 ngàn đồng/kg, loại 100 con/kg giá trên 100 ngàn đồng/kg. Người nuôi có lãi cao.

Nuôi tôm “sạch”

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, toàn huyện hiện có trên 18 ngàn héc-ta nuôi tôm biển, trong đó khoảng 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm biển thâm canh và hơn 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa. Mô hình nuôi tôm quảng canh thích ứng với biển đổi khí hậu đã đạt hơn 220kg/công/năm, tăng hơn 20% so với các năm trước. Năm nay, trên 90% diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện trúng mùa. Bà con đã theo khuyến cáo trở về với các mô hình có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu như nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, luân canh lúa trong ao tôm. Đặc biệt, trong năm nay, có khoảng 100 héc-ta nuôi tôm thâm canh thông thường chuyển sang nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. 3 vụ nuôi trong năm 2017, nhiều hộ dân đã thành công, năng suất đều trên 90 tấn/héc-ta.

Trong vài năm gần đây, diện tích nuôi tôm thâm canh đầu tư giản đơn tại huyện Thạnh Phú giảm đáng kể. Cụ thể, từ diện tích trên 5 ngàn héc-ta của năm 2013 đã giảm xuống còn khoảng 1,5 ngàn héc-ta vào năm nay. Đây là tín hiệu lạc quan, kiểm soát dịch bệnh tại các vùng nuôi được tốt hơn. Chính quyền đã hỗ trợ người dân tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho con tôm biển bằng các khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh thay vào đó sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ nhằm phát triển thương hiệu cùng với lúa sạch Thạnh Phú. Huyện cũng hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng nuôi tôm sạch, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi. Cũng thông qua mô hình này, huyện quảng bá nhãn hiệu lúa sạch cũng như du lịch sinh thái.

“Việc áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất tôm quảng canh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tiếp theo. Vì điều đó chẳng những làm cho môi trường nuôi luôn giữ được sức đề kháng cao trước dịch bệnh, thời tiết khó lường hiện nay, mà còn là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư hướng đến xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Bến Tre. Có nhà máy chế biến tại chỗ thì giá trị thu được của người nuôi chắc chắn sẽ nhiều hơn và việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết đối với con tôm biển sẽ sớm thành công. Ngoài ra, sử dụng vùng nguyên liệu sạch trên cơ sở phát triển tài nguyên bản địa trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung để phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác phát triển du lịch cộng đồng cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp đang thực hiện”, ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Tìm kiếm